Sư Toàn hoàn tục đã bàn giao chùa Nga Hoàng cho Giáo hội Phật giáo chưa?
Đại đức Thích Tâm Vượng - Phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, thầy Toàn đã hoàn tất việc bàn giao chùa Nga Hoàng cho Giáo hội Phật giáo.
Thông tin mới nhất về sư Thích Thanh Toàn (hoàn tục tên Lê Hữu Long), chiều tối ngày 4/11, trao đổi với PV Kiến Thức, đại đức Thích Tâm Vượng - Phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, thầy Toàn đã hoàn tất việc bàn giao chùa Nga Hoàng cho Giáo hội Phật giáo.
Trả lời PV về việc ông Lê Hữu Long đã bàn giao những tài sản gì cho Giáo hội Phật giáo ngoài chùa Nga Hoàng thì tiền bạc và khu đất bên cạnh chùa mà sư Toàn (thế danh Lê Hữu Long) tự định giá 300 tỷ có được bàn giao không? đại đức Thích Tâm Vượng cho biết: “Tất cả đã được bàn giao xong xuôi” và không trả lời gì thêm.
Trước đó, chiều 7/10, hòa thượng Thích Thanh Duệ, trưởng Ban trị sự, trưởng Ban tăng sự tỉnh Vĩnh Phúc, đã ký quyết định về việc bãi nhiệm chức danh trụ trì và thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng đối với đại đức Thích Thanh Toàn.
Đồng thời, quyết định cho đại đức Thích Thanh Toàn (thế danh Lê Hữu Long, sinh năm 1976, quê Quảng Trị) xả giới hoàn tục và giao cho Ban tăng sự thuộc Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành các thủ tục xả giới hoàn tục theo Luật Phật; thu hồi các giấy tờ do giáo hội cấp.
Đại đức Thích Thanh Toàn ( hiện là ông Lê Hữu Long) có trách nhiệm bàn giao chùa, tài sản và con dấu chùa Nga Hoàng cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc chỉ tiếp nhận và quản lý các tài sản hợp pháp cơ sở tôn giáo chùa Nga Hoàng khi đại đức Thích Thanh Toàn bàn giao có sự chứng kiến, tham dự của các cấp chính quyền.
Như Kiến Thức đã đưa tin, những vi phạm nghiêm trọng Luật Phật chế và Hiến chương Giáo hội PGVN khiến sư Thích Thanh Toàn phải xin xả giới, hoàn tục trở về với tên gọi Lê Hữu Long được phát hiện từ việc cuối tháng 9 vừa qua, báo Phụ nữ TPHCM phản ánh việc một nữ phóng viên của báo này trong quá trình tác nghiệp viết bài điều tra tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), đã bị nhà sư Thích Thanh Toàn (khi đó là trụ trì chùa Nga Hoàng ở xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo) có hành vi "gạ tình".
Ngày 4/10, Trung ương Giáo hội PGVN có công văn số 275/CV-HĐTS ngày 04/10/2019 của Trung ương Giáo Hội PGVN về việc thi hành kỷ luật đối với Đại đức Thích Thanh Toàn - trụ trì chùa Nga Hoàng.
Thực hiện chức năng và quyền hạn của Ban Trị sự tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 5/10, Chư tôn đức Thường trực BTS PG Tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức phiên họp chính thức chỉ ra các khuyết điểm sai phạm của Đại đức Thích Thanh Toàn trong thời gian trụ trì chùa Nga Hoàng cũng như sự việc xảy ra theo tờ báo Phụ Nữ Online đưa tin. Tại buổi họp Đại đức Thích Thanh Toàn một lần nữa nhận thấy các khuyết điểm, lỗi lầm của mình vi phạm nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến Giáo hội và Tăng đoàn. Đại đức Thích Thanh Toàn đã thành tâm phát nguyện sám hội Đại Tăng và xin có tờ trình xả giới hoàn tục, bàn giao chùa Nga Hoàng cho Giáo hội Tỉnh quản lý.
“Trong thời gian qua, con đã có làm một số việc ảnh hưởng đến Giáo hội và con cảm thấy không xứng đáng làm một người đệ tử xuất gia. Nay con làm đơn này xin xả giới và hoàn tục, đồng thời con cũng xin giao chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc quản lý” - sư Toàn viết trong đơn tường trình.
Đáng chú ý, trước khi bị Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc bãi nhiệm chức danh trụ trì chùa Nga Hoàng, sư Toàn đã viết tờ trình xin xả giới và hoàn tục nhưng mong muốn được giữ lại tài sản cá nhân.
Báo cáo của UBND huyện Tam Đảo về các sai phạm liên quan đến việc sử dụng đất đai, xây dựng trái phép tại chùa Nga Hoàng của nhà sư Thích Thanh Toàn cho thấy, từ khi về trụ trì chùa Nga Hoàng năm 2008, sư Thích Thanh Toàn đã có hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai với người dân địa phương ở xã Hợp Châu không thông qua chính quyền địa phương, với tổng diện tích là 5.790,9 m2 (nguồn gốc đất là đất ruộng nhận chuyển nhượng của các hộ dân xã Hợp Châu, nhà chùa chưa xây dựng, hiện các hộ dân đang trồng lúa gồm 14 hộ, tổng diện tích 3.937,2 m2 và 1.853,7 m2 đất thủy lợi).
Từ năm 2014 đến năm 2019, nhà sư Thích Thanh Toàn liên tục có những hoạt động sử dụng đất và xây dựng các công trình trái phép, gồm: 1 cổng tam quan bên đồi Phúc Hòa (xây dựng năm 2014); bệ, tượng Phật A di đà 4m2, cao khoảng 3m (xây dựng năm 2015); Đàn tế 1 bục diện tích khoảng 5m2, 1 nhà diện tích khoảng 20m2 (xây dựng năm 2015)...
Tuy nhiên, trao đổi với PV ngày 9/10, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Giáo hội nhận được báo cáo cho thấy, nhà sư Thích Thanh Toàn tự mua hơn 6.000 m2 đất xung quanh chùa Nga Hoàng của người dân. Tuy nhiên, đất này chưa được chuyển nhượng theo Luật Đất đai nên UBND huyện Tam Đảo đã ra thông báo đề nghị giao lại toàn bộ diện tích đất nói trên cho UBND xã Hợp Châu quản lý.
Nói về thỉnh nguyện sở hữu tài sản của sư Thích Thanh Toàn, Thượng tọa Thích Đức Thiện, dù có đúng theo Luật Đất đai nhưng theo Luật Phật chế, một vị tỳ kheo khi vào chùa thì tất cả những gì họ đang sử dụng đều thuộc về Tăng (Tăng đoàn). Đến khi vị tỳ kheo mất đi, ngay cả tài sản trên mình gồm 3 tấm áo cà sa cũng phải chuyển lại cho Tăng, không có sự thừa kế ở đây mà do Tăng đoàn quyết định.
Căn cứ Hiến chương Giáo hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tài sản thuộc về Giáo hội như chùa chiền, cơ sở tôn giáo. Căn cứ theo Nội Quy Ban Tăng sự Trung ương, Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản, Ban trị sự có quyền định đoạt tài sản thuộc tự viện, chùa địa phương, cao nhất là Giáo hội.
Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định rất rõ là sau khi bổ nhiệm trụ trì thì tất cả tài sản thuộc về cơ sở tự viện, tức thuộc Tăng. Sư Toàn sở hữu tài sản cho mục đích hoạt động của cơ sở tự viện, tài sản vẫn thuộc về Tăng, thuộc về Giáo hội và Giáo hội có quyền định đoạt tài sản đó.
Do vậy, việc sư Toàn lý luận do công đức cá nhân thì cá nhân thuộc về Tăng. Căn cứ theo luật Phật, Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương thì sư Toàn không được quyền nhận tài sản, chỉ Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản. Việc đề nghị là việc của sư Toàn, còn quyết định là việc của Giáo hội.
Theo đó, nếu việc mua bán hơn 6.000 m2 đất là hợp pháp, tài sản này cũng thuộc về chùa Nga Hoàng và phải bàn giao lại cho Ban trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc. Còn tất cả tài sản mà sư Toàn kê khai, sau khi xác minh cũng do Giáo hội quyết định chứ không có việc sư Toàn sau khi hoàn tục sẽ được hưởng.