Sự ủng hộ của châu Âu với Ukraine đang suy giảm
Ngày càng có nhiều nước châu Âu tỏ ra thận trọng trong ủng hộ cũng như viện trợ cho Ukraine.
Phương Tây đã và đang “kề vai sát cánh” với Ukraine trong xung đột hiện nay với Nga. Song, khi mà Ukraine tiếp tục kêu gọi những khoản viện trợ không hồi kết, sự mệt mỏi bắt đầu xuất hiện. Châu Âu là nơi thể hiện rõ nhất điều này.
Từ bài toán kinh tế…
Mới đây, Ukraine bất ngờ đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chống lại Hungary, Ba Lan và Slovakia, ba nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vì cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, bởi “hành động đơn phương của các quốc gia thành viên EU về thương mại là không thể chấp nhận được”.
Sở dĩ có chuyện này bởi trước đó, Ba Lan, Hungary và Slovakia đã đơn phương áp đặt các lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, bất chấp quyết định của Ủy ban châu Âu về chấm dứt lệnh cấm này. Cả ba nước cho rằng, trong quá trình ngũ cốc vận chuyển qua “hành lang đoàn kết”, tuyến đường để nông sản Ukraine di chuyển ra ngoài châu Âu, một phần ngũ cốc đã nằm lại ở các quốc gia này. Lượng ngũ cốc với giá rẻ hơn này khiến doanh số ngũ cốc ở Ba Lan, Hungary và Slovakia sụt giảm, gây tổn hại tới lợi ích của nông dân tại đây.
Ngày 20/9, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đáp trả: “Nếu họ muốn leo thang căng thẳng, chúng tôi sẽ cấm nhập khẩu thêm các sản phẩm khác”. Ông khẳng định, Warsaw sẽ “không chuyển giao bất kỳ loại vũ khí nào cho Kiev nữa bởi chúng tôi đang phải tự trang bị cho chính mình”.
Sau đó, người phát ngôn của chính phủ Ba Lan nhanh chóng đính chính rằng tuyên bố “không ảnh hưởng đến các chuyến hàng đạn dược và vũ khí trước đó”. Đồng thời, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khẳng định, ông Morawiecki chỉ muốn nói rằng Warsaw sẽ không chuyển giao các vũ khí nước này mới mua cho Kiev.
Song, bản thân Tổng thống Duda đã có sự hoài nghi về Ukraine. Tuần qua, phát biểu tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ông so sánh Ukraine như “người sắp chết đuối” và có nguy cơ kéo theo những người đang cố cứu mình cùng chìm. Nhận định này dường như ám chỉ Ba Lan. Tuyên bố của Tổng thống Duda gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Ukraine.
… tới yếu tố chính trị
Tuy nhiên, rắc rối không chỉ tới từ Ba Lan. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát tháng 2/2022, các quốc gia vùng Baltic đi đầu trong những nỗ lực ủng hộ Kiev. Trong đó, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas được coi là một “mũi nhọn”.
Mặc dù vậy, cuối tháng Tám, uy tín của nhà lãnh đạo này bị ảnh hưởng do vụ bê bối chính trị nghiêm trọng. Theo đó, chồng bà được tiết lộ sở hữu cổ phần của một công ty vẫn tiếp tục kinh doanh ở Nga sau khi xung đột bùng phát, dù chính vợ mình ủng hộ chấm dứt mọi hoạt động thương mại với Moscow.
Khi được hỏi về những rắc rối của bà Kallas, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna khẳng định: “Ngay cả khi chúng tôi phải đối mặt với các vấn đề trong nước hay những cuộc bầu cử khác nhau, chính sách (đối ngoại) của chúng tôi suốt 32 năm qua đều không thay đổi”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bà Kallas ít lên tiếng hơn nhiều về Ukraine kể từ khi xảy ra bê bối. Sự “trống vắng” này khiến Kiev mất đi một tiếng nói mạnh mẽ nhất từ khối Baltic cũng như phương Tây.
Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ suy giảm của người dân với hỗ trợ cho Ukraine, cùng sự áp đảo của ứng viên có lập trường thân Nga trước ngày bầu cử 30/9 đang đặt lập trường của Slovakia trước những ngã rẽ mới. Ông Milan Nič, nhà phân tích thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức cho biết: “Nếu bạn có một xã hội chỉ có 40% ủng hộ cung cấp vũ khí cho Ukraine và chính phủ đưa ra sự hỗ trợ gần như ngang bằng với các nước Baltic, điều đó sẽ tạo ra phản ứng dữ dội”.
Hiện ông Robert Fico, cựu Thủ tướng với hai nhiệm kỳ, đã trở lại với tư cách người dẫn đầu trong cuộc bầu cử quốc hội. Đảng dân túy, cánh tả của ông đưa ra lập trường thân Nga và tuyên bố sẽ đảo ngược sự hỗ trợ chính trị và quân sự của Slovakia dành cho Ukraine nếu chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 30/9.
Nỗ lực hạ nhiệt
Các nước phương Tây còn lại nhận thức rõ tình trạng này, đặc biệt là quan hệ căng thẳng giữa Ukraine và Ba Lan, quốc gia từng ủng hộ nhiệt thành Kiev. Do đó, họ cố gắng hạ thấp sự rạn nứt này. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khẳng định: “Tôi không tin rằng tranh chấp chính trị sẽ dẫn đến đổ vỡ”. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tin tưởng “Ba Lan sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine”.
Viết trên nền tảng X, Tổng thống Lithuania Gitanas Nausea, một người ủng hộ của Ukraine, kêu gọi những người đồng cấp Ukraine và Ba Lan “giải quyết khác biệt hiện tại” và cho biết Vilnius sẵn sàng “tạo điều kiện” cho đối thoại giữa hai bên.
Trong khi đó, ông Daniel Fried, cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan và hiện là thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) cho biết, sự bế tắc gần đây ở Đông Âu “không phải là dấu chấm hết cho liên minh Ba Lan-Ukraine” và chỉ ra nỗ lực của Tổng thống Duda nhằm tháo gỡ tình hình.
Ông nhận định: “Cuộc khủng hoảng nhỏ này có thể đã lên đến đỉnh điểm. Điều này sẽ xảy ra… trong một tình huống xung đột, nơi thần kinh của mọi người đang căng thẳng và có những lợi ích thực sự đang bị đe dọa. Tôi hy vọng tình hình sẽ được xoa dịu”.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/su-ung-ho-cua-chau-au-voi-ukraine-dang-suy-giam-243962.html