Sự trở lại của tiền mặt

Tỷ lệ người sử dụng tiền mặt trong cuộc sống hằng ngày đã liên tục giảm từ cuối thế kỷ XX đến nay. Đơn cử như hiện chỉ có khoảng 22% người dân Mỹ thường xuyên đem tiền mặt bên người, trong đó 14% cho biết họ luôn sử dụng tiền mặt. Vậy nhưng một số cuộc điều tra mới đây tại các nước phát triển đã chỉ ra một xu thế mới: Nhiều người đang quay trở lại sử dụng tiền mặt.

Số liệu và thực tại

Cuộc khảo sát gần đây nhất của Tập đoàn LINK (nhà điều hành mạng lưới máy ATM liên ngân hàng tại Anh) cho biết cứ 10 người Anh thì có 7 người sử dụng thẻ ngân hàng làm phương tiện thanh toán chính. Tỷ lệ này tăng nhẹ so với năm 2023, vậy nhưng tỷ lệ người thường xuyên thanh toán bằng tiền mặt cũng tăng. Nếu tính theo nhóm tuổi thì có 17% người Anh từ 16-24 tuổi, 13% từ 25-34 tuổi và 11% từ 35-44 tuổi sử dụng tiền mặt là phương tiện thanh toán chính.

Thanh toán không chạm trở nên phổ biến hơn vì đại dịch COVID-19.

Thanh toán không chạm trở nên phổ biến hơn vì đại dịch COVID-19.

Tại sao giới trẻ Anh lại sử dụng tiền mặt nhiều hơn những người trung tuổi? Theo tờ nhật báo The Telegraph thì một phần là do xu hướng #cashstuffing: “Nhiều Gen Z không lớn lên với những con lợn đất, nhưng không ai nói rằng chỉ có trẻ con mới tìm thấy niềm vui trong việc tiết kiệm. Họ quay lưng với tài khoản tiết kiệm mà cất giữ tiền mặt ở chỗ đầu giường chẳng khác gì ông bà họ... Trên mạng xã hội TikTok hiện đã có hơn 130.000 video với hashtag #cashstuffing”.

Báo The Telegraph cũng chỉ ra rằng nhiều người trẻ tiết kiệm tiền mặt để thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, thuê nhà,... Điểm mạnh của tiền mặt so với thanh toán không chạm là buộc người chi phải luôn nghĩ đến số tiền trong ví mình. Trong khi đó tiền trong tài khoản ngân hàng chỉ là một con số. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường YouGov thì có 21% người Mỹ thường xuyên “vung tay quá trán” khi chi thanh toán qua thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử. Giữa lúc lạm phát tăng cao, lương trì trệ và lãi suất biến động bất ổn, người Mỹ cần mọi cách để giảm chi tiêu, và tiền mặt là một biện pháp khá hiệu quả.

Điều này không có nghĩa là thẻ thanh toán đã bị “soán ngôi” bởi tiền mặt. Theo cuộc điều tra mới đây của Liên hợp quốc tại 110 quốc gia thì có đến 70% số người cho biết họ muốn thanh toán bằng thẻ. Mặt khác cũng có 58% người được hỏi nghĩ rằng việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng khiến họ chi tiêu nhiều hơn. Tỷ lệ này trong lứa Gen Z là 48%, và với nhóm Baby Boomer (60-78 tuổi) là 71%.

Nhiều khách hàng đi siêu thị Tesco đã phải bỏ của chạy lấy người sau khi máy lỗi không thanh toán được bằng thẻ ngân hàng.

Nhiều khách hàng đi siêu thị Tesco đã phải bỏ của chạy lấy người sau khi máy lỗi không thanh toán được bằng thẻ ngân hàng.

Các ngân hàng từ lâu đã biết rõ rằng thói quen tiêu dùng của con người thay đổi khi phương thức thanh toán thay đổi. Nhà nghiên cứu ngân hàng Christophe Uzureau (Pháp) từng viết một bài báo mang tên “Tiền mặt là kẻ thù của các công ty phát hành thẻ” trên tờ Financial Times. Ông viết trong bài: “Các ngân hàng và doanh nghiệp phát hành thẻ phi ngân hàng đang tìm mọi cách để mở rộng thị trường. Trở ngại lớn nhất đối với họ là tiền mặt. Mỗi khi khách hàng sử dụng tiền mặt để thanh toán, các công ty này lại mất đi cơ hội thu phí”.

