Sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số

y ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu rõ: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện các quy định của Luật Tần số vô tuyến điện

Trình bày Tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện trước Quốc hội sáng nay (3/6), Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mục tiêu của Luật này là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thể kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Ba quan điểm của Luật được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Một là, quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.

Về yêu cầu xây dựng Luật, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật sẽ bảo đảm thi hành đầy đủ, nhất quán những cải cách của Luật Tần số vô tuyến điện gắn với việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý chặt chẽ, hiệu quả tần số vô tuyến điện, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông.

Đặc biệt là, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật Tần số vô tuyến điện và các luật có liên quan.

Cùng với đó là, bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập của Việt Nam, trong đó có các cam kết liên quan đến phân bổ và sử dụng tài nguyên khan hiếm theo các Hiệp định các hiệp định thương mại tự do FTAs, CPTPP, WTO; cam kết về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên theo Thể lệ vô tuyến điện quốc tế, Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên STCW, Công ước Chicago về hàng không dân dụng...

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Về nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Sửa đổi quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá để làm rõ doanh nghiệp nhận chuyển nhượng phải kế thừa đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức chuyển nhượng với điều kiện bảo đảm tổng độ rộng băng tần sau khi nhận chuyển nhượng không vượt quá giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng.

Sửa đổi, bổ sung quy định về băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển để làm rõ: (1) có thể đấu giá, thi tuyển đối với băng tần có giá trị thương mại cao (bao gồm nhưng không giới hạn băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng); kênh tần số có giá trị thương mại cao nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện (2) trong đó ưu tiên đấu giá, chỉ thi tuyển khi cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có yếu tố mới thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông...

Điều chỉnh các quy định về thời hạn thông báo xem xét các trường hợp cấp lại giấy phép cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện từ 5 năm xuống còn 3 năm so với dự thảo Luật đã trình kèm Tờ trình số 97/TTr-CP để phù hợp với thực tiễn công tác xem xét, lập quy hoạch về tần số vô tuyến điện.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên. Theo đó, giao các cơ sở đào tạo đáp ứng các điều kiện đào tạo theo quy định của Chính phủ thực hiện việc đào tạo và cấp chứng chỉ, Bộ TTTT đóng vai trò quản lý, giám sát.

Về nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh. Bộ trưởng Bộ TT&TT nêu rõ: Bổ sung quy định cho phép Cơ quan quản lý chuyên ngành, Thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính.

Bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện trong việc phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý nhiễu.

Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ TTTT và của tổ chức được cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh trong việc kiểm tra các đăng ký tần số và quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống vệ tinh của Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp có tình huống ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được phép quyết định việc sử dụng thiết bị vô tuyến điện và việc sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh; các tổ chức, cá nhân khác phải dừng sử dụng nếu có khả năng gây nhiễu có hại cho các trang bị, khí tài phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết, giao thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.

Giao thẩm quyền cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý việc sử dụng và tổ chức thu, nộp ngân sách Nhà nước nguồn thu từ cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong trường hợp nêu trên đối với lượng tần số vô tuyến điện sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Luật đã đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển thông tin vô tuyến điện

Trình bày Báo cáo Thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã nêu rõ về sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật.

Cụ thể, tần số vô tuyến điện là nguồn tài nguyên thiên nhiên như nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, hiện hữu bằng hình thức lan truyền trong không gian, không phân biệt địa giới hành chính, lãnh thổ quốc gia; là tài sản quốc gia vô cùng quan trọng. Vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách, quy định pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên tần số trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Luật Tần số vô tuyến điện được ban hành năm 2009 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế đối với quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam. Luật đã đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển thông tin vô tuyến điện ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện.

Ủy ban KH,CN&MT tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa các nội dung có liên quan của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khai thác hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện; bảo vệ tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện...

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sua-doi-bo-sung-luat-tan-so-vo-tuyen-dien-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-kinh-te-so-xa-hoi-so-post197647.html