Sự việc ở Rào Trăng 3 để lại nhiều niềm tiếc thương

Đó là chia sẻ của Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa – Đoàn đại biểu Thừa Thiên - Huế bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, khi đề cập đến những hy sinh của cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn trong thời điểm bão lũ tại miền Trung vừa qua.

Bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa (đại biểu đoàn Thừa Thiên - Huế) cho biết, những tháng cuối năm bão kèm mưa lớn hay tập trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế do đặc điểm của địa hình, ở đây có dãy Trường Sơn giáp Lào và nhiều đèo lớn như đèo Ngang, đèo Hải Vân đã tạo ra vùng bão và lũ rất lớn và đây là quy luật của tự nhiên.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa chia sẻ bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa chia sẻ bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Tuy nhiên, do diễn biến bất thường của thời tiết tại khu vực miền Trung, cụ thể là tại các tỉnh như Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… đã dẫn đến hiện tượng lũ ống, lũ quét khó lường dẫn đến các tình huống bất khả kháng.

Đối với Thủy điện Rào Trăng 3, chủ đầu tư cũng đã có tính toán nhiều nội dung, trong đó phải có kinh tế và làm để an toàn. Tuy nhiên, hiện tượng sạt lở và lũ quét này cũng không ngờ tới, ví dụ như vị trí trạm 67 có vùng đất rộng trên 5.000 m2, cách xa núi khoảng 300-400m, hoặc vị trí đóng quân của đoàn 337 đã ở đây ổn định 30-40 năm rồi, người ta cũng không lường tới được thiên nhiên.

“Mặc dù đã có kế hoạch, có phương án nhưng có những việc bất khả kháng xảy đến. Bản thân tôi từng nhiều năm làm ở đó cũng không nghĩ đến. Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, các cấp ủy chính quyền rất quan tâm, hỗ trợ; lực lượng vũ trang, mặc dù có hiểm nguy nhưng đã đi trong đêm, đi dưới bão lũ để kịp thời cứu nạn, cứu hộ cho nhưng người mắc kẹt… song, trước tình huống bất thường của thiên nhiên đã lại nhiều niềm tiếc thương”, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa chia sẻ.

Cũng theo Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, trong quá trình cứu nạn, cứu hộ tất cả các chiến sĩ, cán bộ đều thực hiện với tinh thần cao nhất và vì nhiệm vụ, trong đó có cả sự tham gia của lực lượng vũ trang, công an… Sông Bồ là sông lên Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 rất nguy hiểm.

Trước những khó khăn, bất thường của thiên tai, để ứng phó với những tình huống khó lường của thiên nhiên, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, cần phải tính toán và phải có những chiến lược cao hơn nữa, đánh giá thật tốt về những nguyên nhân, có thể về rừng, thiên nhiên cũng cần có tính toán, cần những phương tiện hiện đại để phát hiện sớm lũ để cảnh báo cho người dân, nếu không cứu được thì phải có phương án cứu trợ lương thực, thực phẩm.

“Như tôi đã nói, đây là quy luật, mình cần phát hiện sớm để đề phòng và với thủy điện tôi nghĩ chúng ta cũng cần có những đánh giá lại để làm sao đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh nhưng vẫn đảm bảo được tính bền vững của thiên nhiên, bền vững của môi trường, làm sao hài hòa, đừng vì mục đích kinh tế mà để lại những hậu quả khó lường. Theo tôi, cần phải có chiến lược của các nhà khoa học cùng với kinh nghiệm thực tế vùng để có chiến lược lâu dài”, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa chia sẻ.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/su-viec-o-rao-trang-3-de-lai-nhieu-niem-tiec-thuong-114548.html