Ông Uzureau cũng cho biết người tiêu dùng chi trung bình 50% hơn khi họ sử dụng những phương thức thanh toán phi tiền mặt: “Khi con người không phải trải qua cái cảm giác phải rút tiền từ trong ví ra, họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn. Mặt khác họ cũng ít khi cảm thấy tiếc nuối khi món hàng mình mua không vừa ý, đồng nghĩa với việc khả năng họ đòi trả lại hàng thấp hơn”.

Nhiều người còn bị thu hút bởi voucher khuyến mại và hình thức thanh toán trả sau. Nhờ hai hình thức ưu đãi trên mà càng ngày có nhiều người thanh toán bằng ví điện tử, thẻ ngân hàng,... Chúng thúc đẩy mọi người mua sắm hàng hóa xa xỉ mà không phải nghĩ ngợi về cân đối tài chính. Vậy nhưng cảm giác thỏa mãn khi mua hàng cũng giảm đi khi người ta mua sắm qua mạng rồi thanh toán điện tử. Kết quả là người tiêu dùng lại càng mua thêm nhiều hàng hóa không thiết yếu chỉ để “đuổi theo” sự thỏa mãn.

Những dấu hỏi lớn

Càng ngày có nhiều thương hiệu hàng hóa xa xỉ khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng cũng có không ít cá thể đang đi ngược lại xu hướng. Không khó để tìm thấy những cửa hàng nhỏ ở Mỹ, Anh, v.v... treo biển: “Chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt.

Chị Lowri Jones, chủ nhà hàng tại thành phố Cardiff (xứ Wales) cho biết: “Cứ mỗi một bảng khách trả bằng thẻ thì ngân hàng “ăn” mất 0,79%. Đấy là với khách dùng thẻ nội địa, còn khách nước ngoài dùng thẻ Visa, MasterCard hoặc American Express thì sẽ phải trả phí cao hơn. Thế rồi đến cuối tháng ngân hàng dựa trên tổng số tiền đã giao dịch để bắt nhà hàng trả phí hợp đồng dịch vụ thanh toán... Tôi từng treo biển xin phép khách hàng chịu phí giao dịch thay cho nhà hàng, nhưng rồi cũng lại phải bỏ cái biển xuống. Làm thế thật chẳng khác nào đuổi khách từ cửa... Mỗi khi lãi suất lên thì ngân hàng tăng phí chuyển khoản theo, nhưng lãi suất xuống thì ngân hàng lại chẳng giảm phí”.

Trong bối cảnh các ngân hàng phương Tây đang “mắc kẹt” giữa lãi suất tăng nhưng nền kinh tế lẫn hệ thống tài chính đều bất ổn, họ dựa nhiều vào những khoản phụ phí để duy trì cân đối dòng tiền. “Nạn nhân” trong trường hợp này không ai khác ngoài hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ. Mặt khác người tiêu dùng đang càng ngày nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ tiền lại trong nền kinh tế địa phương để duy trì cộng đồng, thay vì để tiền rơi vào trong túi các công ty quốc gia và quốc tế. Hai lý do trên đang dẫn đến việc các cá thể nhỏ lẻ trên thị trường đều muốn thanh toán bằng tiền mặt.

Nhiều người sử dụng tiền mặt để tránh vung tay quá đà.

Nhiều người sử dụng tiền mặt để tránh vung tay quá đà.

Một vấn đề khác đáng bàn là hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán phi tiền mặt. Ngay cả ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Đức và Tây Ban Nha cũng có một số địa phương không có mạng điện thoại tốc độ cao. Chỉ có các quốc gia có độ phủ sóng 100% như Singapore hay Lithuania thì mới thay thế hoàn toàn thanh toán bằng tiền mặt được. Mặt khác nhiều người tiêu dùng cũng không muốn phải phụ thuộc vào mạng wifi công cộng để thanh toán vì sợ bị hacker, mã độc tấn công.

Nhận thức được điều này, các ngân hàng phương Tây đang tìm cách đón đầu xu thế dùng tiền mặt. Sau nhiều năm “bỏ bê” mạng lưới ATM của mình, ba ngân hàng lớn nhất tại Mỹ là JPMorgan & Chase, Bank of America và Citigroup lần lượt tuyên bố sẽ tu sửa, lắp mới và cải tiến máy ATM trên diện rộng. Đây cũng là một bước đi khôn ngoan trong bối cảnh các công ty quản lý ATM độc lập (tức máy ATM liên ngân hàng nhưng không thuộc về bất kỳ một ngân hàng nào) đang đứng trên bờ vực phá sản sau nhiều năm doanh thu giảm. Đang càng ngày có nhiều “điểm chết” trên bản đồ ATM Mỹ chỉ chờ các ngân hàng lấp đầy bằng máy ATM của mình.

