Sửa biên lai chuyển tiền từ thiện, coi chừng tội hình sự | Hà Nội tin mỗi chiều

Bộ Công an vừa có nội dung trả lời công dân về chế tài xử lý đối với những cá nhân có hành vi tự ý sửa chữa, làm giả bill, tức biên lai chuyển khoản số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai để đăng lên mạng xã hội.

Thời gian qua, việc quyên góp hỗ trợ người dân bị thiệt hại do cơn bão Yagi đã thu hút sự quan tâm và sẻ chia của đông đảo đồng bào cả nước. Tuy vậy, bên cạnh những tấm lòng chân thành, đã xuất hiện một số trường hợp góp ít nói nhiều, chỉnh sửa biên lai chuyển tiền. Từ những khoản nhỏ chỉ vài trăm nghìn đồng, họ biến thành các khoản lớn hơn gấp nhiều lần, thậm chí chỉ mấy trăm ngàn đồng thành hàng trăm triệu hoặc cả tỷ đồng, nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi cá nhân. Trước những hiện tượng này, Bộ Công an tuyên bố sẽ điều tra và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo biên lai chuyển tiền từ thiện. Bộ cũng nhấn mạnh rằng các cá nhân và tổ chức tham gia hoạt động từ thiện cần tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật và giữ gìn đạo đức xã hội.

Đối với hành vi sửa chữa bill chuyển khoản rồi tung lên mạng xã hội, Bộ Công an nêu rõ việc này có thể vi phạm và bị xử phạt tùy theo từng trường hợp. Nếu cá nhân sửa bill để đưa lên mạng xã hội nhằm đánh bóng tên tuổi, thì sẽ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật với dấu hiệu làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra, người sửa bill chuyển tiền sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ Công an tuyên bố sẽ điều tra và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo biên lai chuyển tiền từ thiện. Ảnh: Báo Chính phủ.

Bộ Công an tuyên bố sẽ điều tra và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo biên lai chuyển tiền từ thiện. Ảnh: Báo Chính phủ.

Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa bill chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây dư luận xấu thì người thực hiện hành vi này bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ".

Nếu hành vi giả mạo không gây hậu quả nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội, cá nhân đăng tải thông tin sai lệch về việc chuyển tiền từ thiện có thể bị phạt hành chính theo Điều 101 Nghị định số 15. Mức phạt dao động từ 5 đến 10 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10 đến 20 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, nếu một cá nhân nhận tiền từ thiện thay mặt người khác và sau đó chỉnh sửa biên lai với mục đích chiếm đoạt tài sản, người đó có thể bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", với khung hình phạt lên đến 20 năm tù giam. Trường hợp người vi phạm là thành viên của một tổ chức và có hành vi chỉnh sửa biên lai nhằm chiếm đoạt tài sản, họ có thể bị truy tố về tội "Tham ô tài sản". Mức xử phạt có thể từ phạt hành chính 3 đến 5 triệu đồng, cho đến án tử hình nếu số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn.

Louis Phạm bị tố "phông bạt" chuyện quyên góp.

Louis Phạm bị tố "phông bạt" chuyện quyên góp.

Việc cá nhân và tổ chức kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn dịch bệnh, thiên tai là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, đúng với truyền thống dân tộc Việt Nam. Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đóng góp và vận động đóng góp kịp thời, đúng thời điểm, đúng nơi, đúng hoàn cảnh, mang lại hiệu quả thiết thực. Việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định số 93 ngày 27/10/2021, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/12/2021. Nghị định này lần đầu tiên mở ra hành lang pháp lý cho phép cá nhân huy động tiền từ thiện, quy định rõ từng bước những người mà tham gia hoạt động này cần phải làm gì và có các quy định ràng buộc để việc này được minh bạch, tránh bị lợi dụng.

Sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sao kê từ thiện, mạng xã hội lan truyền việc cá nhân làm giả bill chuyển khoản. Rất nhiều cái tên của những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trong xã hội lợi dụng nghĩa cử thiện nguyện để đánh bóng tên tuổi đã bị lôi ra ánh sáng. Những lời xin lỗi muộn màng được đưa ra nhưng niềm tin của công chúng thì họ đã tự đánh mất. Việc công bố sao kê tài khoản từ thiện là một trong những phương án tốt nhất để công khai, minh bạch và phù hợp với quy định tại Nghị định số 93 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng đóng góp các khoản đóng góp tự nguyện.

TS.LS Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, tấm lòng với bà con vùng lũ ít hay nhiều phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người, không ai chê trách từ thiện nhiều hay ít miễn là từ tâm. Nếu sửa biên lai chuyển tiền, photoshop biên lai để thể hiện tăng số tiền từ thiện rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật nhưng nó còn vi phạm đạo đức xã hội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, phân phát, có thể gây ra những nghi ngờ lẫn nhau giữa những người đóng góp và người tiếp nhận quản lý tiền, gây ra dư luận xấu nên hành vi này rất đáng trách, rất đáng lên án.

Thanh Duyên

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/sua-bien-lai-chuyen-tien-tu-thien-coi-chung-toi-hinh-su-ha-noi-tin-moi-chieu-270100.htm