Sự trỗi dậy của các cosplayer
Từng chỉ xem cosplay là cách thỏa mãn sở thích cá nhân, nhiều cosplayer bắt đầu định vị hình ảnh, tạo dựng danh tiếng và có nhu nhập không nhỏ từ những màn hóa trang.
Trong nhiều năm, phần lớn cosplayer coi việc hóa trang như một thú vui, tìm niềm hào hứng trong việc chế tạo trang phục, mang những nhân vật yêu thích của mình vào cuộc sống và tận hưởng sự thỏa mãn khi được sống như nhân vật đó dù chỉ trong vài giờ.
Song dần dần, một số người bắt đầu biến cosplay thành sự nghiệp nghiêm túc, toàn thời gian.
Ngay cả khi đại dịch khiến một số nguồn thu bị giảm, ví dụ như tham gia các sự kiện, không ít cosplayer vẫn có thể kiếm tiền từ nhiều nguồn khác, biến bản thân trở thành người có ảnh hưởng, theo Insider.
Theo một báo cáo của Allied Market Researc, thị trường cosplay toàn cầu ước tính trị giá 4,62 tỷ USD vào năm 2020.
Một trong những người thành công nhất trong việc tìm kiếm chỗ đứng trong ngành là Enako (27 tuổi, Nhật Bản). Cô tuyên bố kiếm được 500.000 USD vào năm 2020 thông qua cosplay và bán hàng.
Enako có hơn 1,6 triệu người theo dõi Instagram và trên Twitter là 1,3 triệu.
Năm 2016, Enako cho biết cô kiếm được 1 triệu yen (9.000 USD)/tháng từ việc cosplay và làm người mẫu. Con số này ngày càng tăng khi cô trở nên nổi tiếng hơn. Cosplayer 27 tuổi nói cô từng nhận được gần 100.000 USD trong một ngày khi tham dự sự kiện Comiket 2018 và con số tương tự vào năm 2019.
Số tiền mà Enako kiếm được từ cosplay khiến nhiều người hâm mộ sốc, không ít người đã quay sang kêu gọi cô xin lỗi vì khoe khoang về sự giàu có giữa đại dịch Covid-19. Trung bình, một người Nhật Bản kiếm được khoảng 400.000 yen (3.590 USD)/tháng.
Enako cũng không phải cosplayer duy nhất thành công trong việc kiếm ra tiền từ việc hóa trang thành các nhân vật hoạt hình.
Tạo dựng danh tiếng, kinh doanh sản phẩm riêng
Một trong những cosplayer hàng đầu Đông Nam Á là người mẫu lưỡng tính có nghệ danh Hakken (23 tuổi) sống tại Malaysia. Cosplay từ năm 13 tuổi, 3 năm trước, sự nghiệp của Hakken bắt đầu khởi sắc.
Hiện, số người theo dõi Hakken trên Instagram là 2,7 triệu, Facebook là 1,2 triệu.
"Tôi bắt đầu được quan tâm khi đăng loạt ảnh hóa trang Itachi Uchiha trong phim hoạt hình 'Naruto'. Khi đó, lượng người theo dõi trang cá nhân tôi tăng lên. Tôi cũng xác định phong cách cosplay của mình, thay vì chỉ tái hiện các nhân vật 2D, tôi chỉnh sửa lớp trang điểm và cố gắng trông tự nhiên nhất có thể, đồng thời tưởng tượng nhân vật sẽ trông như thế nào ngoài đời thực".
Để làm được điều đó không dễ. Hakken cho biết các bộ trang phục cosplay thông thường của mình có giá 100-500 USD. Các buổi chụp cần di chuyển nhiều hay yêu cầu trang phục chi tiết hơn có thể lên tới 25.000 USD.
Tuy nhiên, cosplayer 23 tuổi cho biết thành quả thu được hoàn toàn xứng đáng với những gì đã đầu tư.
"Nếu suôn sẻ, tôi có thể kiếm được 20.000-30.000 USD/tháng từ việc bán đồ và quảng cáo thương hiệu", Hakken cho biết, nói thêm thu nhập trung bình vẫn rơi vào khoảng 5.000-6.000 USD/tháng.
"Tôi rất kỹ tính trong việc chụp hình. Vì vậy, tôi thường mất nhiều thời gian để chỉnh sửa và tung ra những bộ ảnh mới. Khi tôi đăng tải, các bức ảnh phải hoàn hảo".
Sở hữu lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội và ngoại hình đẹp đồng nghĩa với việc các thương hiệu cũng bắt đầu chú ý đến Hakken. Ngoài việc bán các loại ảnh, sách ảnh, Hakken còn trở thành gương mặt đại diện cho các chiến dịch quảng cáo của nhiều công ty game và điểm du lịch ở Nhật Bản.
