Sự việc hiếm thấy: Lễ Vượt qua, Lễ Phục sinh và Ramadan diễn ra cùng lúc
Cuối tuần này, những người theo đạo Thiên chúa đã ăn mừng Lễ Phục sinh, người Do Thái ăn mừng Lễ Vượt qua và người Hồi giáo tiếp tục đón tháng Ramadan.
Lễ Vượt qua kỷ niệm ngày dân Israel di cư ra khỏi Ai Cập và chấm dứt chuỗi ngày nô lệ. Tháng Ramadan đã bắt đầu vào ngày 2/4 và sẽ kết thúc vào ngày 2/5. Sự trùng hợp về ngày này là không bình thường.
3 nơi linh thiêng nhất của 3 dòng đạo tại Jerusalem. Ảnh: DPA
Bài liên quan
Nữ hoàng Anh lần đầu bỏ lỡ Lễ Phục sinh sau hơn 50 năm
Indonesia chào đón tháng Ramadan dễ dàng hơn khi không còn nhiều hạn chế Covid-19
Tháng lễ Ramadan bắt đầu trong nỗi lo về lương thực
Sự kết hợp trên xảy ra bởi vì không giống như lịch Thiên chúa giáo được xác định bởi quá trình của mặt trời, lịch Hồi giáo dựa vào mặt trăng và năm âm lịch. Mười hai tháng trong năm dương lịch kéo dài 365 ngày, trong khi năm âm lịch chỉ có 354 ngày.
Mặt khác, ngày Lễ Vượt qua của người Do Thái và ngày lễ Phục sinh của các nhà thờ phương Tây luôn diễn ra khá gần nhau vào đầu mùa xuân. Nhưng chúng không thường xuyên rơi vào cùng một ngày.
Sự khác biệt nữa là lịch Thiên chúa giáo tính lễ Phục sinh vào Chủ nhật đầu tiên sau trăng tròn mùa xuân. Còn trong lịch Do Thái, Lễ Vượt qua có thể bắt đầu vào bất kỳ ngày nào trong tuần.
Có nghĩa rằng 3 ngày lễ lớn của 3 tôn giáo lớn nói trên dù thường diễn ra vào các thời điểm khác nhau, nhưng vẫn có khả năng diễn cùng lúc như vào năm nay, song điều này là rất hiếm.
Jerusalem, địa điểm đặc biệt
Không nơi nào trên thế giới mà các lễ kỷ niệm của nhiều tôn giáo độc thần lại gần nhau như ở Jerusalem. Đây là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới và được coi là thánh địa đối với ba tôn giáo lớn: Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.
Người ta có thể cảm nhận được cả ba tôn giáo đang "mong chờ những ngày này như thế nào", tu sĩ Nikodemus Schnabel nói. Theo những gì ông mô tả là "thời gian mãnh liệt", "thành phố thực sự rung động với những người hành hương khác nhau, đặc biệt khi mọi người đang muốn tái hòa nhập sau 2 năm Covid-19".
Theo ông, trải nghiệm chung trong một lễ hội hành hương sẽ giúp kết nối các tôn giáo. Những người đi lễ theo đạo Thiên chúa diễu hành cầu nguyện qua Thành phố Cổ trong nhiều ngày liên tiếp. Vào sáng thứ Sáu, người Hồi giáo đến nhà thờ Hồi giáo trên Núi Đền để cầu nguyện. Và trong những ngày này, rất nhiều người Do Thái được kéo đến cầu nguyện tại Bức tường Than khóc.
Địa điểm này được nhiều người Do Thái coi là một trong những địa điểm linh thiêng nhất để cầu nguyện, do nằm gần Thánh địa Linh thiêng. Những ngày này, vì vậy, luôn là thách thức đối với mọi lực lượng an ninh trên địa bàn thành phố.
Quốc Thiên (Theo DW)