Sự vô cảm chết người

Thời gian qua, cộng đồng mạng rầm rộ chia sẻ hình ảnh kèm theo bình luận chua xót về sự vô cảm dẫn đến cái chết tức tưởi của một thanh niên ở Bình Dương.

Cụ thể, khoảng 21 giờ 30 ngày 11.12, anh P.H.P. ở huyện Phú Giáo (Bình Dương) khi đi đến gần đèn tín hiệu giao thông trên đường ĐT 741 đoạn qua ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo thì tự ngã ra đường bất tỉnh. Mặc dù có rất nhiều người đi qua nhưng ai cũng bỏ mặc anh P. nằm quằn quại giữa đường, không trợ giúp. Hậu quả là anh P. bị xe khách chèn qua tử vong. Ngay ở Hải Dương, cách đây gần 3 tháng, chị H. quê ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) lấy chồng về huyện Thanh Hà cũng gặp tai nạn giao thông (TNGT) khi đang trên đường đi làm ca về. Điều đáng lên án là kẻ gây TNGT đã bỏ chạy để mặc chị nằm bơ vơ giữa đường. Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết do không được cấp cứu kịp thời nên não nạn nhân đã bị tổn thương nặng nề. Từ khi bị tai nạn đến nay, chị H. nằm bất động chưa biết đến bao giờ mới hồi phục.

Sau khi hình ảnh anh P. bị bỏ mặc trên đường được chia sẻ trên mạng, nhiều người tỏ ra bức xúc trước sự vô cảm của người đi đường. Nhiều người cảm thán:"nếu họ có tình người một chút thì chuyện đau lòng trên đã không xảy ra". Điều đáng buồn là thực trạng này lại trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay. Chính sự vô cảm của người đi đường khiến nhiều nạn nhân TNGT chết vì không được cấp cứu kịp thời. Một câu hỏi nhức nhối đặt ra: Tại sao người với người lại vô cảm với nhau như vậy? Chứng kiến đồng bào mình quằn quại đau đớn vì tai nạn chẳng lẽ người ta không có chút rung động nào hay sao?

Để giải thích cho tình trạng trên, nhiều người vin vào câu "làm phúc phải tội". Họ cho rằng khi đưa người bị nạn đi cấp cứu, họ sẽ đối mặt với rất nhiều rắc rối như phải giải thích với bệnh viện, đóng viện phí khi người nhà nạn nhân chưa đến kịp, đi lại nhiều lần để làm việc với công an. Nhiều người lại lấy lý do không có kiến thức y tế nên nếu tham gia cấp cứu có thể gây nguy hiểm tính mạng người bị nạn. Có người còn bị người nhà nạn nhân hành hung do hiểu lầm là người gây tai nạn... Và còn rất nhiều rắc rối kèm theo khiến những người có ý định giúp đỡ phải chùn tay. Họ cho rằng nếu gặp rắc rối sẽ không có ai đứng ra bảo vệ họ...

Dù viện bất cứ lý do gì thì việc bỏ mặc không cấp cứu người bị TNGT cũng đáng lên án, thể hiện sự vô cảm, vô trách nhiệm, không có tình thương giữa người với người khi khó khăn, hoạn nạn. Trở lại vụ việc ở Bình Dương, nếu người đi đường dừng lại vài phút, đưa anh P. vào vệ đường chắc chắn người thanh niên ấy đã không chết. Hay như chị H. ở Thanh Hà, nếu người gây tai nạn ở lại thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình thì chị đã không phải nằm viện trong một thời gian dài, sức khỏe không bị ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy. Ở nhiều vụ TNGT khác, chỉ cần người đi đường dừng lại, thông báo cho cơ quan y tế, công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất thì nhiều người đã thoát chết hoặc không chịu thương tật nặng nề.

Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ trách nhiệm của công dân khi xảy ra TNGT. Theo đó, những người có mặt tại nơi xảy ra TNGT có trách nhiệm bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời cho người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền... Để không còn những trường hợp bỏ mặc người bị TNGT rất cần những quy định cụ thể, hữu hiệu bảo vệ những người tham gia cấp cứu TNGT, góp phần nhân lên nét nhân văn trong cuộc sống.

VỊ THỦY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/su-vo-cam-chet-nguoi-154975