Sự trỗi dậy và sụp đổ của một thủ lĩnh hội kín Ku Klux Klan
Trong cuốn sách mới, Timothy Egan đã nhìn lại quá trình phát triển của Ku Klux Klan vào những năm 1920 trong đời sống chính trị và dân sự của Mỹ.
Hình ảnh một đoàn người lớn đeo mặt nạ trắng từng rất phổ biến tại Mỹ trong thế kỷ trước. Vào ngày 4/7/1923, tại một công viên ven sông ở Kokomo, Indiana, các gia đình đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Độc lập với cờ, hoa, dưa hấu và bánh nướng, hát các bài hát yêu nước và tham gia diễu hành.
Và nhiều gia đình trong số trên, với số lượng lên tới hàng nghìn người, đội mũ trùm đầu và áo choàng màu trắng của Ku Klux Klan (3K hoặc KKK) với các biểu ngữ nhấn mạnh rằng “Nước Mỹ là của người Mỹ”. Một diễn giả nổi bật của ngày hôm đó, David C. Stephenson, bước ra khỏi buồng lái phía sau của chiếc máy bay mang nhãn hiệu Klan. Đám đông khuỵu gối và sung sướng vươn tay ra. “Những thần dân xứng đáng của tôi”, Stephenson hớn hở.
Và cuốn sách mới đầy sức mạnh của Timothy Egan A Fever in the Heartland tập trung chính vào D.C. Stephenson. Đây là nhân vật trung tâm trong quá trình bành trướng của Klan khắp vùng Trung Tây nước Mỹ vào những năm 1920, có sức mạnh bóp nghẹt đời sống người dân và nắm giữ quyền lực chính trị, tuy nhiên, cũng đã rơi vào sụp đổ nhanh chóng.
Trong thế kỷ qua, câu chuyện về D.C Stephenson đã được nhiều người quan tâm, cả giới học giả lẫn người mê mẩn triết lý cực đoan của nhóm này. Tuy nhiên Egan, cựu nhà báo của tờ New York Times, đã cho ra đời một tác phẩm sống động với cách tiếp cận đặc sắc. Có rất nhiều điều trong cuốn sách này, đôi khi giống kịch bản cho một thủ tục tố tụng tội phạm, có đoạn lại giống một bộ phim kinh dị.
Sức ảnh hưởng bao trùm xã hội
Theo sử gia Linda Gordon, thập niên 20 đánh dấu thời kỳ “lần thứ hai tái xuất của KKK”. Giống lần xuất hiện đầu tiên vào thế kỷ 19, nhóm này một lần nữa khai thác sự thù hằn chủng tộc, coi người da trắng là nạn nhân của các chủng tộc khác để mở rộng sự ảnh hưởng. Các hành động cực đoan của họ cũng giống trước đó như tra tấn, đánh đập hay treo cổ. Nhưng ở lần trỗi dậy thứ hai, 3K đã đưa ra lời kêu gọi vượt xa khu vực miền Nam nước Mỹ, tập hợp được sự giận dữ trong xã hội và vươn tay tới cả những người theo đạo Tin lành da trắng đang gặp khó khăn. Những tín đồ của 3K lúc đó là những kẻ theo chủ nghĩa thuần chủng tộc, bảo thủ truyền thống chống lại sự phát triển hiện đại hay những kẻ luôn lo sợ bị những người Công giáo và người Do Thái “mất trí, bệnh hoạn” thay thế và đẩy ra ngoài xã hội.
Tập hơn những tín đồ này, 3K đã có sức ảnh hưởng đáng kinh ngạc với sự tham gia của một số lượng lớn người Mỹ. Egan viết có thể nói Klan “chính là tổ chức xác định được tầm ảnh hưởng, định hình và tạo dựng mục tiêu của thời kỳ đó”.
Mọi người có thể mua sắm tại các cửa hàng được Klan chấp thuận, nấu các công thức nấu ăn được Klan đồng ý, ghi danh cho con trai vào trường trung học của Klan và đưa các cô con gái vào Câu lạc bộ 3K, còn bản thân thì có thể dành cả buổi tối để hát những bài hát của Klan bên đàn piano.
Theo cách nói sau này, 3K là một hệ sinh thái. Egan giải thích: “Mọi người nhận được tin tức từ các biên tập viên trung thành với Klan”, hoặc từ một mạng thông tin sai lệch lan truyền những lời dối trá với tốc độ chóng mặt như: Tham nhũng giúp cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển, cảnh sát và các chính trị gia bị mua chuộc, các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người Do Thái, Công giáo hoặc người da màu đã bị phá sản...
