Sửa đổi để bảo đảm trợ giúp tốt cho người yếu thế

Nhằm bảo đảm cuộc sống cho những đối tượng yếu thế, hiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã xây dựng và lấy ý kiến cho dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, dự thảo đề xuất tăng đối tượng cần hỗ trợ từ 6 nhóm lên 10 nhóm đối tượng; nâng mức hỗ trợ xã hội hằng tháng lên 360.000 đồng từ ngày 1-1-2021.

Theo dự thảo, ngoài 6 nhóm đối tượng cũ, Bộ LĐ-TB&XH bổ sung thêm 4 nhóm đối tượng cần trợ giúp xã hội mới, bao gồm: Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo hoặc hộ cận nghèo; người nhiễm HIV, người mắc bệnh mãn tính thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập hằng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp khác từ ngân sách nhà nước; nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hằng tháng; đối tượng khác do HĐND cấp tỉnh quy định.

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, nếu đề xuất này được đồng ý thì dự kiến tổng số đối tượng được hưởng chính sách năm 2021 theo quy định mới là gần 3,7 triệu người. Trong đó, đối tượng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ là 3,14 triệu người; đối tượng dự kiến tăng thêm khoảng 550.000 người. Đối với đề xuất tăng mức hỗ trợ hằng tháng lên 360.000 đồng, theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH thì kinh phí dự kiến chi cho đối tượng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP khoảng 22.941 tỷ đồng/năm, trong đó trợ cấp xã hội, nuôi dưỡng hằng tháng là 19.412 tỷ đồng; kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) là 2.806 tỷ đồng; chi phí mai táng 723 tỷ đồng. Kinh phí chi cho đối tượng tăng thêm theo nghị định mới khoảng 2.734 tỷ đồng/năm, trong đó trợ cấp xã hội, nuôi dưỡng hằng tháng khoảng 2.353 tỷ đồng/năm; kinh phí mua thẻ BHYT 381 tỷ đồng/năm.

Mặc dù đang trong quá trình xin ý kiến, song việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi những quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP được các chuyên gia và nhiều địa phương đồng tình, đánh giá cao, bởi thực tế sau gần 8 năm triển khai đã bộc lộ không ít bất cập. Cụ thể, theo nghị định cũ, chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng còn thấp, mới chỉ bảo đảm hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu, chưa tương đồng với chính sách khác. Đơn cử hiện nay, trợ cấp xã hội chỉ bằng khoảng 7% thu nhập bình quân, 38% chuẩn nghèo nông thôn. Giai đoạn 2013-2019, tiền lương và trợ cấp người có công với cách mạng đã được điều chỉnh tăng 5 lần, trong khi đó, mức chuẩn trợ cấp xã hội không được điều chỉnh tăng.

Đánh giá những bất cập của hệ thống trợ giúp xã hội hiện nay, TS Nguyễn Hải Hữu, nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, chính sách trợ giúp xã hội hiện nay, bên cạnh mức hỗ trợ tiền mặt thấp, đối tượng được trợ giúp ít thì thủ tục hành chính để được nhận trợ cấp xã hội còn phức tạp; xét duyệt thủ công, chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình đăng ký và quản lý đối tượng, dẫn đến việc tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ, chồng chéo và còn nhiều bất cập, mức độ bỏ sót đối tượng còn cao, giảm hiệu quả trong quản lý và xét duyệt hồ sơ. Bên cạnh đó, hiện có nhiều chính sách trợ giúp và văn bản quy định về chính sách trợ giúp xã hội nên dẫn đến tình trạng chồng chéo chính sách, đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là các chính sách về giảm nghèo, chính sách trợ giúp trẻ em, chính sách trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tiếp cận xây dựng chính sách trợ giúp xã hội vẫn mang tính chất ứng phó với tình huống cụ thể, nhiều lĩnh vực, tầm nhìn ngắn hạn chưa mang tính tổng thể toàn diện. Chính vì vậy, việc sửa đổi chính sách trợ giúp xã hội bên cạnh nâng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng được trợ giúp xã hội thì cần đổi mới nhận thức tiếp cận. Việc xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội không chỉ nhằm vào mục tiêu giúp những người dân gặp rủi ro, yếu thế, thiệt thòi hoặc hẫng hụt trong cuộc sống, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số bảo đảm cho họ có được mức sống tối thiểu mà còn phải hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực ứng phó với những rủi ro, tạo cơ hội cho họ hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm ổn định và công bằng xã hội.

Về vấn đề này, tại tờ trình dự thảo nghị định mới, Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận mức độ bao phủ chính sách hiện nay còn thấp, đặc biệt vẫn còn một bộ phận dân cư thật sự khó khăn chưa được hưởng trợ cấp như người nghèo, không có khả năng lao động, không thể thoát nghèo; người mắc bệnh hiểm nghèo, nan y phải điều trị bệnh dài ngày (bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, tim bẩm sinh), đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, trẻ em nghèo. Chính vì vậy, việc sửa đổi Nghị định số 136/2013/NĐ-CP là cần thiết, trong đó, những nội dung cần sửa đổi là mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng mức trợ cấp hưởng trợ giúp hằng tháng, đổi mới cơ chế quản lý cũng như thu hút nguồn lực xã hội hóa với công tác trợ giúp xã hội.

LAN HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/sua-doi-de-bao-dam-tro-giup-tot-cho-nguoi-yeu-the-619266