Sự tương đồng trong trang phục của nhóm cướp Tây Ban Nha và 'Us'
Trong loạt phim 'Money Heist' đang gây sốt, các nhân vật chính đều khoác lên mình trang phục và đeo mặt nạ giống hệt nhau. Phục trang này gợi nhớ đến 'Us'.
Money Heist đã lên sóng được bốn mùa, với mùa 4 vừa ra mắt khán giả vào ngày 3/4. Đến ngày 6/4, loạt phim vẫn duy trì vị trí dẫn đầu top phim được xem nhiều nhất trên Netflix ở Việt Nam. Series truyền hình Tây Ban Nha còn được giới phê bình đánh giá cao với 100% điểm tươi trên Rotten Tomatoes cho mùa hai và ba.
Với sức hút nói trên, các chi tiết quan trọng và đặc biệt của Money Heist trở thành đề tài phân tích, mổ xẻ. Trong đó, ý nghĩa của chiếc mặt nạ cùng bộ trang phục màu đỏ cũng được truy tìm trở lại.
Bộ trang phục kỳ quái
Nội dung Money Heist xoay quanh phi vụ táo tợn của một băng cướp gồm những tên tội phạm bị truy nã. Băng cướp đó hoạt động dưới sự chỉ đạo của nhân vật bí ẩn là Giáo sư (The Professor). Họ phải thực hiện nhiều hành động phi pháp theo kế hoạch của ông.
Các thành viên của nhóm cướp buộc phải giữ kín danh tính và chỉ được gọi nhau bằng bí danh theo tên thành phố gồm Tokyo (Úrsula Corberó), Rio (Miguel Herrán), Berlin (Pedro Alonso), Nairobi (Alba Flores), Denver (Jaime Lorente), Moscow (Paco Tous), Oslo (Roberto Garcia Ruiz) và Helsinki (Darko Perić).
Ở hai mùa đầu tiên, nhóm cướp xông vào Xưởng đúc tiền Hoàng gia Tây Ban Nha, bắt giữ con tin và cố gắng kéo dài thời gian để có thể in ra một số tiền lớn. Sang mùa 3 và 4, mục tiêu thay đổi, họ tấn công vào Ngân hàng Nhà nước Tây Ban Nha.
Những tên cướp che giấu diện mạo thực sự dưới chiếc mặt nạ mang khuôn mặt của Salvador Dali - họa sĩ người Tây Ban Nha có tầm ảnh hưởng lớn vào thế kỷ 20 với phong cách siêu thực. Ngoài ra, tất cả đều mặc duy nhất một loại trang phục là kiểu áo liền quần màu đỏ.
Ý nghĩa của bộ trang phục
Tờ Express dẫn ý từ một bài viết của The Tate, lý giải nguyên nhân nhóm cướp lựa chọn chiếc mặt nạ đặc biệt nói trên. Hầu hết sáng tạo của họa sĩ Salvador Dali đều ra đời giữa lúc phong trào nghệ thuật Dada nổ ra. Phong trào này có nguồn gốc từ Thụy Sỹ, xuất hiện vào thời Thế chiến thứ I và đạt đến cao trào vào năm 1916-1922.
Thông qua sáng tạo nghệ thuật, các nghệ sĩ của phong trào này ngầm lên án chế độ cầm quyền đương thời - cội nguồn của chiến tranh và khổ đau. Các tác phẩm của Salvador Dali cũng chủ yếu tập trung vào nội dung chối bỏ xã hội tư bản hiện đại. Điều này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng của nhóm cướp ở Money Heist.
Bên cạnh đó, tờ Express cũng chỉ ra rằng nhóm cướp sử dụng những bộ áo liền quần màu đỏ xuất phát từ việc màu sắc đó có ý nghĩa quan trọng xuyên suốt lịch sử. Theo Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Google, màu đỏ từng tượng trưng cho sự tự do sau khi nhiều cuộc cách mạng nổ ra trên thế giới, bao gồm các cuộc cách mạng ở Pháp vào những năm 1700 và Cuba vào thập niên 1950.
Có thể thấy, băng cướp mặc cùng một kiểu trang phục màu đỏ không đơn thuần chỉ là để ngụy trang, ngăn người khác nhận ra từng thành viên mà còn muốn đại diện cho sự tự do, nổi loạn. Trong một tập phim ở mùa ba, nhân vật bí ẩn The Professor (Álvaro Morte) đã tiết lộ chủ đề cho kế hoạch tấn công phi pháp của nhóm cướp là “sự kháng cự, sự phẫn nộ, sự hoài nghi” hướng vào “chế độ”, nhằm nhấn mạnh ý tứ trên.
Tờ Mirror nhận xét rằng hình ảnh nhóm cướp ở Money Heist đeo mặt nạ gợi liên tưởng tới bộ phim V for Vendetta - nơi những người theo chủ nghĩa vô chính phủ sử dụng mặt nạ Guy Fawkes như một biểu tượng của sự bất kham.
Trong khi đó, kiểu áo liền quần màu đỏ lại khiến người xem nhớ đến nhóm người song trùng trong tác phẩm kinh dị Us của đạo diễn Jordan Peele. Màu đỏ biểu trưng cho bạo lực và cách mạng. Bởi vậy, nó được đưa vào Us hay Money Heist như ngầm thể hiện sự nổi loạn của các nhân vật.