Ngoài ra, cosplayer 23 tuổi còn ra mắt dòng trang sức của riêng mình trong mùa hè này, hợp tác với trang web bán lẻ SIXTYPERCENT của Nhật Bản và thương hiệu Twentyone August của Hàn Quốc.
"Bạn có thể biến cosplay thành công việc toàn thời gian ngay cả trong đại dịch. Tuy nhiên, bạn phải xác định điều này không chỉ là để giải trí nữa, đó là một công việc kinh doanh".
Thách thức
Dù hóa trang thành một nhân vật hư cấu và đứng trước ống kính nghe có vẻ hấp dẫn, cosplay vẫn là kiểu sự nghiệp có tuổi thọ ngắn và đối mặt nhiều khó khăn.
"Tôi nói trước với những nghệ sĩ của mình rằng tuổi thọ trong nghề của họ sẽ rất ngắn vì một khi già đi, họ sẽ đánh mất vẻ ngoài. Trên hết, những người thực sự thành công chỉ chiếm số ít", Tan Zhao Han, giám đốc công ty quản lý cosplay Geist Productions, nói.
Tan quản lý các tài năng cosplay làm việc ở Canada, Việt Nam và Singapore, những người từng làm việc với các thương hiệu như Uniqlo và Monster Energy.
Tuy nhiên, Tan cho biết để được các nhãn hàng để mắt tới, các cosplayer cần có ít nhất một bộ hình nổi tiếng trên mạng và nằm trong "top 0,01%" trong vô vàn cosplayer nổi lên hàng năm.
Bất chấp đại dịch, một số cosplayer do Tan quản lý có thể đạt thu nhập gần 10.000 USD/quý.
Yosuke Sora, cosplayer ngoài 20 tuổi ở Singapore, cho biết cô đã có 3 tháng bận rộn với các chiến dịch quảng cáo của Porsche và Skechers.
"Tôi đã nhận khoảng 10 hợp đồng thương hiệu trong quý vừa qua. Nhưng cũng vì làm việc trong ngành quảng cáo, tôi dành tất cả buổi tối và cuối tuần để cosplay. Điều đó có thể đem lại lợi nhuận tiền bạc song việc liên tục phải tạo ra nội dung có thể gây căng thẳng".
Tan nhận xét do dịch Covid-19, tất cả sự kiện cosplay bị tạm dừng gây ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của nhiều cosplayer chuyên nghiệp.
"Ngành công nghiệp cosplay có thể là một bữa tiệc thịnh soạn hoặc ngược lại, nhưng nếu bạn sẵn sàng đầu tư thời gian và năng lượng để bắt kịp xu hướng, bạn hoàn hoàn có thể tạo dựng được sự nghiệp của mình. Tất nhiên, bạn có ngoại hình đẹp và một chút may mắn càng tốt.
Nhưng một ngày nào đó khi thức dậy, bạn hoàn toàn có thể nhận ra có ai đó đẹp, trẻ hơn và nổi tiếng hơn bạn. Đây là một ngành đầy biến động và bão hòa, vì vậy bạn cần làm việc chăm chỉ".
Rithe (24 tuổi, Singapore) cho biết thu nhập của cô bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Cô là cosplayer toàn thời gian và nói vẫn có thể kiếm được khoảng 2.000-3.000 USD từ việc bán các mặt hàng như sách ảnh.
"Trước đại dịch, tôi từng kiếm được khoảng 2.000 USD/ngày tại một sự kiện anime vào cuối tuần. May mắn là hiện giờ tôi vẫn có nguồn thu nhập ổn định từ bán đồ".
Kiyo (24 tuổi), cosplayer người Mỹ gốc Trung Quốc, lại tin rằng đại dịch thực sự là thời điểm hoàn hảo để trở thành một cosplayer. Kiyo hiện sống ở Singapore, từng kiếm được phần lớn tiền từ việc xuất hiện tại các sự kiện anime. Hiện, cô chuyển sang đăng nội dung trên một số nền tảng trả phí.
Ngoài ra, cô gái có hơn 250.000 người theo dõi cũng livestream chơi game, đăng bài quảng cáo cho một số thương hiệu. Hiện, cô kiếm được khoảng 6.000 USD/tháng từ các nguồn thu này.
“Nếu đang nghĩ đến việc tham gia cosplay chuyên nghiệp, tôi nghĩ bây giờ có thể là thời điểm tốt nhất để bạn bắt đầu sự nghiệp. Việc lan tỏa nội dung trực tuyến dễ dàng hơn vì nhiều người đang ở nhà".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-troi-day-cua-cac-cosplayer-post1267976.html