Sự trỗi dậy của các bể bơi làm nóng bằng Bitcoin

Đằng sau những hệ thống máy đào khổng lồ là cả một đường ống nhận nhiệm vụ dẫn nhiệt và cung cấp năng lượng cho các hồ bơi, khu spa đá nóng trên khắp thế giới.

 Một hồ bơi ở Bathhouse Flatiron, thành phố New York được làm nóng bằng những cỗ máy khai thác Bitcoin. Ảnh: Andrew R. Chow.

Một hồ bơi ở Bathhouse Flatiron, thành phố New York được làm nóng bằng những cỗ máy khai thác Bitcoin. Ảnh: Andrew R. Chow.

Tại một khu spa Bathhouse ở bang Manhattan, Mỹ, khách hàng được thả mình, thư giãn trong những hồ bơi ấm áp. Nhưng điểm đặc biệt là những hồ bơi này không được sưởi bằng phương pháp truyền thống, mà từ hàng dãy máy khai thác Bitcoin chạy liên tục.

Tận dụng nhiệt dư từ máy đào Bitcoin

Sáng kiến độc đáo này sử dụng nhiệt lượng từ những dàn máy đào để giữ nhiệt cho hồ bơi. Đây là một trong những cách tái sử dụng hoạt động điện toán khổng lồ để mang lại lợi ích cho xã hội.

Đào Bitcoin là quá trình máy tính giải các phương trình phức tạp để xác minh giao dịch trên blockchain, nhưng gây không ít tranh cãi vì tiêu tốn nhiều năng lượng.

Do đó, đồng sáng lập spa Bathhouse Jason Goodman đã tìm cách tận dụng nguồn năng lượng này, chuyển nhiệt từ những máy đào sang làm ấm các hồ bơi tại spa.

Goodman cho biết phương pháp này hiệu quả hơn so với máy sưởi điện truyền thống. Không chỉ thế, họ còn có thể tích lũy được một lượng Bitcoin với hy vọng sẽ tăng giá trị trong tương lai. Dù quy mô hoạt động nhỏ, Bathhouse đã kiếm được 1,5 Bitcoin vào năm 2023, tương đương khoảng 90.000 USD theo giá hiện tại.

Bathhouse bắt đầu hoạt động ở Brooklyn vào năm 2019, cung cấp dịch vụ hồ bơi nước nóng, bồn ngâm nước lạnh và phòng xông hơi khô cho người dân New York cần thư giãn. Ban đầu, đồng sở hữu Goodman và Travis Talmadge làm nóng hồ bơi của họ bằng máy sưởi điện. Đây là lựa chọn rẻ nhất.

“Nhưng chúng là những ‘con lợn điện’ thực sự. Bạn luôn phải cung cấp năng lượng cho nước bằng cách hút điện ra khỏi tường. Thông thường, cách rẻ nhất để làm một việc gì đó lại là cách làm ít tiết kiệm năng lượng nhất”, Goodman nói với Time.

 Máy tính đào Bitcoin tại Bathhouse Flatiron ở thành phố New York. Ảnh: Andrew R. Chow.

Máy tính đào Bitcoin tại Bathhouse Flatiron ở thành phố New York. Ảnh: Andrew R. Chow.

Sau đó, cặp đôi này tình cờ xem được video YouTube của một thợ đào Bitcoin. Người này làm nóng bể bơi ở sân sau bằng hoạt động khai thác tiền mã hóa.

Những thợ đào như anh thường chạy các phương trình phức tạp trên máy tính để đào Bitcoin mới. Hoạt động điên cuồng này tạo ra một lượng nhiệt khổng lồ cần được làm mát để tránh tình trạng quá nhiệt, thường là bằng quạt.

Tuy nhiên, thay vào đó, một số ít thợ đào ở Mỹ lại thu nhiệt từ máy tính thông qua bộ trao đổi nhiệt và máy bơm, sau đó truyền nhiệt để giữ ấm hồ bơi.

Goodman và Talmadge đã được truyền cảm hứng. Bathhouse hiện có 12 máy ASIC (một loại máy tính chuyên khai thác Bitcoin) chạy ở Brooklyn và 20 máy ASIC ở Manhattan, với tổng công suất 5200 terahash (chưa đến 1/100 công suất của nhiều giàn khai thác Bitcoin quy mô công nghiệp). Công ty hiện cũng đang lên kế hoạch mở rộng nhằm tăng gấp 3 quy mô hoạt động Bitcoin tại Brooklyn.

Những bể bơi này đang che giấu điều gì?

