Sự tích các Thành hoàng làng Thăng Long - Hà Nội

Hướng tới kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2020), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa cho ra mắt cuốn sách 'Sự tích các Thành hoàng làng Thăng Long - Hà Nội'.

“Sự tích các Thành hoàng làng Thăng Long - Hà Nội” do PGS.TS. Đỗ Thị Hảo - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cùng sự tham gia của 50 nhà nghiên cứu văn hóa uy tín dày công biên soạn căn cứ vào các văn bản lưu trữ kết hợp với sưu tầm, trực tiếp thực tế tại các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc ở Hà Nội.

Bìa sách “Sự tích các Thành hoàng làng Thăng Long - Hà Nội”. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Cuốn sách giới thiệu các Thành hoàng làng được nhân dân nhiều nơi thờ, như Linh Lang Đại vương có 269 nơi thờ; Cao Sơn Đại vương có 172 nơi thờ. Đặc biệt là Tử Y đại vương Nguyễn Trung Ngạn, ông quan đầu tỉnh của Thăng Long đời Trần, có công tích đặc biệt với dân ở Kinh đô, được dân tôn Thành hoàng phường Hồ Khẩu. Hiện đền Hương Tượng (ở 64 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm) còn lưu 6 sắc phong và hai tấm bia ca ngợi công đức của ông.

Được viết theo lối kể sự tích, với những dẫn chứng sinh động, gần gũi, quen thuộc, cuốn sách giúp bạn đọc hiểu sâu sắc đất và người Hà Nội trong lịch sử nghìn năm, bên cạnh đó có không ít những phát hiện thú vị. Tiêu biểu như việc Công chúa Thiều Hoa - một danh tướng thời Hai Bà Trưng, còn có tài chữa bệnh. Khi theo quân, chính bà là người đã giúp chữa bệnh cho binh lính, dập tắt nhiều dịch bệnh. Hay đình Đại Yên (quận Ba Đình) là nơi thờ Ngọc Hoa - người anh hùng mới 9 tuổi đã theo cha đi đánh giặc Ma Na. Đình Mai Phúc (quận Long Biên) là nơi thờ Xuân Vinh và Luân Nương công chúa, những người theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp 12 sứ quân. Hiện đình thờ bà còn giữ được 28 sắc phong và cuốn sách đồng.

Sách còn giới thiệu về Công chúa Túc Trinh - người khai cơ lập nghiệp làng Đại Áng (huyện Thanh Trì); danh y Hoàng Đôn Hòa - Thành hoàng Đa Sĩ (quận Hà Đông); danh y Nguyễn Đạo An - Thành hoàng làng Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm…

Cùng với đó, nhiều sự tích về các tổ nghề được giới thiệu chi tiết trong cuốn sách. Cụ thể là Lê Công Hành, Tổ nghề thêu - Thành hoàng làng Quất Động (huyện Thường Tín); Trương Công Thành, Tổ nghề khảm trai làng Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên). Một câu chuyện thú vị về người con gái dũng cảm đánh lại hổ dữ, đem lại cuộc sống bình yên cho dân, được người làng Hạ Thái (huyện Thường Tín) tôn là Đức Thánh bà, cũng được nhắc đến trong cuốn sách này.

“Sự tích các Thành hoàng làng Thăng Long - Hà Nội” chắt lọc trong 480 trang, từ những nghiên cứu của các hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội về tục thờ Thành hoàng phổ biến trên đất Việt Nam, trong đó có Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Ở nước ta, tại mỗi làng đều có đình, đền, miếu. Mỗi đình, đền, miếu đều có các bản thần tích (hay còn gọi là ngọc phả), do Bộ Lễ của các triều trước biên soạn. Hằng năm, vua đều phong sắc cho thần. Các vị thần được dân thờ phụng tại đình, đền, miếu ở mỗi làng là những anh hùng chống giặc ngoại xâm, người có công khai hoang mở đất, các vị tổ nghề…

Bên cạnh cuốn sách “Sự tích các Thành hoàng làng Thăng Long - Hà Nội”, hai cuốn “Các vị thần Thăng Long - Hà Nội”“Hội làng Thăng Long - Hà Nội” cũng được các hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội biên soạn và xuất bản nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, là những đóng góp đáng quý, giúp cho độc giả, nhà nghiên cứu hiểu biết và có những thông tin thú vị về mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến.

BV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/su-tich-cac-thanh-hoang-lang-thang-long--ha-noi-post75037.html