Sự việc bò sữa chết tại Lâm Đồng: Phác đồ điều trị chung bước đầu có kết quả tích cực
Vừa trở về sau chuyến kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác phòng chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại Lâm Đồng, chiều qua - 11/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí.
Thưa Thứ trưởng, đến thời điểm hiện tại chúng ta đã xác định được nguyên nhân chưa?
- Như chúng ta biết, Lâm Đồng có 2 huyện Đức Trọng và Đơn Dương nuôi bò sữa với số lượng trên 25.000 con. Số lượng tiêm vaccine là gần 9.000, số bị bệnh sau khi tiêm là khoảng 4.900 con, số chết đến hôm nay (11/8) là 209 con.
Ngày 8/8 tôi đã chỉ đạo Cục Thú y và Lâm Đồng triển khai rà soát lại để có phác đồ điều trị sát thực tiễn, hiệu quả hơn. Trước hết, giải pháp an toàn sinh học phải được triển khai; Thứ hai, phân loại đàn bò xem con nào khỏe, con nào yếu, con nào bị bệnh để có giải pháp phù hợp; Thứ ba, toàn bộ vật tư (dịch truyền, bổ trợ, kháng sinh, hóa chất…) đến từng đối tượng có phác đồ cụ thể. Ngay chiều 10/8 phác đồ đã được ban hành và áp dụng.
Đồng thời, chúng tôi chỉ đạo tập trung toàn bộ nhân lực và phân công cụ thể đến từng đàn bò, đến từng hộ. Vật tư phải bảo đảm đủ 100%. Tôi vừa điện vào cho TS Nguyễn Văn Nghinh là chuyên gia bò sữa, đang cộng tác và làm việc với TH True milk thì dấu hiệu ban đầu đã tích cực.
Tiêm vaccine đợt đầu là ngày 17/7, đợt cuối là ngày 2/8 thì những con bò tiêm ngày 2/8 vẫn đang có sự cố nhất định. Tuy nhiên, với phác đồ điều trị này chắc chắn dịch bệnh được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, duy trì được đàn bò sữa ở Lâm Đồng, bảo đảm năng suất chất lượng, duy trì được điều kiện môi trường để tiếp tục phát triển được đàn bò sữa trong những năm tới…
Thưa Thứ trưởng, những con bò bị bệnh chủ yếu do tiêm vaccine. Liệu nguyên nhân có từ vaccine?
- Như tôi đã nói, số lượng đàn bò tiêm vaccine là gần 9000 con, số bị bệnh trong số tiêm là 4.900 con. Hôm qua, thay mặt Bộ NN&PTNT tôi đã nói tiêm vaccine có sự ảnh hưởng. Chúng tôi đã điều động Cục Thú y gồm Thú y vùng 6, Trung tâm chẩn đoán và các đơn vị vào để tập trung lấy mẫu xét nghiệm giải trình tự gen với độ chính xác cao để kết luận nguyên nhân.
Về giải pháp, có những cái rất chung trong xử lý về vaccine. Ví dụ sau khi tiêm, trong thời gian 7- 8 ngày thường phát bệnh, cao trào 14 - 15 ngày, đến 21 ngày dịu đi. Từ cái chung đó, tôi đã chỉ đạo Cục Thú y vào sáng 8/8 có giải pháp cơ bản và đến 10/8, sau khi rà soát thực địa xong, nghe các bên báo cáo, đã chốt lại được phác đồ điều trị sát với từng đối tượng và sẽ đưa ra hiệu quả.
Như vậy một mặt có giải pháp chung nhất và sát nhất, một mặt xác định nguyên nhân. Khi nguyên nhân đã rõ, nếu phát đồ điều trị chưa sát thì tiếp tục điều chỉnh.
Bò là tài sản lớn với nông hộ, với thiệt hại như vậy ngành, địa phương có chính sách gì hỗ trợ, thưa Thứ trưởng?
- Trước mắt phải tập trung toàn bộ lực lượng chống dịch. Toàn bộ vật tư, hóa chất, thuốc sau khi tỉnh, các đơn vị thông kê về nhu cầu, tại cơ sở có bao nhiêu, bao nhiêu Công ty Navetco phải chịu trách nhiệm cung cấp..
Khi phân tích nguyên nhân phải hết sức khách quan và phải rõ trách nhiệm của các bên để xử lý, làm sao để bà con chăn nuôi yên tâm và cũng có sự chia sẻ nhất định. Chúng ta biết rồi, dịch tả lợn châu Phi xảy ra là hỗ trợ chứ không phải đền bù. Trường hợp nào phải đền bù, trường hợp nào hỗ trợ, sẽ rất rõ trách nhiệm của các bên. Phải khẳng định Bộ sẽ chỉ đạo triệt để vấn đề này khi xác định được nguyên nhân…
Bộ đánh giá như thế nào về khả năng lây lan dịch sang các địa phương khác, thưa Bộ trưởng?
- Chúng tôi đã khảo sát thực tế, và cũng đã có giải pháp. Bệnh tiêu chảy đã xuất hiện ở nước ta nhiều năm. Các DN nuôi tập trung đều đã tiêm phòng và vaccine đều được nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, ở ngoài, thể hiện ảnh hưởng chưa lớn và đặc biệt là các vùng lân cận. Chúng tôi đã chỉ đạo các vùng lân cận, giáp ranh có các giải pháp như thế nào, vùng đã bị bệnh thế nào, vùng lõi thế nào… Phải giải quyết cái an toàn sinh học cho chặt chẽ.
Việc nữa là khi chúng ta xử lý với thực tiễn thì hôm nay phải nói là có những đàn bò, trong đó có những cá thể đang mang thai không tiêm, khi không tiêm thì chưa thấy xuất hiện con nào bị bệnh. Điều đó cho thấy, mức lây truyền ở giới hạn nhất định, chứ không phải là bùng phát lên thành dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, tai xanh hay lở mồm long móng…
Xin cám ơn những trao đổi của Thứ trưởng!