Goodman nói rằng hóa đơn tiền điện của Bathhouse vẫn giống như trước đây: khoảng 20.000 USD/tháng ở Brooklyn và 40.000 USD/tháng ở Manhattan. Goodman có kế hoạch giữ số Bitcoin mà họ kiếm được thay vì sử dụng nó để chi trả chi phí hoạt động, với hy vọng rằng giá của nó sẽ tăng về lâu dài.

Ông nói: “Nếu giá Bitcoin giảm và về 0, chúng tôi sẽ có một đống thiết bị vô dụng và chắc chắn sẽ phải suy nghĩ lại về những gì mình đang làm. Chúng tôi đang làm điều đó vì kinh tế đóng vai trò rất lớn trong thế giới ngày nay”.

Goodman cũng nhấn mạnh rằng mục đích của các giàn khai thác không phải là tối đa hóa lợi nhuận. Trên thực tế, các thợ mỏ đi ngủ bất cứ khi nào hồ bơi đạt đến nhiệt độ mong muốn. “Cũng có vài người gièm pha chúng tôi, nhưng đại đa số khách hàng chẳng quan tâm. Họ không ngồi trong hồ bơi và thắc mắc tại sao nó lại nóng lên”, ông nói.

Không chỉ riêng Bathhouse, nhiều dự án tương tự cũng đang xuất hiện trên toàn thế giới. Ở Paris, một trung tâm dữ liệu cung cấp năng lượng cho một bể bơi Olympic, trong khi một startup của Anh tên là Deep Green đang sưởi ấm hàng trăm bể bơi khắp lãnh thổ nước này bằng nhiệt từ các trung tâm dữ liệu. Ở Phần Lan, trung tâm dữ liệu còn được sử dụng để làm ấm toàn bộ thị trấn.

Nhưng trong khi những người ủng hộ lập luận rằng những giải pháp này có thể làm giảm chi phí năng lượng tại địa phương và giảm mức sử dụng điện và nước, nhiều nhà môi trường lo ngại những cách làm này chỉ đang che lấp vấn đề lớn hơn.

Các trung tâm dữ liệu sử dụng một lượng năng lượng khổng lồ và có xu hướng ngày càng tăng. Trong đó, phần lớn được cung cấp năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và phần lớn nhiệt thải của chúng thể tái sử dụng hoàn toàn.

 Trung tâm dữ liệu Equinix PA10 đã sưởi ấm Trung tâm thể thao dưới nước Olympic Paris 2024. Ảnh: Proloog.

Trung tâm dữ liệu Equinix PA10 đã sưởi ấm Trung tâm thể thao dưới nước Olympic Paris 2024. Ảnh: Proloog.

Jeremy Fisher của tổ chức Sierra Club cảnh báo làm nóng một bể bơi với năng lượng dư thừa của trung tâm dữ liệu nghe có vẻ là một ý tưởng hay, nhưng nó giống như việc sử dụng bộ tản nhiệt của xe Hummer ngốn xăng làm máy ép bánh panini.

"Có thể đó là ý tưởng thông minh, nhưng nó không thực sự giải quyết được vấn đề cốt lõi là chúng ta cần năng lượng sạch để tránh khủng hoảng khí hậu”, chuyên gia khẳng định.

Đồng ý với quan điểm trên, Sasha Luccioni, nhà nghiên cứu AI và hoạt động bảo vệ môi trường, cho rằng dù những sáng kiến nhỏ lẻ này có tác động tích cực, chúng không thể giảm bớt nhu cầu năng lượng lớn do đào Bitcoin và các trung tâm dữ liệu gây ra.

Các nhà phê bình cho rằng những nỗ lực như vậy là một dạng "greenwashing" - thay đổi nhỏ để tỏ ra thân thiện với môi trường - mà không giải quyết tác động lớn hơn.

“Thay vì sưởi ấm bể bơi, điều chúng ta thực sự cần là sự minh bạch trong một lĩnh vực tác động ngày càng lớn đến lưới điện, môi trường và sức khỏe cộng đồng”, Fisher khẳng định.

Cuối cùng, dù các dự án như của Bathhouse mang đến những thay đổi thú vị, câu hỏi lớn vẫn còn đó: Liệu những phương pháp này có thực sự tạo ra khác biệt lớn trong việc giảm lượng khí thải carbon của các trung tâm dữ liệu và khai thác tiền mã hóa? Hay chỉ đơn thuần là giải pháp tạm thời cho một vấn đề lớn hơn?

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/su-troi-day-cua-cac-be-boi-chay-bang-bitcoin-post1496450.html