Sự việc cô giáo liên tục tát học sinh: Không có phương pháp giáo dục không nên làm thầy
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc cô giáo liên tục tát học sinh trong giờ học là người thiếu phương pháp dạy học và chưa đủ tình yêu với học sinh của chính mình. Có lẽ, họ đang bế tắc và lựa chọn sai con đường.
Xin đừng lựa chọn sử dụng bạo lực cho những đứa trẻ
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra những sự việc đau lòng trong ngành giáo dục khi thầy cô sử dụng bạo lực đối với học sinh của mình. Mới đây nhất là hình ảnh cô giáo lớp 2/11 - trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú - TP. Hồ Chí Minh) có hành vi bạo lực với học sinh.
Xem hình ảnh được ghi lại, nhiều phụ huynh sững sờ, tức giận khi thấy giáo viên liên tục đánh, tát tai, mắng chửi học sinh. Mỗi khi học sinh làm sai, không hiểu bài, cô giáo lại gọi các em lên véo tai, tát và chỉ tay vào mặt mắng chửi.
Câu chuyện một lần nữa lại gây bức xúc trong dư luận. Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên (Cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, Giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Một số người lớn kém cỏi, bực dọc trước những đứa trẻ thiếu tính tự giác, thiếu thông minh, chưa ngoan sẽ lựa chọn cách ứng xử dễ dàng đó là bộc lộ cảm xúc tiêu cực của mình, tước đi quyền làm người của đứa trẻ và sử dụng bạo lực với chúng.
Thầy cô giáo đánh học sinh lại biện minh rằng, đánh trẻ là có lý do, mục đích thì họ đã sai. Có lẽ, họ là những người thiếu phương pháp và chưa đủ tình yêu với học sinh. Nếu vậy, họ không nên lựa chọn nghề giáo mà hãy chọn những nghề không ảnh hưởng đến sự phát triển của người khác”.
Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, những người lựa chọn ứng xử bằng bạo lực không hiểu rằng họ sẽ không bao giờ đạt được mục đích với bạo lực. Con người chúng ta luôn thực hiện hành vi bởi một trong ba lý do: Tạo ra sự sợ hãi, làm cho đối tượng hiểu ra vấn đề, làm cho đối tượng yêu thích vấn đề.
Là một người thầy, đứng trên mục giảng cần phải làm cho đối tượng - tức là học sinh của mình, thực hiện hành vi ở cấp độ hai và cấp độ ba của nguyên nhân hình thành hành vi. Có như vậy mới đạt được mục đích của giáo dục là làm cho con người có tính tự giác, tự chủ.
Vì vậy, xin đừng lựa chọn sử dụng bạo lực cho những đứa trẻ vì điều bạn mong muốn là đứa trẻ đó trở nên ngoan hơn và tự chủ hơn. Hãy cho ra một "sản phẩm" giáo dục tốt và đầy tình yêu thương chứ không phải một "sản phẩm" giáo dục chỉ biết dụng bạo lực để trấn áp người khác.
“Đừng lựa chọn sự dễ dàng, nếu không bạn có thể từ bỏ và bước ra khỏi nhà trường để lựa chọn một nghề nghiệp khác không làm hại đến con người.
Một bác sĩ không có nghề thì không nên đi chữa bệnh. Một kiến trúc sư không biết vẽ thì làm sao thiết kế những ngôi nhà? Một người thầy không có phương pháp giáo dục cũng không thể và không nên trở thành một người thầy.
Ranh giới của người thầy với một tội phạm rất mong manh, nó chỉ là cách mà bạn kiểm soát cảm xúc, hành vi, lời nói. Vì thế, mỗi người thầy hãy kiểm soát nó bằng trái tim ấm áp của mình...”, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên phân tích.
Cần giáo dục bằng tình thương
Cùng chia sẻ với PV báo điện tử Người Đưa Tin về vấn đề này, Ths. giáo dục Phạm Phúc Thịnh cho rằng: “Đã có rất nhiều vụ việc giáo viên bạo hành học sinh xảy ra nhưng đến nay nhiều giáo viên chưa coi đó là bài học vì dư luận luôn có hai luồng ý kiến. Nhiều người cho rằng giáo dục “mạnh” sẽ giúp học sinh ngoan hơn, nhưng cũng không ít người lên tiếng phản đối. Chính hai luồng ý kiến này đã một phần ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của giáo viên. Một số giáo viên vẫn dùng bạo lực để dạy học sinh của mình vì họ cho rằng họ không sai, vì có phụ huynh ủng hộ. Nhưng họ đâu biết, dùng bạo lực chính là phương pháp bế tắc nhất trong giáo dục".
Ông Phạm Phúc Thịnh còn chỉ ra, đôi lúc có những giáo viên lấy mục đích biện minh cho lý do, họ nói tôi làm như vậy là vì tôi thương học trò. Nhưng những giáo viên này đã quên mất một điều, trong giáo dục có hai con đường để rèn học sinh. Một con đường là sử dụng roi vọt, nhưng dường như nó đã quá cũ và không mấy ai áp dụng. Hai là người thầy ấy sẽ dùng yêu thương, sự chia sẻ, quan tâm để dạy dỗ học sinh của mình. Nhưng hiện nay, vẫn không ít giáo viên đi theo con đường đầy bạo lực, họ không dám thay đổi cả về tư duy lẫn hành động.
Cái sai này không chỉ ở giáo viên mà còn ở những người quản lý. Ngay từ đầu, những người quản lý khi đưa ra khẩu hiệu dạy học sinh bằng yêu thương thì cũng phải làm được. “Tôi nghĩ, những người làm quản lý phải hướng dẫn và giúp giáo viên đó làm quen với những cách giáo dục bằng tình thương. Quản lý là đừng nói lý thuyết mà không làm”, Ths. giáo dục Phạm Phúc Thịnh cho hay.