Sửa đổi, bổ sung quy định cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2020. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và trình Chính phủ quy định về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ trong tháng 8/2020.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xin ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Đề xuất đáng chú ý tại Dự thảo là nội dung quy định về tỷ lệ cho vay lại (Điều 21, Nghị định số 97/2018/NĐ-CP) đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo quy định hiện hành thì “Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi”.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất, các địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi.”
Như vậy, về tỷ lệ cho vay lại sẽ được điều chỉnh giảm từ 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi xuống còn 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định tỷ lệ cho vay lại của đơn vị sự nghiệp công lập, dự thảo đề nghị bổ sung nội dung: Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên thì tỷ lệ vay lại 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư.
Trường hợp đặc biệt khác, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỉ lệ cho vay lại phù hợp.
Bên cạnh đó, dự thảo sửa quy định về “Bảo đảm tiền vay” (Điều 16, Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ) theo hướng phân chia rõ đối tượng cho vay lại để tính trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu.
Theo Bộ Tài chính, trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại doanh nghiệp; trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 100% trị giá gốc của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập.
Trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm tiền vay giảm thấp hơn so với mức quy định tại điểm a) và điểm b) nêu trên, bên vay lại có trách nhiệm bổ sung tài sản đảm bảo tiền vay nhằm đảm bảo mức tối thiểu nêu trên.”
Cũng liên quan đến bảo đảm tiền vay, Bộ Tài chính chỉ giữ lại quy định không yêu cầu bảo đảm tiền vay trong trường hợp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay lại.
Đồng thời, tại Dự thảo Bộ Tài chính đã tách bạch quy trình cho vay lại. Trong đó, điểm thay đổi lớn nhất trong nội dung này chính là quy trình thẩm định cho vay lại với 2 luồng quy trình riêng dành cho 2 đối tượng cho vay lại là địa phương và đơn vị sự nghiệp.
Đối với cho vay lại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, địa phương gửi báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án kèm hồ sơ thẩm định khả năng trả nợ của ngân sách địa phương, đồng gửi Bộ Tài chính công văn đề nghị thẩm định khả năng trả nợ của ngân sách địa phương.
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính thông báo kết quả thẩm định cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án.
Sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc cho vay lại cùng với việc đàm phán, ký kết thỏa thuận vay.
Trường hợp chương trình, dự án đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi các tài liệu thẩm định cho Bộ Tài chính để cập nhật lại khả năng trả nợ của ngân sách địa phương.
Căn cứ kết quả cập nhật về khả năng trả nợ của địa phương, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ để không hoặc triển khai đàm phán, ký kết khoản vay nước ngoài.
Đối với cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp, quy trình ần như tương tự như đối với cho vay lại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cụ thể, sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, người đại diện có thẩm quyền của bên vay lại gửi cơ quan thẩm định cho vay lại, đồng gửi Bộ Tài chính công văn đề nghị thẩm định cho vay lại, kèm theo hồ sơ thẩm định.
Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm định cho vay lại gửi Bộ Tài chính báo cáo thẩm định.
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, căn cứ báo cáo thẩm định của cơ quan thẩm định cho vay lại là có đủ điều kiện vay lại hay không, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc không phê duyệt việc cho vay lại cùng với việc đàm phán, ký kết thỏa thuận vay theo quy định tại Nghị định về quản lý nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan cho các dự án vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi quy định về tài sản bảo đảm tiền vay tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP, ngày 30/6/2018 trình Chính phủ trong tháng 8/2020.