Sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP

Sáng 25/10, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc, thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Phiên làm việc của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV

Phiên làm việc của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV

Tham dự và chủ trì buổi làm việc tại điểm cầu Lâm Đồng có đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, các ĐBQH K’Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh, cùng tham dự kỳ họp trực tuyến có lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, thành viên Tổ tư vấn chính sách - pháp luật Đoàn ĐBQH.

Tham gia góp ý tại điểm cầu Lâm Đồng, ĐBQH Nguyễn Tạo cho rằng: Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) cùng các văn kiện liên quan (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 72/2018/QH14) và Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã giao trách nhiệm cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát Bộ luật Tố tụng Hình sự để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Theo Nghị quyết này, thời điểm cam kết liên quan đến Bộ luật Tố tụng Hình sự trong Hiệp định là 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, tức là ngày 14/01/2022. Qua nghiên cứu, rà soát, đối chiếu, xin ý kiến các bộ, ngành cho thấy, quy định tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa tương tích với điểm g khoản 6 Điều 18.77 Hiệp định CPTPP đối với nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần yêu cầu của người bị hại; từ đó, đặt ra yêu cầu phải bỏ quy định dẫn chiếu đến hành vi này tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự và trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP và bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP tại Nghị quyết số 72/2018/QH14.

ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015

ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015

Thứ hai, về vấn đề bổ sung tăng thẩm quyền của lực lượng công an xã, cần phải đánh giá thống nhất hệ thống pháp luật khi bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an) trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Hiện nay, lực lượng công an xã đã được tổ chức chính quy 100% nên công an xã đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật Công an Nhân dân. Trong đó, có những quy định chung về nhiệm vụ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm (Luật Công an Nhân dân không quy định nhiệm vụ cụ thể của công an xã khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm). Do vậy, việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an) tại điều 146 trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 không mâu thuẫn với quy định của Pháp lệnh Công an xã và Luật Công an Nhân dân.

Đề nghị quy định rõ cụm từ “chuyển ngay” tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật, cần phải xác định rõ thời hạn cụ thể và được ghi nhận tại điều khoản chuyển tiếp để tăng cường trách nhiệm và bảo đảm sự chuẩn bị cho đáo cho lực lượng công an xã, bởi theo Đề án 106 của Bộ Công an thì việc xây dựng và bố trí trụ sở của công an xã cùng với các điều kiện làm việc còn gặp rất nhiều khó khăn (28/111 xã).

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm và nêu; ghi nhận và tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Đề nghị sửa đổi Luật Tố tụng Hình sự, các lý lẽ đại biểu đưa ra đều hợp lý trong thời điểm dịch, tuy nhiên, việc lựa chọn vẫn phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích người dân lên trên hết.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý thảo luận dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý thảo luận dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Tại buổi thảo luận buổi sáng đã có 17 ý kiến phát biểu, 2 ý kiến tranh luận, dự án luật sẽ được tiếp thu, bổ sung và ban hành tại kỳ họp lần này. Trong phiên thảo luận tổ, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh quan tâm góp ý cho dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đại biểu cho rằng: Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tranh chấp quyền lợi bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm; nguyên nhân chính là doanh nghiệp bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm và bên mua bảo hiểm chưa hiểu hết các điều khoản loại trừ trách nhiệm. Từ thực tiễn đó, trong dự thảo lần này có quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giải thích rõ điều kiện loại trừ bảo hiểm và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm trong việc đọc kỹ quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng, mang tính khả thi hơn về việc "giải thích hợp đồng bảo hiểm" để tránh những vướng mắc khi thực thi.

Để nâng cao chất lượng kinh doanh bảo hiểm, khắc phục tình trạng nhiều đại lý cung cấp cho khách hàng không đúng quyền lợi bảo hiểm và hạn chế bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng giữa chừng, dự thảo Luật cần có những quy định điều chỉnh, tăng sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm; đồng thời, cần quy định về trình độ văn hóa đối với những người tham gia đại lý bảo hiểm, gắn với quy định về thời gian đào tạo đối với những người tham gia làm đại lý bảo hiểm. Trên thực tế, vẫn còn tồn tại một số bất cập nhưng dự thảo luật chưa đề cập điều chỉnh, như việc một số ngân hàng quy định điều kiện vay vốn phải có hợp đồng bảo hiểm của chính ngân hàng đó, trong khi nguyên tắc tham gia bảo hiểm là tự nguyện; hay một số doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm cháy nổ, tàu cá, trong khi đây là các loại bảo hiểm bắt buộc. Chương IV quy định về bảo hiểm vi mô (gồm 2 Điều 114 và 115), còn chưa rõ ràng, quy định về mặt pháp lý của các tổ chức tương hỗ tại dự thảo Luật còn khái quát, lỏng lẻo, không cụ thể về ngăn ngừa rủi ro, trong khi đó, lĩnh vực này có nhiều tiềm năng phát triển, đối tượng tham gia rất đông, nếu có rủi ro thì tác động lớn đến xã hội. Ngoài ra, cần đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian vừa qua, phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202110/sua-doi-bo-luat-to-tung-hinh-su-de-dap-ung-yeu-cau-cua-hiep-dinh-cptpp-3085719/