Sửa đổi lĩnh vực và hình thức thụ hưởng trợ giúp pháp lý
Hôm qua (21/4), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp nghe Cục Trợ giúp pháp lý báo cáo về Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Một trong những nội dung được quan tâm là bên cạnh nghiên cứu mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý thì lĩnh vực và hình thức thụ hưởng cũng sẽ được sửa đổi tương ứng nhằm bảo đảm hiệu quả thiết thực của công tác này.
Giới hạn lĩnh vực và hình thức thụ hưởng
Cùng với kế thừa và có sửa đổi cho phù hợp các đối tượng theo Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2006, Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi dự kiến sẽ sửa đổi một số quy định về người được TGPL bảo đảm đồng bộ với các văn bản ban hành sau Luật 2006 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Dự thảo Luật còn bổ sung một số đối tượng được TGPL cho phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội và nhu cầu phát sinh từ thực tiễn.
Tương ứng với từng đối tượng đặc thù, Dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) dự kiến sẽ giới hạn lĩnh vực và hình thức được thụ hưởng nhằm bảo đảm tính khả thi, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Cụ thể, người thuộc hộ nghèo; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật không nơi nương tựa được TGPL bằng các hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và các hình thức TGPL khác trong các lĩnh vực pháp luật trừ kinh doanh, thương mại.
Một số đối tượng được nghiên cứu mở rộng như người dưới 18 tuổi bị buộc tội, người thuộc hộ cận nghèo, người nhiễm HIV không nơi nương tựa, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán theo quy định của pháp luật phòng chống mua bán người được giới hạn TGPL trong một số lĩnh vực và hình thức TGPL nhất định.
Nên có tỷ lệ nhất định giữa các hình thức trợ giúp
Tham khảo kinh nghiệm một số nước được chia sẻ tại một hội thảo mới đây cho thấy, việc triển khai dịch vụ TGPL liên quan đến các đối tượng đặc thù cần tùy thuộc bối cảnh thực tế ở địa phương. Chẳng hạn, riêng việc TGPL cho phụ nữ, Luật về bạo lực đối với phụ nữ của Mỹ quy định nạn nhân không bắt buộc phải trả chi phí cho việc kiểm tra tình trạng bị hiếp dâm hoặc phí dịch vụ khi yêu cầu bảo vệ bất kể điều kiện tài chính của họ như thế nào.
Còn nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn pháp luật miễn phí và được đại diện trong các trường hợp từ yêu cầu bảo vệ, chăm sóc/thăm nom, trẻ em/trợ cấp đến ly hôn, bạo lực gia đình liên quan đến nhà cửa và phúc lợi công. Trong khi đó, nạn nhân bạo lực gia đình, khủng bố và nạn buôn bán người trong các vụ truy tố tại Tây Ban Nha, kể cả có đủ nguồn lực tham gia tố tụng, đều có quyền được TGPL miễn phí.
Ở Việt Nam, việc giới hạn hình thức và lĩnh vực TGPL cung cấp phù hợp với từng diện người được TGPL được coi là một trong những giải pháp hợp lý bảo đảm tính khả thi về nguồn lực và hướng công tác TGPL đi đúng trọng tâm là thực hiện vụ việc, nhất là vụ việc tham gia tố tụng. Tại cuộc họp ngày 21/4, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ lo ngại, hiện mức chi cho vụ việc TGPL mới đạt khoảng 5 – 6% thì rất không hiệu quả.
Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị nên chăng nghiên cứu có tỷ lệ nhất định nào đó giữa hình thức tham gia tố tụng và tư vấn pháp luật, tránh tình trạng mất cân đối hiện nay do nghiêng nhiều về tư vấn pháp luật. Nhấn mạnh quan điểm TGPL phải do Nhà nước bảo đảm, Bộ trưởng chỉ đạo việc quy định đối tượng TGPL cần nghiên cứu rất kỹ theo hướng chỉ TGPL cho những người thật sự khó khăn và nhu cầu phát sinh từ thực tiễn cũng như tính toán khả năng bảo đảm.