Sự trung thực với Đảng nhìn từ việc kỷ luật ông Lê Đức Thọ
Chúng ta đang bắt đầu chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, việc đánh giá, lựa chọn cán bộ là công việc hệ trọng và yêu cầu đầu tiên của những người được lựa chọn phải là sự trung thực trước Đảng và Nhân dân.
Ngày 2/10, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre).
Theo kết luận của Bộ Chính trị, ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.
Vi phạm của ông Lê Đức Thọ được Bộ Chính trị chỉ rõ là "mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân".
Lần đầu tiên một cán bộ cao cấp bị xử lý vì kê khai tài sản thiếu trung thực
Có thể thấy, đây là lần đầu tiên một cán bộ cao cấp bị xử lý về việc kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực, một trong những hành vi được coi là tiêu cực theo quy định của Đảng.
Mặc dù việc kê khai để kiểm soát tài sản, thu nhập đã được thực hiện ngay từ Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998 nhưng biện pháp này luôn được coi là chưa hiệu quả, thậm chí đã có lúc bị đánh giá là “mang nặng tính hình thức”.
Với số lượng kê khai không nhỏ, việc kê khai đã dần đi vào nền nếp nhưng việc phát hiện và xử lý những người có hành vi không trung thực trong việc kê khai được báo cáo là rất ít ỏi.
Trong khi đó, những tài sản kếch xù, cuộc sống xa hoa không cần giấu giếm của không ít người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy Nhà nước diễn ra ngay trước mắt bàn dân thiên hạ đang là nỗi bức xúc của người dân. Dù chỉ là cảm nhận, người dân có quyền nghi ngờ về sự trung thực trong việc kê khai tài sản.
Những vụ án đã và đang được xét xử phần nào minh chứng cho điều đó. Thử hỏi những thứ “quà tặng” triệu đô mà những kẻ phạm tội trong vụ “chuyến bay giải cứu” hay trong vụ Việt Á có được kê khai theo quy định?
Câu trả lời chắc chắn là không. Bởi vì họ làm sao có thể giải thích nguồn gốc những khoản tiền đó cho hợp lý.
Thêm nữa, không ít kẻ tham lam, tội lỗi tự nuôi dưỡng “niềm tin” vào sự thiếu hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng để mà ung dung hưởng lạc những đồng tiền tội lỗi.
Nhưng họ đã nhầm! Đảng ta nhận thức sâu sắc tính chất phức tạp của cuộc chiến chống giặc nội xâm nên đã tiến hành kiên quyết, kiên trì từng bước và bài bản khoa học.
Những biện pháp được thực hiện từ không đến có, từ cảnh tỉnh răn đe đến kiên quyết xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Nếu như những ngày đầu kê khai tài sản chỉ như là một lời nhắc nhở để mỗi cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm, răn dạy mình mỗi khi đặt bút vào bản kê khai thì từng bước việc kê khai tài sản thu nhập đã được kiểm soát chặt chẽ hơn. Các biện pháp xử lý người thiếu trung thực cũng ngày càng cụ thể hơn, mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Điều đó không chỉ được thể hiện qua sự hoàn thiện của pháp luật mà hơn thế nữa còn được quy định trong các quy định của Đảng, với những đòi hỏi cao hơn, thể hiện sự gương mẫu của một đảng cách mạng. Từ chỗ kê khai tài sản chỉ mang tính thủ tục, đến chỗ việc kê khai được đánh giá xác minh.
Từ tháng 10/2022 đến tháng 7/2023, Thanh tra Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh đối với 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định. Đáng chú ý trong đó đó có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Bảo vệ thanh danh
Có thể thấy rõ, quy định về kê khai, xác minh sự biến động tài sản và xử lý những người vi phạm trong việc này đã và đang đi vào cuộc sống. "Lò đã nóng thì không ai có thể đứng ngoài cuộc". Chúng ta kiên quyết mạnh mẽ nhưng cũng rất kiên trì bài bản, nhân văn.
Tổng Bí thư đã từng cảnh báo: “Những kẻ nhúng chàm hãy dừng tay và tự mình gột rửa, ai không làm thì hãy đứng sang một bên” và đương nhiên một khi đã cố tình vi phạm, đã bất chấp kỷ cương, đã bỏ ngoài tai những lời răn dạy và cả những bài học đau đớn từ những tấm gương tày liếp thì những kẻ tội lỗi sẽ bị trừng trị dù bất cứ kẻ đó là ai, dù có chạy đi bất cứ phương trời nào!
Chúng ta đang bắt đầu chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, việc đánh giá, lựa chọn cán bộ là công việc hệ trọng và yêu cầu đầu tiên của những người được lựa chọn phải là sự trung thực trước Đảng và Nhân dân.
Việc rà soát, đánh giá trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ đảng viên sẽ là một công việc cụ thể phục vụ cho quá trình này.
Sau án kỷ luật cách tất cả chức vụ trong đảng thì nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định của Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ ắt hẳn sẽ được các cơ quan làm rõ. Và đường đi của khối tài sản không trung thực, thiếu minh bạch này cũng còn nhiều điều chưa được "bật mí", cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và cuộc đấu tranh tìm kiếm sự trung thực của cán bộ trong kê khai tài sản nói riêng mặc dù còn nhiều cam go nhưng qua vụ việc của ông Lê Đức Thọ, chúng ta có niềm tin vào sự kiên quyết, kiên trì của Đảng.
Đúng như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Kiên quyết không để lọt vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước những kẻ thoái hóa, biến chất, thiếu trung thực”. Điều đó cũng chính là góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ thanh danh của Đảng và trên hết đó là vì sự phồn vinh của đất nước và sự ấm no hạnh phúc của Nhân dân.
TS. Đinh Văn Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ)