Sự trở lại ngoạn mục của cựu Thủ tướng Áo
Trong cuộc bầu cử trước thời hạn ngày 29-9 vừa qua, đảng Nhân dân Áo (OVP) theo đường lối bảo thủ của ứng cử viên hàng đầu, cựu Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã dẫn đầu và cầm chắc khả năng đứng ra thành lập chính phủ mới.
Chiến thắng này cho thấy, cử tri Áo vẫn dành niềm tin cho OVP bất chấp Ibizagate, vụ bê bối chính trị lớn nhất tại Áo thời kỳ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Dù vậy, đây mới chỉ là bước đầu tiên trong hành trình trở lại của cựu Thủ tướng Kurz và việc thành lập chính phủ liên minh sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng dành cho ông Kurz cũng như đảng OVP.
Cuộc bầu cử Quốc hội Áo trước thời hạn diễn ra sau vụ bê bối Ibizagate liên quan tới Phó Thủ tướng Heinz-Christian Strache khiến chính phủ liên minh bị hạ bệ. Ibizagate trở thành vụ bê bối chính trị lớn nhất tại Áo kể từ năm 1945 sau khi nhật báo Tấm gương (Der Spiegel) của Đức công bố đoạn video ghi lại cảnh ông Hein-Christian Strache - Phó Thủ tướng kiêm lãnh đạo FPO cực hữu trong liên minh cầm quyền tại Áo - và Phó Chủ tịch đảng này là ông Johann Gudenus có cuộc gặp tại Ibiza với một phụ nữ được cho là cháu gái một nhân vật có ảnh hưởng chính trị tại Nga.
Cuộc gặp này diễn ra năm 2017, không lâu trước khi diễn ra cuộc bầu cử tại Áo. Trong đoạn video, ông Strache được cho là đã đề nghị giúp một công ty giành được các hợp đồng dự án công để đổi lại sự hỗ trợ tài chính và chính trị từ doanh nghiệp này.
Sau khi sự việc bị phanh phui, Quốc hội Áo đã bỏ phiếu thông qua bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Sebastian Kurz khiến ông này phải từ chức. Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen sau đó đã chỉ định Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Brigitte Bierlein làm Thủ tướng lâm thời của nước này.
Theo kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử, đảng bảo thủ OVP của cựu Thủ tướng Kurz, có tỷ lệ ủng hộ dự kiến khoảng 37,2%. Lý giải về chiến thắng của OVP và Sebastian Kurz, giới phân tích cho rằng OVP đã điều chỉnh hoàn toàn chiến dịch tranh cử của cựu Thủ tướng Kurz. Trong quá trình vận động, ông Kurz bày tỏ cam kết muốn tiếp tục hiện đại hóa nước Áo.
Qua các cuộc tranh luận trên truyền hình, nhiều cử tri Áo gọi cựu Thủ tướng Kurz là người có năng lực kinh tế cao. Trong khi các vấn đề về di cư, tị nạn không còn đóng vai trò chi phối như trong chiến dịch bầu cử năm 2017. Quan trọng hơn, người dân Áo chưa tìm được lựa chọn thay thế ông Kurz, người mà trong 18 tháng cầm quyền đã triển khai một số chính sách đáng chú ý, mang lại lợi ích cụ thể như hỗ trợ thu nhập cơ bản, bảo hiểm xã hội cho người thất nghiệp, đẩy mạnh phát triển chính phủ số và kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thắt chặt biên giới Schengen.
Hơn nữa, chiến dịch tranh cử của OVP được ông Kurz tiến hành một cách bài bản, chú trọng xây dựng bản thân như ngôi sao đang lên trên chính trường Áo và người duy nhất có thể mang lại những thay đổi chính trị đáng kể tại quốc gia này. Hình ảnh của ông Kurz thường xuyên xuất hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook và Instagram, thu hút các cử tri trẻ tuổi.
Tuy nhiên, việc Thủ tướng Kurz trở lại nắm quyền trong 5 năm tới được dự báo là sẽ gặp không ít khó khăn. Trước hết là khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác để thành lập một chính phủ liên minh. Giới chuyên gia dự đoán ông Kurz có thể bắt tay lại với đảng Tự do (FPO) để thành lập chính phủ liên minh đồng thời đưa Chủ tịch đảng này Hofer lên làm Phó Thủ tướng.
Đây được cho là phương án khả thi nhất, bởi tân lãnh đạo FPO - Hofer - được đánh giá là mềm mỏng hơn so với người tiền nhiệm Strache và lập trường chính trị của OVP và FPO có một số điểm tương đồng, đặc biệt là trong vấn đề người nhập cư. Một kịch bản khác là OVP có thể thành lập chính phủ liên minh với đảng Dân chủ Xã hội SPO, song người Áo dường như đã ít nhiều mất niềm tin vào “Đại Liên minh” OVP và SPO cầm quyền từ Chiến tranh thế giới 2 và không mong muốn kịch bản này tái hiện.
Ngoài ra, đảng Xanh, với tỷ lệ ủng hộ tăng vọt nhờ chính sách chống biến đổi khí hậu trong chiến dịch tranh cử, vốn là điều mà cử tri Áo quan tâm hàng đầu, cùng đảng Nước Áo tự do mới NEOs cũng có thể là một lựa chọn. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Xanh Werner Kogler hôm 29-9 tuyên bố, đảng của ông sẽ chỉ cân nhắc tham gia liên minh cầm quyền của chính trị gia theo đường lối bảo thủ Sebastian Kurz sau các cuộc bầu cử nếu có một “sự thay đổi triệt để” trong phương hướng so với liên minh trước đây của cựu Thủ tướng Áo với phe cực hữu.
Một kịch bản cuối cùng là khi các phương án thành lập chính phủ liên minh trên không khả thi, ông Kurz có thể thành lập chính phủ thiểu số, song điều này đồng nghĩa với việc chính trị gia 33 tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn trong 5 năm nhiệm kỳ, chứ chưa nói tới việc triển khai các chính sách, nghị trình vốn đã gây tranh cãi.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác để thành lập một chính phủ liên minh, Thủ tướng Kurz và đảng OVP cũng gặp khó khăn trong lĩnh vực kinh tế. Viện Nghiên cứu kinh tế Áo (WIFO) vừa đưa ra dự báo kinh tế Áo sẽ "hạ nhiệt" trong 5 năm tới với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức trung bình 1,6% mỗi năm cho đến năm 2023.
Nhậm chức hồi tháng 12-2017 khi mới 31 tuổi, ông Kurz trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Áo và cũng là lãnh đạo trẻ nhất thế giới. Đáng chú ý là ông Kurz gia nhập khối thanh niên của đảng Nhân dân Áo (OVP) từ năm 2003 và cựu sinh viên luật chưa có bằng này đã trở thành một ngôi sao trên chính trường và là bộ trưởng ngoại giao trẻ nhất trong lịch sử thế giới khi mới 27 tuổi.
Trong bối cảnh làn sóng dân túy đang ngày một trở nên mạnh mẽ ở ngay tại những quốc gia chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU) như Đức, Pháp, chính trường Vienna thời gian tới sẽ tiếp tục là sân chơi của đảng trung hữu OVP và ông Sebastian Kurz.
Bước sảy chân vừa qua của chính trị gia trẻ tuổi này chỉ đơn thuần là một bài học kinh nghiệm về xử lý khủng hoảng và chẳng thể ngăn cản được ông hay những nhân vật hàng đầu khác của phong trào dân túy tại châu Âu tiếp tục nắm quyền giữa lòng lục địa già.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/su-tro-lai-ngoan-muc-cua-cuu-thu-tuong-ao-564274/