Các ngân hàng phương Tây đang nhắm đến việc cắt giảm số chi nhánh và trao thêm khả năng cho máy ATM. Ở một số nơi tại Mỹ và Brazil đang thử nghiệm loại máy ATM cho phép người dùng thanh toán hóa đơn, mua bảo hiểm và nhận lương hưu. Ở Pháp thì ngân hàng Crédit Agricole đã biến một số máy ATM thành điện thoại vô tuyến để người dùng liên hệ trực tiếp với nhân viên ngân hàng. Không ít khách hàng của Crédit Agricole là nông dân đang tận dụng cải tiến trên để được nhận tư vấn về vay vốn chính sách, quản lý nợ,...

Cuộc chiến bí mật

Không phải ai cũng vừa lòng với xu hướng quay trở lại sử dụng tiền mặt. Chuỗi siêu thị lớn nhất nước Anh là Tesco vừa mới tuyên bố sẽ thay đổi cách bố trí điểm thanh toán nhằm ưu tiên khách hàng thanh toán không chạm. Điểm đáng chú ý là chỉ trong vòng 6 tháng qua, Tesco đã hai lần chịu sự cố liên quan đến mạng lưới thanh toán. Không ít siêu thị Tesco phải treo biển chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt. Tập đoàn này còn tuyên bố rằng 40 quán cà phê trong siêu thị của họ tại Anh hiện chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ hoặc ví điện tử.

Nhu cầu rút tiền từ cây ATM ở phương Tây đang tăng lên.

Nhu cầu rút tiền từ cây ATM ở phương Tây đang tăng lên.

Luật pháp Anh không hề có quy định bắt buộc cơ sở kinh doanh phải chấp nhận tiền mặt do khách hàng trả. Vì thế mà nhiều cửa hàng, siêu thị, hiệu thuốc, v.v... ở nước này bây giờ chỉ chấp nhận thanh toán điện tử. Điều này vô hình trung khiến 1,3 triệu người Anh không có tài khoản ngân hàng rơi vào thế bí, muốn mua gì cũng khó. Đấy là chưa kể người già, người khuyết tật và các đối tượng khác gặp khó khăn trong việc thanh toán điện tử.

Sarah Gayton, nhà hoạt động xã hội và thành viên Hiệp hội người mù Anh, nhận xét về động thái của Tesco: “Tesco đang phân biệt đối xử với người khuyết tật. Đáng lẽ ra Tesco phải đa dạng hóa phương thức thanh toán để phục vụ tất cả mọi người, mặc cho hoàn cảnh của họ... Tesco và nhiều doanh nghiệp Anh đang tẩy chay chính một bộ phận khách hàng của họ”.

Việc các cơ sở kinh doanh thúc đẩy thanh toán không chạm rốt cục cũng chỉ là cách để cắt giảm đội ngũ nhân viên và tiết kiệm chi phí. Họ không có động lực nào để giữ lại hình thức thanh toán bằng tiền mặt. Chỉ khi nào chính phủ vào cuộc thì việc đó mới xảy ra. Như là Thủ tướng Anh Keir Starmer vừa tuyên bố trong một cuộc gặp cử tri mới đây rằng nội các đang xem xét việc ban hành luật bắt buộc cơ sở kinh doanh phải chấp nhận khách hàng muốn thanh toán bằng tiền mặt. Ông Starmer cũng bày tỏ sự chia sẻ với các cá nhân và cá thể kinh doanh đang quay lại sử dụng tiền mặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Sẽ cần thêm thời gian để xem lời hứa của ông liệu có trở thành hiện thực.

Ngân hàng Citigroup dự báo khối lượng thanh toán bằng tiền mặt ở Mỹ và Châu Âu sẽ giảm trung bình 5-7%/năm trong vòng bốn năm tới. Đồng thời số lượng cá nhân sống mà hoàn toàn không dùng tiền mặt sẽ tăng 10-25%/ năm. Xu hướng chung vẫn là thanh toán điện tử sẽ dần thay thế tiền mặt. Có hai câu hỏi đặt ra trước các định chế tài chính, thứ nhất là liệu xu hướng quay trở lại tiền mặt phải chăng chỉ là xu hướng ngắn hạn xảy ra bởi điều kiện kinh tế hiện tại? Câu hỏi thứ hai là liệu tất cả mọi người đã sẵn sàng chấp nhận một xã hội không dùng tiền mặt không?.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/Khoa-hoc-Ky-thuat-hinh-su/su-tro-lai-cua-tien-mat-i744422/