Sự trỗi dậy củng cố quyền lực của thái tử Saudi
Từ chỗ chỉ là một trong số hàng nghìn hoàng tử tại Saudi Arabia, ông Mohammed bin Salman đã vươn lên trở thành thái tử, củng cố vị trí người kế nhiệm ngai vàng.
Hiện ở tuổi 37, ông Mohammed bin Salman, còn gọi là MBS, về cơ bản đã thay vua cha, Quốc vương Salman bin Abdulaziz, điều hành đất nước.
Hôm 27/9, Thái tử Mohammed bin Salman được bổ nhiệm vai trò thủ tướng - vị trí thường chỉ dành cho vua Saudi Arabia. Vị thái tử đã “nhảy cóc” qua một thế hệ chú bác cùng anh em họ để trở thành người thừa kế ngai vàng tại một trong những nước quân chủ tập quyền cuối cùng.
Thái tử Mohammed bin Salman đã thực thi những thay đổi làm rung chuyển cả vương quốc, nới lỏng những hạn chế tôn giáo từng định hình xã hội Hồi giáo bảo thủ trong hàng chục năm.
Ông cũng cố giảm thiểu sự phụ thuộc của Saudi Arabia vào xuất khẩu dầu mỏ để tái định nghĩa vị thế nước này trên thế giới, thông qua thúc đẩy phát triển các ngành mới như du lịch.
Người ủng hộ cho rằng tham vọng táo bạo của vị thái tử là cần thiết để cứu vớt một nền kinh tế không bền vững. Nhưng trong mắt người phản đối, Thái tử Mohammed bin Salman có lối cầm quyền quá cứng rắn và còn bị cáo buộc đứng sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi vào năm 2018.
Không cúi mình trước phương Tây
Có lẽ không gì thể hiện quyền lực của Thái tử Mohammed bin Salman nhiều hơn là sự thay đổi trong thái độ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Khi còn tranh cử tổng thống, ông Biden hứa sẽ khiến Saudi Arabia trở thành nước bị cả thế giới quay lưng vì vụ nhà báo Khashoggi bị giết trong lãnh sự quán nước này ở Istanbul. Sau khi nhậm chức, ông Biden đã tránh giao thiệp với Thái tử Mohammed bin Salman.
Đánh giá của tình báo Mỹ kết luận vị thái tử nhiều khả năng đã “chấp thuận” chiến dịch bắt giữ hoặc sát hại nhà báo Khashoggi - người có thái độ chỉ trích chính phủ Saudi Arabia.
Ông Mohammed bin Salman đã bác bỏ cáo buộc trên, dù ông vẫn nhận trách nhiệm “trên tư cách nhà lãnh đạo” của Saudi Arabia.
Vụ sát hại đã khiến một số nhà đầu tư quay lưng với Saudi Arabia, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của ông Mohammed bin Salman là một nhà cải cách theo đuổi những sự tự do mới trong một vương quốc bảo thủ.
Theo Washington Post, ông Biden chưa bao giờ hoàn toàn xa lánh hoàng gia Saudi, nhưng Nhà Trắng khẳng định tổng thống Mỹ sẽ chỉ tiếp xúc với “người đồng cấp”, tức Vua Salman bin Abdulaziz.
Tuy nhiên, tới giữa năm nay, giá dầu leo thang đã gây áp lực buộc ông Biden phải tìm cách giảm lạm phát. Điều này đồng nghĩa với việc tổng thống Mỹ phải hàn gắn quan hệ với Saudi Arabia, nước có khả năng tăng giảm xuất khẩu dầu.
Hồi giữa tháng 7, ông Biden có cuộc gặp song phương với Thái tử Mohammed bin Salman. Cái cụng tay của hai người trước ống kính đã đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn lạnh nhạt.
Tương tự ông Biden, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây từng cố gắng cô lập Thái tử Mohammed bin Salman vì cái chết của nhà báo Khashoggi lúc này đều mong muốn nhận được hỗ trợ từ vị thái tử Saudi Arabia.
“Toàn bộ nỗ lực của phương Tây sau sự kiện Khashoggi nhằm hạn chế tiếp xúc với ông Mohammed bin Salman đã ngày một suy yếu. Chuyến thăm của ông Biden đã thật sự bắn viên đạn chí mạng vào ý tưởng ấy”, chuyên gia Ayham Kamel của hãng tư vấn Eurasia Group nói, theo Reuters.
Trỗi dậy từ góc khuất
Là một trong hàng nghìn hoàng tử thuộc vương thất Saudi, ông Mohammed bin Salman tốt nghiệp bằng luật từ Đại học Vua Saud và bắt đầu sự nghiệp trong chính quyền. Trong thời gian này, ông Mohammed bin Salman duy trì quan hệ thân thiết với cha, ông Salman bin Abdulaziz, vị thống đốc lâu năm của thủ đô Riyadh.
Sau khi cha lên ngôi vua vào năm 2015, địa vị của ông Mohammed bin Salman cũng đã nhanh chóng đi lên.
