Sự trở lại của đội quân ngầm CIA
Đội tác chiến đặc biệt (SOG) là đội quân bí mật từng được Cục Tình báo trung ương (CIA) sử dụng rộng rãi trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, do những thất bại của nó ở khắp nơi trên thế giới như ở Iran và Guatemala trong thập niên 1950, ở Việt Nam trong thập niên 1960, ở Nicaragua (vụ Iran-Contra) trong thập niên 1980, đã dẫn đến việc đội quân này hầu như bị xóa sổ.
Giám đốc CIA George Tenet (1996-2004) là người xây dựng lại Đội tác chiến đặc biệt, nhằm tạo nên một cơ quan tình báo quốc gia “hữu hiệu và năng động hơn”. Và từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố, SOG trở thành đội quân tiên phong trên tuyến đầu của CIA.
Quân số của SOG chỉ có vài trăm nhân viên, được đóng chủ yếu ở Pakistan, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và Đông Á. Tuy nhiên, CIA rất tự hào về khả năng cài cắm nhanh và bí mật một nhóm SOG vào bất kỳ nước nào, và đội quân này có thể hoạt động vào bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ đâu.
Tuyển mộ và huấn luyện
CIA thường cử điệp viên bán quân sự trong lực lượng SOG làm công tác tuyển mộ, vì các điệp viên đó từng là sĩ quan quân đội ít nhất 5 năm. Cán bộ tuyển mộ thường la cà ở các câu lạc bộ quân đội, tìm mọi cách lôi kéo những chú lính Mũ nồi xanh thích phiêu lưu và kiếm nhiều tiền hơn. Lương khởi điểm của một nhân viên SOG là trên 50.000 USD/năm trong khi lương của một thượng sĩ Mũ nồi xanh là 41.000 USD.
Ngoài ra, các binh sĩ lực lượng đặc biệt, các toán SEAL (Hải-không-bộ) của Hải quân và Biệt kích không quân được định kỳ phái đến CIA theo chế độ tạm thời để tập luyện các kĩ năng quân sự đặc biệt. Nếu một binh sĩ được giao nhiệm vụ tối mật, lí lịch của anh ta được chỉnh sửa để khoác chiếc áo quân nhân giải ngũ hoặc khoác áo dân sự. Nói cách khác, anh ta được “lột xác” trước khi làm nhiệm vụ mới.
Lính biệt kích, một khi tham gia hoàn toàn vào tổ chức CIA sẽ được đưa đến Trung tâm huấn luyện Peary của CIA, nằm trên một khu rừng rộng chừng 4 ha tại William Burg, Virginia. Tại đây, họ tham dự khóa huấn luyện một năm vốn dành cho những nhân viên CIA hoạt động địa bàn. Họ học những kỹ năng tình báo như thâm nhập vào các nước thù địch, liên lạc bằng mật mã, nhận thư từ hộp thư chết và tuyển mộ gián điệp nước ngoài làm việc cho Mỹ.
Các tân binh SOG tại trung tâm huấn luyện được học sử dụng nhiều loại vũ khí, thực hành tổ chức các khu vực đổ bộ ở những vùng xa xôi cho máy bay của CIA và tấn công các vị trí đối phương bằng lực lượng nhỏ. Một số tân binh SOG được đưa đến căn cứ mật của lực lượng Delta tại Ford Brach để luyện kĩ năng chống khủng bố có tính chuyên nghiệp cao, ví dụ như cách giải cứu một điệp viên bị bắt làm con tin.
Sức mạnh của SOG
Với chủ trương cài cắm đội quân tình báo ngầm ở những nơi mà Mỹ muốn, CIA xây dựng lực lượng SOG ngày càng mạnh.
Đội quân SOG trên biển có tàu cao tốc để chở biệt kích lên bờ; CIA cũng có thể thuê các tàu chở hàng thông qua các công ty bình phong để chuyên chở các vũ khí hạng nặng. Đội quân SOG trên không có máy bay phản lực chở khách luôn sẵn sàng chiến đấu để đưa các điệp viên bán quân sự đến bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ sau khi nhận lệnh có hai giờ. Họ cũng có lực lượng máy bay chở hàng để thả hàng tiếp tế cho các toán SOG hoạt động ở các tuyến xa. Tại Afghanistan và Trung Á, CIA còn tận dụng những máy bay do Liên Xô chế tạo mà Lầu Năm góc thu được trong các cuộc xung đột trước đây hay mua tại chợ đen.
Ngoài ra, đội quân này cũng được trang bị máy bay không người lái Predator, tên lửa Hellfire. Tuy nhiên, những trang bị hiện đại này cũng có nhiều hạn chế, thể hiện qua việc máy bay không người lái Predator từng bắn nhầm vào quân Mỹ hoặc quân đồng minh ở Afghanistan.
Mâu thuẫn giữa Lầu Năm Góc và CIA trong xây dựng SOG
Lầu Năm Góc không ưa gì việc SOG nhảy vào lĩnh vực của họ. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ D. Rumsfeld từng nổi cáu trước việc các toán A thuộc lực lượng Mũ nồi xanh của mình ngồi chờ đội quân ngầm của CIA tạo lập cơ sở rồi mới được tiến vào Afghanistan trong chiến dịch Tự do bất tận năm 2001. Dưới mắt Rumsfeld, đội quân ngầm CIA làm sao sánh được lực lượng Mũ nồi xanh dầy dạn kinh nghiệm.
Thực tế, Lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ đó có đến 44.000 biệt kích Hải-không-bộ thành thục kĩ năng chiến tranh du kích ngầm chẳng khác gì điệp viên CIA. Tại các hầm chỉ huy ở căn cứ không quân Mac Dean, Bộ tư lệnh Tác chiến đặc biệt luôn có những “kế hoạch tình thế” bí mật để điều các toán binh sỹ của mình đến bất kỳ điểm nóng nào trên thế giới, kèm theo đó là các tuyến thâm nhập, bãi đổ bộ, các cơ sở tình báo và các điểm xung kích.
Trong khi đó, ngay trong nội bộ CIA, một số quan chức cao cấp của cơ quan tình báo này cũng cho rằng CIA chỉ nên tập trung vào lĩnh vực tình báo, nên để cho quân đội làm nhiệm vụ biệt kích vì SOG không thể đủ kinh nghiệm để hoạt động hiệu quả.