Báo chí Nga cho rằng, những hành động của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương chống lại Nga có thể nhanh chóng bị dập tắt trong trường hợp nổ ra chiến sự tại Biển Đen, khi đó chiến hạm NATO sẽ gặp "ác mộng".
Truyền thông Nga khẳng định, với số lượng khổng lồ các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển được triển khai ở Bán đảo Crimea và dọc theo phần còn lại của bờ biển Nga, khả năng sống sót của bất kỳ tàu chiến NATO nào ở bất kỳ đâu trên Biển Đen được đo lường trong tối đa 14 phút.
Các chuyên gia nhận định, ngày nay việc đi vào Biển Đen của tất cả các chiến hạm NATO đều bị giám sát chặt chẽ, chưa kể việc kiểm soát liên tục đối với tàu của các nước thuộc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã ở trong vùng biển được xem như "nội thủy" của Nga.
Trong trường hợp có nguy cơ bị tấn công nhỏ nhất, các hệ thống tên lửa bờ biển của Nga sẽ đủ khả năng tiêu diệt hoàn toàn bất kỳ mục tiêu nào trong vòng tối đa 14 phút, mặc dù trên thực tế, việc tiêu diệt lực lượng đối phương sẽ xảy ra sớm hơn nhiều.
Lý do là bởi vì tàu mặt nước và tàu ngầm thường xuyên túc trực trên vùng trời và vùng biển của Biển Đen, chưa kể số lượng đáng kể máy bay chiến đấu sẵn sàng thực hiện cuộc tấn công từ trên không.
“Nỗ lực của NATO nhằm thể hiện sự thống trị ở Biển Đen là hoàn toàn vô ích. Nếu cần thiết, Nga có thể không cho phép tàu NATO đi ra ngoài lãnh hải của những quốc gia trong khu vực và bất kỳ hành động gây hấn nào cũng sẽ bị trừng phạt”, báo chí Nga khẳng định.
Mặc dù truyền thông Nga tin vào một chiến thắng dễ dàng cho hải quân nước này, nhưng cựu Tư lệnh Hạm đội Biển Đen - Đô đốc Vladimir Komoedov lại lưu ý tới một kịch bản rất khác nếu phải đối đầu nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Vị Đô đốc lưu ý, tàu sân bay khác với khu trục hạm đơn lẻ khi có độ sâu phòng thủ và tấn công lên tới 1.500 km. Do đó nhóm tác chiến Mỹ hàng không mẫu hạm Mỹ chẳng cần phải tiến vào Biển Đen. Điều này sẽ làm phức tạp cho cuộc chiến của Hải quân Nga.
“Nhóm tấn công tàu sân bay (AUG) Mỹ sẽ không xuất hiện ở Biển Đen khi máy bay của nó có khả năng đạt độ sâu tác chiến 1.500 km. Tên lửa bờ tất nhiên có thể chống lại những nhóm chiến hạm nhỏ và đơn lẻ, nhưng vô dụng trước AUG", ông Komoedov nói.
Bên cạnh đó, cũng rất khó và gần như không thể sử dụng tàu ngầm để chống lại nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ như những gì báo chí vẫn đề cập, bởi vì nguy cơ bị mất tàu ngầm là rất cao.
Đô đốc Kodoemov giải thích, các tàu ngầm Nga được trang bị tên lửa có tầm bắn quá nhỏ chỉ 500 km khi phóng đơn hoặc 350 km khi phóng loạt. Con số này thấp hơn đáng kể so với bán kính tác chiến 1.500 km của tàu sân bay Mỹ.
“Điều này có nghĩa là các tàu ngầm của chúng tôi phải hoạt động ngay bên trong khu vực phòng thủ hiệu quả của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ”, vị Đô đốc nói thêm.
Theo ông Vladimir Komoedov, bán đảo Crimea và các vùng lãnh thổ khác của Liên bang Nga trong khu vực Biển Đen hiện có thể được bảo vệ khỏi cuộc tấn công của tàu sân bay Mỹ chỉ với sự hỗ trợ của hệ thống phòng không.
Tuy nhiên chìa khóa để cải thiện đáng kể an ninh của Biển Đen lại nằm ở khu vực Địa Trung Hải. Ở đó, Nga nên triển khai các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển, chẳng hạn như Bal và Bastion-P.
“Những hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nhóm tác chiến tàu sân bay của đối phương trên đường đi", Đô đốc Kodoemov kết luận.
Bạch Dương