Ông Mohammed bin Salman được vua cha sắc phong làm phó thái tử, tức người có thứ bậc kế vị cao thứ hai, cũng như được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc phòng. Ông được giao quản lý hội đồng kinh tế và giám sát công ty dầu mỏ nhà nước độc quyền Saudi Aramco.
Nhưng vị trí mới của ông Mohammed bin Salman cũng đặt ông vào thế cạnh tranh với người anh họ, Thái tử Mohammed bin Nayef, còn gọi là MBN. Tháng 6/2017, ông Mohammed bin Nayef bất ngờ từ bỏ vị trí thái tử và trao lại cho em họ Mohammed bin Salman, khi ấy 31 tuổi.
Dựa trên các nguồn quan chức Mỹ và người hiểu nội tình ẩn danh, New York Times đưa tin ông Mohammed bin Nayef đã bị giam lỏng tại cung điện Safa tại Mecca vào khuya 20/6/2017. Trong nhiều tiếng sau, quan chức hoàng gia gây sức ép buộc ông từ bỏ toàn bộ chức tước.
Ông Mohammed bin Nayef ban đầu không khuất phục. Nhưng theo thời gian, vị hoàng tử 57 tuổi - vốn là người mắc bệnh tiểu đường phải chịu di chứng từ một vụ đánh bom ám sát hụt vào năm 2009 - dần thấm mệt. Ít lâu trước bình minh, ông đồng ý từ chức, theo New York Times.
Cùng ngày 21/6/2017, quốc vương Saudi Arabia ra sắc lệnh tước bỏ mọi chức tước của cựu Thái tử Mohammed bin Nayef.
Trả lời Reuters, quan chức Saudi bác bỏ câu chuyện của New York Times. Họ cho rằng đây là “thông tin hoàn toàn hư cấu, xứng tầm Hollywood”.
Tháng 11/2017, 5 tháng sau khi trở thành thái tử, ông Mohammed bin Salman ra lệnh truy quét chống tham nhũng sâu rộng. Một số thành viên hoàng gia nổi trội cũng bị sa lưới, bao gồm Hoàng tử Alwaleed, người được mệnh danh là “Warren Buffett của Arabia” với khối tài sản hơn 20 tỷ USD toàn cầu.
Cuộc truy quét cũng được cho là đã giúp củng cố quyền lực của vị thái tử.
Triều đại MBS còn dài hàng chục năm
Dưới sự trị vì của mình, Thái tử Mohammed bin Salman đã nới lỏng nhiều giới hạn xã hội như bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe, giới hạn thẩm quyền của cảnh sát tôn giáo và cho phép tổ chức hòa nhạc công cộng và cho người khác giới được sinh hoạt chung.
Những thay đổi ấy nằm trong khuôn khổ kế hoạch của vị thái tử dành cho tương lai trong một xã hội đa dạng và cởi mở hơn, có tên là Tầm nhìn 2030.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của vị hoàng tử, nhà chức trách Saudi cũng đã trấn áp nhiều nhóm người thuộc mọi trường phái chính trị. Năm 2020, nhà chức trách Saudi bắt giữ ông Mohammed bin Nayef cùng một người em trai của vua, Hoàng tử Ahmed bin Abdulaziz, với cáo buộc phản quốc.
Thái tử Mohammed bin Salman cũng theo đuổi đường lối đối ngoại quyết liệt hơn các lãnh đạo khác. Saudi Arabia dưới thời ông đã có tranh chấp rồi hòa giải với nước láng giềng Qatar.
Nhưng vị thái tử cũng bắt đầu chiến dịch ném bom tại Yemen vào năm 2015. Từ đó tới nay, cuộc nội chiến tại Yemen đã biến thành một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Những người phản đối cho rằng Hoàng tử Mohammed bin Salman còn thiếu kinh nghiệm và cứng đầu. Phong cách trị vì của ông sẽ khiến không còn ai khác có thể kiềm chế hoặc hoài nghi các quyết sách của vị thái tử.
Cách vị thái tử tạo ra thay đổi nhanh chóng đối với cuộc sống tại Saudi Arabia cũng khiến một số người dân thường ở đây - những người đang chật vật để đuổi kịp chi phí sinh hoạt leo thang - cảm thấy đáng ngại.
Nhưng cũng nhiều người Saudi khác ủng hộ nhiệt tình vị thái tử và kế hoạch của ông.
Họ cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman đã giúp hồi sinh nền kinh tế, khai phóng tiềm năng tăng trưởng và trao cho họ những quyền tự do xã hội cơ bản từng vắng bóng. Họ còn cho rằng sức trẻ của vị thái tử là lợi thế ở một quốc gia có hơn nửa công dân dưới 30 tuổi.
Dù thế nào đi nữa, Thái tử Mohammed bin Salman nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì hiện diện tại Saudi Arabia và dự kiến kế vị vua cha. Việc ông còn trẻ có nghĩa ông sẽ có thời gian hàng chục năm để theo đuổi chương trình nghị sự của mình và củng cố di sản.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-troi-day-cung-co-quyen-luc-cua-thai-tu-saudi-post1360133.html