Sửa chữa các công trình thủy lợi: Ưu tiên các công trình cấp bách
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 470 công trình thủy lợi bị hư hỏng do tác động của thời tiết cũng như quá trình khai thác sử dụng quá lâu. Trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp, việc ưu tiên các công trình cấp bách để sửa chữa, nâng cấp được đặt lên hàng đầu.
Công trình thủy lợi Đồng Quảng, xã Trung Trực (Yên Sơn) đã bị xuống cấp nghiêm trọng do tác động của thiên tai. Theo Ban Quản lý công trình thủy lợi xã Trung Trực, năm 2019 mưa lớn đã phá hủy gần như hoàn toàn thân đập, điểm bục vỡ có kích thước dài 6 m, cao 1,3 m, rộng 0,25 m. Công trình thủy lợi bị xuống cấp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tích trữ nước, phục vụ sản xuất, nếu công trình không được sửa chữa mùa mưa tới công trình sẽ khó có thể bảo toàn. Ngoài công trình thủy lợi Đồng Quảng, công trình hồ chứa Khán Cỏm, đập Đồng Tường, đập Nà Ngạm, đập Đồng Cướm cũng đang bị hư hỏng, gây thất thoát nguồn nước rất lớn.
Đơn vị thi công tập trung sửa chữa, hoàn thiện các hạng mục cuốicủa Công trình hồ thủy lợi Ngòi Là (Yên Sơn).
Giống như xã Trung Trực, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) cũng có đến 3 công trình thủy lợi bị xuống cấp, trong đó hồ chứa Cây Trâm 1, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) hư hỏng nặng nhất. Kết quả kiểm tra của Ban Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, công trình hồ chứa Cây Trâm 1 cánh van đã bị rò rỉ, cống van lấy nước bằng bê tông bị sập vỡ, 1 trụ cống thu nước cũng đã đổ và bị bồi lấp không đảm bảo khả năng điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã.
Đến hết tháng 1-2020, toàn tỉnh có 470 công trình thủy lợi bị hư hỏng xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn, tập trung nhiều nhất tại huyện Yên Sơn 54 công trình, Chiêm Hóa 52 công trình, Hàm Yên 46 công trình, Sơn Dương 25 công trình, còn lại thuộc các huyện Lâm Bình, Na Hang, thành phố Tuyên Quang. Các công trình bị hư hỏng, xuống cấp nếu không được đầu tư sửa chữa sẽ làm giảm năng lực phục vụ tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp cũng như phòng, chống thiên tai tại các địa phương.
Tuy nhiên, với điều kiện còn nhiều khó khăn như tỉnh ta hiện nay thì để đầu tư sửa chữa đồng loạt các công trình là không thể, bởi nguồn kinh phí rất hạn hẹp, phần lớn trông đợi từ các chương trình của Chính phủ. Năm 2019, Ban Quản lý đầu tư khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã chủ động kiểm tra thực trạng các công trình hạ tầng nông nghiệp trên địa bàn để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét.
Ông Lê Hải Hùng, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, trước những khó khăn do thiếu kinh phí đầu tư sửa chữa, giải pháp duy nhất lúc này là các công trình hư hỏng nặng, năng lực tưới lớn, tính cấp bách cao sẽ được ưu tiên sửa chữa trước để bảo đảm phục vụ sản xuất cũng như phòng, chống thiên tai. Từ năm 2019 đến nay, đã có 68 công trình thủy lợi và 3 công trình đê, kè được ưu tiên đầu tư sửa chữa, với tổng kinh phí xây dựng trên 398,8 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, khắc phục hạn hán và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra của Bộ Nông nghiệp, trong đó có 30 công trình đã hoàn thành đưa vào vận hành.
Trong năm 2020, dự kiến sẽ có 11 công trình được đầu tư sửa chữa, tuy nhiên vẫn còn 15 công trình thủy lợi cấp bách cần được sửa chữa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng có phương án hỗ trợ vốn để đầu tư sửa chữa. Trong quá trình chờ nguồn kinh phí, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu đơn vị quản lý, địa phương có công trình bị hư hỏng thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình; huy động lực lượng gia cố các điểm xuống cấp, bảo đảm an toàn công trình, nhất là trong mùa mưa lũ sắp tới.