Sự xấu xí đáng báo động

Bóng đá Việt Nam trở lại sôi động với những trận đấu hấp dẫn, thế nhưng V.League lại 'dậy sóng' vì những hành động xấu xí, bạo lực được nhắc đến nhiều hơn cả. Còn chuyên môn của các trọng tài liên tục bị đặt dấu hỏi lớn với những sai sót cùng việc bỏ qua thẻ cho các hành vi phi thể thao.

Bóng đá Việt Nam trở lại sôi động với những trận đấu hấp dẫn, thế nhưng V.League lại “dậy sóng” vì những hành động xấu xí, bạo lực được nhắc đến nhiều hơn cả. Còn chuyên môn của các trọng tài liên tục bị đặt dấu hỏi lớn với những sai sót cùng việc bỏ qua thẻ cho các hành vi phi thể thao.

Vòng 5 V.League 2021 chứng kiến một sự cố nghiêm trọng trên sân Thống Nhất. Sau pha vào bóng vô cùng nguy hiểm của Ngô Hoàng Thịnh (TP Hồ Chí Minh), Đỗ Hùng Dũng (CLB Hà Nội) đã bị gãy ống đồng và đành chia tay bóng đá trong ít nhất sáu tháng. Tình huống này suýt chút nữa trở thành trò cười cho dư luận, nếu như trọng tài Vũ Nguyên Vũ không “bẻ thẻ”, đổi từ thẻ vàng sang thẻ đỏ cho Hoàng Thịnh khi ấy. Ngô Hoàng Thịnh bị treo giò từ nay đến hết năm 2021 còn Hùng Dũng phải sớm chia tay V.League và không còn cơ hội dự vòng loại World Cup cùng đội tuyển Việt Nam. Trước đó, ở vòng 1, Ngọc Toàn (SHB Đà Nẵng) vào bóng phía sau khiến cho Phan Thanh Hậu (CLB TP Hồ Chí Minh) phải được đồng đội cõng rời sân. Trọng tài không có thẻ phạt. Hay hậu vệ Quảng Ninh liên tục đá xấu xí, thậm chí “bỏ bóng đá người” nhưng cũng không có thẻ đỏ, đến mức CLB TP Hồ Chí Minh phải gửi đơn khiếu nại VPF, VFF, Ban trọng tài.

Trước tình trạng bạo lực sân cỏ trở lại, gây nhức nhối trong dư luận và để lại hậu quả nặng nề, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã có văn bản gửi các CLB, Công ty VPF, Ban Điều hành, Ban Kỷ luật, Ban Trọng tài yêu cầu tăng cường các biện pháp ngăn chặn các hành vi bạo lực, phạm lỗi nghiêm trọng. Tuy nhiên, những hình ảnh rất phản cảm với các lỗi vi phạm vẫn liên tiếp xảy ra. Ở vòng 6 trên sân Thanh Hóa, tiền đạo Hoàng Vũ Samson của đội chủ nhà đã có pha đạp thẳng vào đùi thủ môn Tuấn Mạnh (SHB.ĐN) đầy thô bạo. Còn trên sân Thống Nhất, tiền vệ Phan Thế Hưng (Nam Định) có cú đạp ác hiểm vào đầu gối hậu vệ Nguyễn Công Thành của Sài Gòn FC. Sau trận đấu, qua hình ảnh chụp, đầu gối của Công Thành sưng to, hiện rõ vết lõm, vết xước được tạo ra bởi đinh giày. Thế nhưng, người bị lĩnh thẻ vàng lại chính là “nạn nhân” Nguyễn Công Thành khi quá uất ức phản ứng lại với trọng tài Nguyễn Minh Châu vì không có chiếc thẻ phạt nào được rút ra cho thủ phạm.

Trọng tài cần cứng rắn hơn với những hành động phi thể thao. Ảnh | QUANG THỊNH, THANH VIỆT

Trọng tài cần cứng rắn hơn với những hành động phi thể thao. Ảnh | QUANG THỊNH, THANH VIỆT

Đến vòng 7 thì các cầu thủ CLB Hà Nội để lại hành động vô cùng phản cảm. Trong hiệp 1 trận đấu với CLB SHB Đà Nẵng, Bùi Hoàng Việt Anh - cầu thủ mới nhận giải thưởng Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V.League 2020 đã đá thẳng vào bụng Kebe khi đối phương đang nằm sân và tiếng còi trọng tài đã được cất trước đó. Với hành vi này, trung vệ của Hà Nội tuy chỉ phải nhận thẻ vàng từ trọng tài Lê Đức Cảnh nhưng bị chỉ trích rất nặng nề. Ở trận đấu này còn một pha bóng đáng chú ý nữa được tranh luận gay gắt. Đó là tình huống đội trưởng Văn Quyết - Quả bóng vàng Việt Nam 2020 hướng thẳng gầm giày vào Janclesio bên phía SHB Đà Nẵng, rồi nhận thẻ vàng. Hay tình huống trung vệ Kim Dong-su (HAGL) bị Văn Trung (Hải Phòng) đánh nguội vào mặt phải nằm sân nhưng trọng tài Nguyễn Viết Duẩn lại bỏ qua lỗi...

Tư tưởng “chơi quyết liệt, chơi rắn” để cho đối phương sợ và rụt rè của nhiều cầu thủ là nguyên nhân khiến thực trạng bạo lực ở V.League vẫn còn tồn tại nhiều năm qua. Tư tưởng này được nhiều HLV tuyến trẻ ở các CLB nhồi vào học trò, một lối mòn trong công tác đào tạo nhiều năm qua của bóng đá Việt Nam.

Thế nhưng, đó không phải là nguyên nhân duy nhất khiến thực trạng bạo lực ở V.League cứ thế xảy ra. Bởi, chính những nhà tổ chức cũng đang gián tiếp khiến mọi chuyện tồi tệ đi. Trước hết phải là trách nhiệm của các “ông vua áo đen” khi không có sự mạnh tay cần thiết. Chuyện diễn ra trong khu vực thuộc quyền quản lý và tầm bao quát mà không phát hiện, để rồi không xử lý đúng luật đồng nghĩa với việc sai phạm nghiêm trọng, thể hiện sự yếu kém về năng lực của trọng tài. Tất nhiên, những hành động bạo lực sân cỏ đều phải nhận án phạt “nguội” và nặng sau đó. Sự xuất hiện của Ban Kỷ luật VFF may ra còn giúp dư luận bóng đá Việt Nam cảm thấy có chút công bằng, khi những cầu thủ phạm lỗi không lọt khỏi phán xử bởi luật bóng đá và đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên các trọng tài với những quyết định không đúng lúc, không đúng người và không đúng tội vô tình làm ảnh hưởng đến chất lượng của V.League, tâm lý của cầu thủ và cả chính hình ảnh của bóng đá Việt Nam.

KIÊN MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/the-thao-hangthang/su-xau-xi-dang-bao-dong--642971/