Ở Indiana, Klan đã đạt được trạng thái hùng mạnh nhất: Số lượng thành viên lớn nhất và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với đời sống người dân. Egan nhận xét: “Klan sở hữu bang này và Stephenson sở hữu Klan”.
Sự suy đồi của thủ lĩnh KKK
Stephenson là mẫu người điển hình của đầu thế kỷ 20: một người đàn ông có nguồn gốc không rõ ràng, thể hiện sự quyến rũ tàn ác và luôn tìm đường từ thị trấn này sang thị trấn khác để giành lấy những cơ hội lợi lộc.
Egan đã vạch ra sự thăng tiến của Stephenson từ một kẻ “đầu đường xó chợ” đến một kẻ mị dân bậc nhất. Tên này đã nghiên cứu các bài phát biểu của nhà độc tài Mussolini, hiểu điều gì sẽ khiến mọi người ghét bỏ và từ đó tự mô tả mình là “nhà tâm lý học đại chúng hàng đầu thế giới”.
Chưa đầy 2 năm sau khi đội mũ trùm đầu và mặc áo choàng của hội, Stephenson đã kiểm soát Klan ở 21 bang. Tên này cai trị Klan từ một văn phòng có bảy chiếc điện thoại màu đen và một chiếc màu trắng trên bàn làm việc. Stephenson tuyên bố rằng chiếc điện thoại màu trắng có đường dây trực tiếp nối với Tổng thống Mỹ - một vị trí mà hắn mong đợi một ngày nào đó sẽ nắm giữ.
Nhưng tham vọng của Stephenson trái ngược với thực tại. Trong thời gian đầu, tống tiền và tham ô giúp Stephenson trở nên giàu có và phô trương. Vị thế trong Klan cũng giúp ông ta trở nên quyền lực và trong một thời gian, không thể chạm tới. Tại dinh thự lộng lẫy hoặc trên chiếc du thuyền dài 98 foot của mình, Stephenson đã tổ chức những bữa tiệc xa hoa.
Trong khi những “vệ binh” của Klan đi lang thang khắp bang, dập tắt sự phóng túng, thì Stephenson và những vị khách của ông ta, thẩm phán và các quan chức được bầu, đã uống rượu lậu và thưởng thức nhiều món ăn xa xỉ. Stephenson càng uống nhiều, ông ta càng thể hiện rõ bản năng phóng túng của mình. Ông ta cũng là một kẻ săn mồi tình dục tàn bạo.
Stephanson đã đánh người vợ thứ hai của mình dã man đến mức bà phải mất hàng tháng trời mới hồi phục. Ông ta cũng chuốc thuốc mê phụ nữ và tấn công tình dục họ. Có lần ông ta đã phải vào tù nhưng chỉ ở trong một đêm và sáng hôm sau được đưa ra ngoài, nhanh chóng và lặng lẽ.
“Tôi là luật”, Stephenson nói với nhóm của mình. Điều này dường như không chỉ là khoe khoang mà nó đúng là sự thật vào thời điểm đó.
Và với Stephenson, bắt cóc, hãm hiếp và sát hại phụ nữ không phải là điều hiếm. Nhưng vào năm 1925, việc Stephenson phải chịu trách nhiệm về việc tấn công tình dục và giết hại một phụ nữ tên Madge Oberholtzer phần nào mang lại sự ngạc nhiên.
Tác giả Egan đã mô tả rất rõ vụ án này, từ toa tàu nơi xảy ra vụ cưỡng hiếp, bên giường bệnh của Oberholtzer, nơi cô dùng hết hơi tàn để đưa ra "tuyên bố hấp hối", nhà tù quận, nơi cảnh sát trưởng giam giữ Stephenson với đầy đủ rượu whisky, xì gà và các bữa ăn nấu tại nhà, và cuối cùng đến phòng xử án, nơi luận điệu “Tôi là luật” của Stephenson bị luật pháp ném trả vào mặt.
Egan không chỉ thể hiện được công lý cho Oberholtzer mà còn đề cao tinh thần nhân văn của cô: Cô không chỉ là nạn nhân đơn thuần, mà là một phụ nữ trẻ “táo bạo” đã nêu cao tinh thần của một thời đại bị Klan tìm cách đàn áp.
Trên tất cả, A Fever in the Heartland không chỉ hấp dẫn về nội dung mà còn là một sự suy ngẫm đạo đức khi người da trắng tìm cách đạt được quyền lực tối cao. Và sau khi phiên tòa xét xử Stephenson diễn ra, tin tức này được lên trang nhất trên khắp nước Mỹ, nhiều người đã từ bỏ Klan và thậm chí đốt áo choàng của họ. Trong vòng một hoặc hai năm sau khi Stephenson bị kết án, Klan đã mất hầu hết thành viên và đi vào suy tàn.