Sự trưởng thành vượt bậc của ngành Dầu khí Việt Nam
Gần 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam đã trải qua một hành trình từ 'không' đến 'có', từng bước xây dựng, hình thành, phát triển, vươn lên trở thành một ngành kinh tế quan trọng, trụ cột trong nền kinh tế Việt Nam.
Hành trình từ "không" đến "có"
Ngay sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài đã hình dung và đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí mạnh để làm nền tảng, động lực cho công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước. Sau khi đi thăm ngành dầu khí Anbani, Bungari, Liên Xô, Bác Hồ đã đề nghị Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng ngành Dầu khí.
Ngay sau đó, Liên Xô đã cử các chuyên gia có kinh nghiệm vừa nghiên cứu khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí, vừa đào tạo cán bộ dầu khí Việt Nam. Một kế hoạch tổng thể về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam đã được các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đề xuất và từng bước triển khai. Các sinh viên và cán bộ Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước cử sang Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác để học và thực tập về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và lọc hóa dầu...
Trên cơ sở nhận định về triển vọng dầu khí ở miền Bắc Việt Nam, để triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, Tổng cục Địa chất ra Quyết định số 271-ĐC ngày 27/11/1961 thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa số 36 (thường gọi là Đoàn 36) trực thuộc Tổng cục Địa chất. Đoàn 36 có nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu hỏa và khí đốt trên phạm vi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là tổ chức tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) sau này.
Vinh dự được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao trọng trách tìm kiếm, quản lý, giữ gìn, khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của đất nước, tập thể cán bộ, người lao động Petrovietnam qua các thời kỳ luôn ý thức được trách nhiệm đối với Tổ quốc, với nhân dân, vượt mọi khó khăn, từng bước xây dựng ngành Dầu khí trưởng thành và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Có thể khẳng định, Petrovietnam đã trải qua một hành trình phát triển nhiều kỳ tích, từ “không” đến “có”, đã biến nhiều điều không thể thành có thể, đã đi từ vị trí người làm thuê, người học việc đến tự chủ về mọi mặt, từ khoa học công nghệ, triển khai các hoạt động thăm dò khai thác một cách hiệu quả cũng như làm chủ các lĩnh vực lọc hóa dầu, dịch vụ. Lớp lớp thế hệ “Những người đi tìm lửa” đã cống hiến không mệt mỏi, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gặt hái được nhiều thành tựu, làm nên thương hiệu Petrovietnam uy tín cả trong và ngoài nước.
59 năm, Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. Trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Những hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam của Petrovietnam cũng góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Bên cạnh đó, với việc triển khai các hợp đồng dầu khí ở nước ngoài, với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao. Trong cuộc làm việc vào tháng 9/2020 với Petrovietnam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển. Petrovietnam có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao, làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong nước và ngoài ngước. Petrovietnam cũng là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng. Có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Vững vàng vượt "bão kép"
59 năm qua, bước tiến lớn nhất của Petrovietnam là việc vươn mình làm chủ khoa học công nghệ dầu khí. Với việc tìm ra dầu ở tầng đá móng Bạch Hổ, Petrovietnam đóng góp lớn về lý luận và thực tiễn cho khoa học dầu khí thế giới cũng như đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Đến nay, Petrovietnam đã hoàn toàn thực hiện được những công việc khó khăn nhất trong các lĩnh vực như việc triển khai thành công Dự án Biển Đông 01, khai thác khí và condensate trong điều kiện khó khăn mang lại nguồn thu lớn cho đất nước.
Năm 2020 cũng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Petrovietnam. 2020 - lần đầu tiên trong lịch sử, ngành Dầu khí trải qua cơn khủng hoảng kép, giá dầu giảm sâu nhu cầu tiêu dùng sụt giảm do tác động của đại dịch Covid-19. Trong lịch sử, Petrovietnam từng trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, có những thời điểm khủng hoảng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng giai đoạn này mới là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của ngành Dầu khí, sóng gió ập đến từ nhiều phía. Liên tiếp các cuộc “khủng hoảng” giá dầu vào cuối năm 2015 kéo dài đến đầu năm 2018. Đặc biệt, cuộc “khủng hoảng kép” từ đầu năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của Tập đoàn. Ngoài ra, Petrovietnam đã và đang phải đối diện với nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, đó là Quy chế tài chính chưa được ban hành; Luật Dầu khí không còn phù hợp, chưa được sửa đổi; các khó khăn thị trường, dịch bệnh; về nguồn lực, cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người, về hoạt động đầu tư… Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên toàn Tập đoàn, vững vàng, kiên trì triển khai đồng bộ các gói giải pháp ứng phó, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, an toàn, Petrovietnam vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế.
Cụ thể, sản lượng quy dầu lũy kế 10 tháng đầu năm 2020 ước đạt 17,32 triệu tấn, vượt 2,3% kế hoạch; Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 464,5 nghìn tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch; Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 58,3 nghìn tỷ, đạt 86% kế hoạch. Sản lượng sản xuất phân bón trong Tập đoàn duy trì ở mức cao, tháng 10 vượt 42,7% kế hoạch; lũy kế 10 tháng vượt 11,9% kế hoạch. Các đơn vị trong toàn Tập đoàn cũng thực hiện nghiêm túc các giải pháp nhằm ứng phó với tác động kép (dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu). Trong 10 tháng năm 2020, toàn Tập đoàn đã thực hiện tiết giảm 8.111 tỷ đồng, đạt 87% so với mục tiêu tiết giảm cả năm.
Trong gian khó, càng thể hiện rõ bản lĩnh, 2020 - đội ngũ người lao động Dầu khí cũng đã nắm bắt, làm chủ quy trình bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất, Nhà máy Đạm Cà Mau hoàn toàn bằng các đơn vị dịch vụ trong ngành mà không phụ thuộc chuyên gia nước ngoài. Petrovietnam cũng tự tin với việc đóng các giàn khoan, giàn công nghệ trung tâm đảm bảo yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cho các nhà thầu dầu khí quốc tế. Bên cạnh đó, các giàn khoan của Petrovietnam cũng đủ sức cạnh tranh với các công ty dầu khí nước ngoài trong các dự án dầu khí.
2020 - Petrovietnam là một trong số ít các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới ghi nhận các chỉ tiêu tài chính tích cực, không thua lỗ trong bối cảnh thị trường dầu khí toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này càng thể hiện rõ năng lực, sự tự tin, không ngừng học hỏi, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với những khó khăn, thách thức của “Những người đi tìm lửa”.