Sư Toàn xin giữ tài sản 200-300 tỷ, nói giờ 'lấy vợ thoải mái'
Sư Thích Thanh Toàn có tờ trình xin xả giới và hoàn tục, trong buổi họp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc có màn giãi bày, đồng thời nhắc tới khối tài sản 200-300 tỷ đồng thầy sở hữu.
Trong đoạn clip ghi lại hình ảnh sư Thích Thanh Toàn giải trình với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều nội dung khá gây sốc và khiến dư luận xôn xao.
Một mặt sư Toàn nhận lỗi vì làm tổn thất cho giáo hội, nhưng mặt khác vẫn cố thanh minh cho hành vi của mình: “Oan ức không cần bày tỏ. Cái đấy là cái lỗi rồi nhưng lỗi không phải như thế. Lỗi đó là làm mất uy tín của giáo hội.
Sư Toàn bị một nữ phóng viên tố sàm sỡ, gạ tình, thậm chí có ghi âm và ghi hình những lời nói, hành vi trái với đạo đức người tu hành. Ấy thế mà sư Toàn vẫn cho rằng: “Cái đấy là cạm bẫy. Chưa chắc hôm nay mình tránh được cạm bẫy này, mai sẽ có cạm bẫy khác”.
Sư Toàn luôn miệng xin chấp hành hết mọi hình thức của Giáo hội: “Con xin chịu hết, xin các ngài cứ làm cái gì tốt nhất cho giáo hội, cho đạo pháp”. Tuy thế, sư xin giữ lại tài sản cá nhân. Sư Toàn giải thích rằng mua trang trại không phải cho riêng mình, để nuôi các cháu ăn học và làm từ thiện cho bệnh viện.
“Trang trại quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ mình bán cho ai hay chuyển như thế nào. Nếu tính tài sản bây giờ cũng khoảng 200-300 tỷ đấy”, sư Toàn nói.
Sư Thích Thanh Toàn lại trở lại vụ việc mình bị tố gạ tình, cho rằng “mình làm mình chịu, đàn ông không sợ gì”. “Nếu muốn lấy vợ bây giờ lấy vợ thoải mái không sợ gì cả. Ăn chơi thoải mái không sợ gì cả. Mặc áo cà sa này họ mới "chơi" còn không bình thường không ai nói được”, sư Toàn nói.
Sáng 7/10, Đại đức Thích Tâm Vượng Phó Trưởng Ban Trị sự, kiêm Chánh Thư ký, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi với Tiền Phong xung quanh quy trình xả giới hoàn tục và xử lý tài sản của sư Thích Thanh Toàn.
Đại đức Thích Tâm Vượng nói, sư Toàn và chính quyền có buổi làm việc với Giáo hội để xác định những tài sản của cơ sở tôn giáo chùa Nga Hoàng. “Chúng ta phải hiểu rõ nguồn gốc tài sản. Nếu phật tử cúng pho tượng, quả chuông đó là tài sản tôn giáo rõ ràng. Nhưng ai đó biếu thầy cái xe thầy muốn lưu thông phải đăng ký, muốn đăng ký phải dùng tên chứng minh thư theo thế danh. Cho nên khi xả giới tài sản mang tên thế danh là quyền của thầy, Ban Trị sự không được phép thu hồi và quản lý tài sản đấy. Theo quy định của pháp luật, người ta đứng tên chủ sở hữu thì người ta có quyền với tài sản đấy”, thầy Thích Tâm Vượng nêu.
Dù vậy, dư luận vẫn cho rằng khối tài sản này có được từ việc Phật tử cung tiến cho nhà chùa, việc sư Toàn giữ lại khối tài sản này không thể chấp nhận được.
Được biết, ngày 8/10 Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định về việc sư Toàn xả giới, cũng như bàn giao tài sản liên quan tới chùa Nga Hoàng.