Sự ủng hộ và giúp đỡ của quốc tế đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc của nhân dân Việt Nam đã được hun đúc từ truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc với tinh thần 'dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập'. Song bên cạnh đó, còn ghi nhận sự ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô, các nước XHCN anh em và bạn bè trên thế giới.
Sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế có ý nghĩa quan trọng, là kết quả của quá trình hoạt động ngoại giao kiên trì, sáng tạo của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam trong nhiều năm. Từ chỗ thế giới chưa hiểu Việt Nam, chưa biết gì về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, đến chỗ ủng hộ, giúp đỡ hết lòng, hết sức, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc Việt Nam tại Điện Biên Phủ vào chiều ngày 7/5/1954.
Trong suốt 3 năm (từ năm 1950-1953), những người cộng sản, giai cấp công nhân, các liên đoàn thanh niên và phụ nữ Pháp đã liên tục tổ chức đấu tranh đòi hòa bình cho Đông Dương, tạo thành sức mạnh chưa từng thấy ở khắp thành thị và nông thôn nước Pháp.
Có thể nói, sự phối hợp có hiệu quả giữa cuộc chiến đấu của quân đội và nhân dân Việt Nam trên chiến trường với phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược của nhân dân Pháp và nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới, góp phần làm cho uy tín và địa vị quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, phá tan âm mưu bao vây, bưng bít, xuyên tạc sự thật của kẻ thù đối với cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam.
Từ ngày 2/1 đến ngày 11/3/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời châu Tự Do (Tuyên Quang) bí mật lên đường thăm Trung Quốc và Liên Xô. Bằng nhiều nỗ lực hoạt động ngoại giao, đặc biệt là chuyến thăm bí mật này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Trung Quốc và Liên Xô đã mở cánh cửa ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thế giới. Thắng lợi ngoại giao, đã chấm dứt thời kỳ chiến đấu đơn độc, hầu như bị cách ly với bên ngoài của Việt Nam. Từ đó, tiếp nhận sự đồng tình về chính trị và sự viện trợ về vật chất. Đồng thời, thắng lợi ngoại giao đầu năm 1950, góp phần tạo nên bầu không khí hăng hái chiến đấu của quân đội và nhân dân Việt Nam trên khắp các chiến trường toàn quốc.
Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Liên Xô chủ động phối hợp với Việt Nam tuyên truyền, vận động quốc tế, các báo lớn của Liên Xô như báo Sự thật, Tin tức, Sao đỏ, Hải quan đỏ, Thanh niên, Cộng sản, Lao động, Thời mới... Đặc biệt là Đài phát thanh Matxcơva thường xuyên có chuyên mục phát thanh giới thiệu cuộc kháng chiến của Việt Nam với nhân dân Liên Xô và nhân dân thế giới.
Cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Xtalin và Mao Trạch Đông tại Matxcơva đầu năm 1950 có ý nghĩa hết sức to lớn và đã đạt kết quả tốt đẹp. Liên Xô đồng ý viện trợ cho Việt Nam những hàng hóa có ý nghĩa chiến lược về quân sự, kinh tế, văn hóa, như: 1 Trung đoàn pháo cao xạ 37, 30 xe vận tải Môtôlôva và thuốc quân y. Những hàng hóa Liên Xô giúp Việt Nam, do Trung Quốc vận chuyển sang giúp Việt Nam kháng chiến chống Pháp. Còn Trung Quốc giúp Việt Nam một số vũ khí để trang bị cho một số Đại đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh. Đồng thời, từ năm 1950, Trung Quốc cử 79 cố vấn sang giúp Việt Nam trong lĩnh vực quân sự, kinh tế và tạo điều kiện cho cán bộ lục quân Việt Nam sang bổ túc đào tạo tại tỉnh Vân Nam; đào tạo cán bộ cho một số ngành của Việt Nam.
Sau chiến thắng Biên giới năm 1950, các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc dài 750 km kéo dài từ Cao Bằng đến Lai Châu được giải phóng, Việt Nam thoát ra khỏi thế bị bao vây của đế quốc. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã có điều kiện nối thông với các nước XHCN, thuận lợi hơn mở rộng quan hệ với Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân.
Sự ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô và của các nước XHCN và bè bạn rất to lớn, đó là kết quả của đường lối ngoại giao đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng vẫn trên nguyên tắc tự mình là chính và Việt Nam đã làm được điều đó.
Cuối năm 1952, Bộ Quốc phòng Liên Xô nhận chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô trong năm 1953 cung cấp cho Chính phủ Việt Nam 144 pháo cao xạ 37 ly, 144.000 viên đạn; 72 pháo cao xạ 76 ly và 50.400 viên đạn; 200 súng liên thanh DSK 12,7 ly và 2 triệu viên đạn; 5 tấn thuốc ký ninh, số vũ khí này đã chuyển cho đại diện Chính phủ Trung Quốc vào tháng 3/1953. Sau đó, số vũ khí được chuyển một phần cho Việt Nam, góp phần cho cuộc chiến đấu của quân đội Việt Nam tại Điện Biên Phủ đạt hiệu quả rất cao. Đặc biệt, lần đầu tiên bộ đội Việt Nam sử dụng loại vũ khí Kachiusa nổi tiếng, gây cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ nỗi kinh hoàng, góp phần làm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc nhanh chóng.
Cùng với Liên Xô, viện trợ vật tư quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam được bắt đầu từ nửa đầu năm 1950. Sau khi Đoàn cố vấn Trung Quốc đến Việt Nam, căn cứ tình hình cụ thể và yêu cầu của Bộ Chỉ huy quân sự Việt Nam, để đảm bảo nhu cầu tác chiến trong Chiến dịch Điên Biên Phủ, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam 1.700 tấn gạo, 3.600 viên đạn 105 ly, 24 khẩu pháo; một tiểu đoàn DKZ 75 ly, 1 tiểu đoàn Kachiusa (do Liên Xô cung cấp), cùng 1.136 viên đạn.
Tính chung từ tháng 5/1950 đến tháng 6/1954, Việt Nam nhận được 21.517 tấn hàng viện trợ gồm súng, đạn, lương thực, hàng quân y, quân trang... với tổng giá trị 34 triệu rúp từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước Dân chủ Nhân dân. Sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế rất quý báu, đáng trân trọng. Song cần phải khẳng định rằng, thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung là do sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết chiến đấu kiên cường bất khuất và sự hy sinh anh dũng của quân đội và nhân dân Việt Nam trong suốt những năm tháng kháng chiến trường kỳ đầy gian lao thử thách.
Từ sau khi tiến hành đổi mới toàn diện đất nước năm 1986 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chủ trương đường lối đối ngoại mở cửa và hội nhập quốc tế, quan hệ với tất cả các nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Với chủ trương đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình độc lập dân tộc, phát triển
Dù đã 70 năm trôi qua, hơn bao giờ hết, tinh thần Điện Biên Phủ luôn sáng mãi trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay và trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", góp phần củng cố và phát triển nền hòa bình và hạnh phúc của nhân loại trên toàn thế giới.