Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam tham gia.
Khởi tố vụ án xâm phạm 'nhãn hiệu' không cần yêu cầu của bị hại
Là cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) sửa đổi, Viện KSND Tối cao nhận thấy quy định tại Khoản 1 Điều 155 và Khoản 8 Điều 157 BLTTHS chưa tương thích với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) về nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu của người bị hại.
Theo đó, tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 1 dự thảo BLTTHS sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại; sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 226 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo Khoản 1 Điều 226 BLHS tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS. Tuy nhiên, VKSND Tối cao đề nghị thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý, để bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý tương tự như đối với nhãn hiệu, phù hợp với xu thế tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.
Theo Viện KSND Tối cao, đề nghị này xuất phát từ việc hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý có tính chất tương đồng, mức độ nguy hiểm như nhau, cùng được quy định tại Khoản 1 của Điều 226 BLHS để xử lý ở 1 khung hình phạt. Do đó, nếu chỉ bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không bỏ quy định này đối với chỉ dẫn địa lý thì sẽ không bảo đảm công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc thực hiện “khởi tố xâm phạm nhãn hiệu không cần yêu cầu của người bị hại” là quá trình “nội luật hóa” cần thiết khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhất trí cần thiết sửa đổi BLTTHS đối với quy định về bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP.
Yêu cầu cao hơn, rõ hơn trách nhiệm của công an xã
Theo Ban soạn thảo dự án luật, công an xã đã được tổ chức chính quy, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, đã và đang góp phần hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay đang diễn ra phức tạp, phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 146 BLTTHS chưa quy định công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như công an phường, thị trấn, đồn công an; dẫn đến công an xã chưa phát huy tốt được vai trò chính quy; không kịp thời giảm tải khối lượng công việc rất lớn cho cơ quan điều tra công an cấp huyện ở các địa phương trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Là người đầu tiên phát biểu tại Tổ thảo luận số 2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ đề xuất của Viện KSND Tối cao về bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với lực lượng công an xã.
Theo Chủ tịch nước, hiện nay chúng ta có hệ thống công an xã khá hoàn chỉnh, có vị thế trong hệ thống công an cả nước và có chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Sắp tới, nếu có Luật Công an xã sẽ có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn, chế tài ràng buộc hơn với lực lượng này.
Nhìn nhận vấn đề tội phạm ở nông thôn (chủ yếu là cấp xã) rất phức tạp, Chủ tịch nước cho rằng trao trách nhiệm xử lý ban đầu tin báo tố giác tội phạm cho công an xã là rất cần thiết và đáp ứng kịp thời theo quy định của Luật. Bởi tỷ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm cũng là chỉ tiêu rất quan trọng mà Quốc hội đặt ra. Đây là nhiệm vụ và cũng là yêu cầu đặt ra đối với lực lượng công an xã, nếu không ràng buộc trách nhiệm, việc nắm tình hình sẽ không đến nơi đến chốn.
Từ đó, Chủ tịch nước cho rằng phải yêu cầu cao hơn, rõ ràng hơn về độ chính xác cũng như trách nhiệm công an xã, từ đó để lực lượng này sát dân, sát cơ sở tốt hơn. Đồng thời, nhấn mạnh tình hình an ninh trật tự trong bối cảnh mới có quá nhiều vấn đề phức tạp, không những thành phố mà ở cả nông thôn, Chủ tịch nước cho biết vấn đề trộm cắp, tội phạm, kể cả tội phạm công nghệ cao ở nông thôn cũng phát triển. Vì thế, nhiệm vụ xử lý tin báo tố giác tội phạm thành nhiệm vụ chính trị của công an xã, rất cần thiết.
“Chúng ta yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với dân, lo cho dân chứ không phải gây trở ngại, khó khăn”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Ông đề nghị Bộ Công an tổng kết, đánh giá lại hoạt động của công an xã để phát huy mặt tốt, chấn chỉnh tồn tại trong hoạt động của lực lượng này, kể cả về cơ sở vật chất, phương thức hoạt động và cơ chế phối hợp với các lực lượng khác tại cấp cơ sở.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nêu thực tế quy định trước đây chỉ đề cập đến lực lượng công an phường và đồn công an, không nhắc đến công an xã. Trong khi đó, những năm gần đây, Bộ Công an đã chuyển công an chính quy làm công an xã, cho thấy lực lượng này đã có thay đổi căn bản về chất. Tuy nhiên, tính pháp lý trên thực tế lại không có, vì vậy, cần thiết phải bổ sung để lực lượng công an xã được “chính danh”.
Ông Trí phân tích tất cả diễn biến phức tạp về tội phạm ở cơ sở chủ yếu ở cấp xã, làm tốt ngay từ đầu sẽ giảm được áp lực giải quyết ở cả cấp huyện và cấp tỉnh.
Tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố trong điều kiện dịch bệnh
Viện KSND Tối cao cho biết trước tình hình thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để việc giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.
Do đó, Viện KSND Tối cao kiến nghị cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, Khoản 1 Điều 247 BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.
Nhiều đại biểu tán thành bổ sung quy định về tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố thì trong bối cảnh dịch bệnh. Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ này sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng phát sinh trong thời gian tới; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp này, bởi sẽ có căn cứ pháp luật cho phép khi không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng thì cơ quan tiến hành tố tụng được tạm đình chỉ và không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội.
Đồng thời, tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh được việc để xảy ra oan, sai; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, đề nghị Quốc hội giao Viện KSND Tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ trong các trường hợp này.