Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) số 55/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23-6-2014 tại kỳ họp thứ 7. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật BVMT đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT. Tuy nhiên, Luật BVMT đang đứng trước yêu cầu cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình thực tiễn.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật BVMT đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT. Nhận thức về trách nhiệm và hành động BVMT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.

Phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường đã có sự thay đổi từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường và xu thế tăng mạnh về ô nhiễm môi trường trước đây đang được kiềm chế, giảm dần; nền kinh tế phát triển bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường của cả nước

Tuy nhiên, Luật BVMT đang đứng trước yêu cầu cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, nguyên nhân xuất phát từ các lý do: môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp, chất lượng môi trường của nhiều khu vực vào một số thời điểm đã vượt ngưỡng cho phép.

Luật BVMT qua hơn 5 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo với một số hệ thống pháp luật khác; một số điều, khoản của luật thiếu tính khả thi. Hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang và sẽ tác động mọi mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, tạo ra xu thế mới trong quản lý môi trường và phát triển bền vững, trong đó việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang trở thành xu thế chủ đạo trên phạm vi toàn cầu. Nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và nhà nước về BVMT được ban hành, nhiều cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cần được thể chế hóa kịp thời.

Theo đó, việc xây dựng Luật BVMT (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về BVMT phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về BVMT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) bao gồm 16 chương và 192 điều, giảm 4 chương và tăng 21 điều so với Luật BVMT 2014. Nội dung dự thảo luật bám sát 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động trong báo cáo đánh giá tác động chính sách kèm theo hồ sơ dự án luật, cụ thể: nhóm chính sách về tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư; nhóm chính sách về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; nhóm chính sách về giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; nhóm chính sách về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải; nhóm chính sách về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường; nhóm chính sách về nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT; nhóm chính sách về công cụ kinh tế và nguồn lực cho BVMT; nhóm chính sách về quản lý chất lượng môi trường; nhóm chính sách về quản lý cảnh quan thiên nhiên; nhóm chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu; nhóm chính sách về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường; nhóm chính sách về quan trắc, thông tin, cơ sở dữ liệu và báo cáo môi trường; nhóm chính sách về hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/sua-doi-bo-sung-luat-bao-ve-moi-truong-a271566.html