Sửa đổi, bổ sung pháp luật gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
Như Báo Quân đội nhân dân điện tử đã đưa tin, ngày 17-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025. Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi, bổ sung pháp luật gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhắc tới việc Giải Nobel về kinh tế năm 2024 được trao cho 3 nhà kinh tế học người Mỹ là Daron Acemoglu, Simon Johnson, James A.Robinson với các nghiên cứu về cách thức các thể chế được hình thành và tác động đến sự thịnh vượng, chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia. Từ đó nhấn mạnh tới vai trò của thể chế trong phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Phó thủ tướng Lê Thành Long, từ rất nhiều năm nay, Đảng, Nhà nước ta đã luôn khẳng định, thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng cũng sẽ tiếp tục củng cố quan điểm này và đây cũng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ.
Minh chứng cho điều này, Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết, trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 31 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để xem xét, thông qua hơn 110 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội cho ý kiến với 52 dự án luật, thông qua 58 luật, 18 nghị quyết.
Khái quát những kết quả mà bộ, ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2024, Phó thủ tướng Lê Thành Long nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp.
Theo đó, hệ thống pháp luật được hình thành tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; lĩnh vực hành chính tư pháp ngày càng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thông qua các nền tảng số; tiếp tục xã hội hóa một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý được triển khai rộng rãi, với nhiều mô hình mới; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao…
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Lê Thành Long cũng đánh giá cao một số kết quả khác nữa mà bộ, ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2024. Nổi bật trong đó là việc thực hiện nhiệm vụ thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, “chủ công” trong việc phát hiện những vướng mắc, đề xuất dùng một luật sửa 9 luật và 1 luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính; triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VneID; thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao; tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế và xử lý các vấn đề còn tồn đọng…
Thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế trong công tác của bộ, ngành Tư pháp, Phó thủ tướng Lê Thành Long đề nghị, thời gian tới, Bộ Tư pháp chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế để nền hành chính không bị gián đoạn.
Nhấn mạnh rằng Bộ Tư pháp không thuộc diện các bộ, ngành cần sáp nhập, nhưng cần đẩy mạnh sắp xếp lại theo hướng giảm tổ chức bên trong với chỉ tiêu đặt ra là giảm từ 15 đến 20% biên chế, không tính đến các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sắp xếp tổ chức, bộ máy bộ, ngành Tư pháp cần được tiến hành một cách hiệu quả, không sắp xếp “cơ học”, không để việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ bị gián đoạn.
Cùng với đó, Phó thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác chuyển đổi số, bởi đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp.