Sửa đổi Luật Báo chí: Đổi mới để song hành cùng sự phát triển của công nghệ

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã đề xuất mô hình tổ hợp báo chí truyền thông đa phương tiện, cho phép một cơ quan báo chí hoạt động trên nhiều nền tảng như: báo in, báo điện tử và các kênh số khác.

Nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, nhà báo Lê Trọng Nghĩa cho rằng Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để báo chí Việt Nam phát triển toàn diện. (Ảnh: TTXVN phát)

Nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, nhà báo Lê Trọng Nghĩa cho rằng Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để báo chí Việt Nam phát triển toàn diện. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong kỷ nguyên số, việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm xây dựng hành lang pháp lý phù hợp là điều tất yếu, giúp đảm bảo môi trường hoạt động minh bạch, hiệu quả cho báo chí, đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Đây là nhận định chung của giới báo chí thành phố Hải Phòng về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Hành lang pháp lý phù hợp, linh hoạt

Nhà báo Lê Trọng Nghĩa, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, quan tâm đến mô hình báo chí địa phương trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt là mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan báo chí địa phương, nhất là vấn đề hợp nhất các cơ quan báo chí với đài phát thanh, truyền hình địa phương - một xu hướng đã và đang được nhiều tỉnh, thành phố triển khai nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tinh gọn bộ máy và thích ứng với yêu cầu mới.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã đề xuất mô hình tổ hợp báo chí truyền thông đa phương tiện, cho phép một cơ quan báo chí hoạt động trên nhiều nền tảng như: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và các kênh số khác. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế hội tụ truyền thông toàn cầu, giúp tận dụng tối đa nguồn lực, giảm thiểu sự trùng lặp và nâng cao sức cạnh tranh.

Nhà báo Lê Trọng Nghĩa cho rằng để mô hình này phát huy hiệu quả tối ưu cần bổ sung các quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc trong tổ hợp, cơ chế tài chính linh hoạt và phù hợp với đặc thù báo chí nhà nước. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi số và đầu tư công nghệ cũng là những yếu tố then chốt giúp các tổ hợp báo chí phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng.

Việc hợp nhất các cơ quan báo chí địa phương với đài phát thanh, truyền hình là giải pháp thực tiễn nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và tránh chồng chéo chức năng. Nhiều địa phương đã triển khai mô hình này và bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, quá trình hợp nhất cũng đặt ra không ít thách thức về tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ cũng như bảo đảm quyền lợi và phát huy năng lực đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Do đó, nhà báo Lê Trọng Nghĩa cho rằng cần xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí và quy trình sáp nhập, hợp nhất rõ ràng, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ với quy hoạch đơn vị hành chính để tránh gây xáo trộn và mất ổn định hoạt động báo chí.

Cơ chế tài chính và tự chủ cho các đơn vị sau hợp nhất cần được quy định cụ thể, tạo điều kiện để các trung tâm báo chí và truyền thông địa phương hoạt động linh hoạt, hiệu quả; đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu thông tin đa dạng của nhân dân.

Nâng cao năng lực đội ngũ người làm báo đa phương tiện trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế cũng là việc làm cần thiết. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí mà còn giúp ngành báo chí thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường truyền thông hiện đại, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của công chúng.

Ngoài ra, việc xây dựng mô hình tổ chức cơ quan báo chí linh hoạt, phù hợp đặc thù địa phương sẽ giúp các cơ quan báo chí địa phương phát huy tối đa vai trò, chức năng; đồng thời thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường truyền thông và công nghệ.

Quản lý Nhà nước và giám sát hoạt động của các cơ quan báo chí sau hợp nhất, tổ hợp là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tránh lãng phí nguồn lực. Cơ chế đánh giá định kỳ hiệu quả hoạt động cũng cần được thiết lập để kịp thời điều chỉnh và hoàn thiện mô hình.

Việc hoàn thiện các quy định về mô hình tổ chức và hoạt động của báo chí địa phương trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để báo chí Việt Nam phát triển toàn diện, chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

"Báo chí không chỉ là kênh thông tin quan trọng mà còn là công cụ sắc bén trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; đồng thời là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp, linh hoạt và hiệu quả là điều hết sức cần thiết để ngành báo chí ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước," nhà báo Lê Trọng Nghĩa cho biết.

Thích ứng trong kỷ nguyên mới

Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng, chia sẻ trong quá trình thi hành, Luật Báo chí năm 2016 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí, đảm bảo quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận. Tuy nhiên, một số quy định đã bộc lộ hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của báo chí hiện đại.

Việc sửa đổi Luật Báo chí là cần thiết để phù hợp với thực tiễn và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, truyền thông hiện đại trong kỷ nguyên mới. Luật Báo chí (sửa đổi) để khắc phục những bất cập, bổ sung quy định nhằm điều chỉnh kịp thời các vấn đề phát sinh.

 Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng cho rằng công nghệ thay đổi, Luật Báo chí cần đổi mới để song hành. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng cho rằng công nghệ thay đổi, Luật Báo chí cần đổi mới để song hành. (Ảnh: TTXVN phát)

Việc sửa đổi cũng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về báo chí, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, luật hóa những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Về "Điều 1. Phạm vi điều chỉnh," nhà báo Nguyễn Anh Tú nhận định đây là điều khoản quan trọng trong Luật Báo chí, xác định phạm vi điều chỉnh của Luật và đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân. Nội dung này thể hiện nguyên tắc cốt lõi của báo chí trong xã hội hiện đại; vừa tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền thông tin, vừa đặt ra các quy định về tổ chức và hoạt động báo chí để đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm và quản lý hiệu quả.

Xét trong bối cảnh sửa đổi Luật hiện nay, Luật Báo chí (sửa đổi) có thể cần xem xét bổ sung một số nội dung liên quan đến báo chí số, mạng xã hội và các nền tảng truyền thông mới để phù hợp với thực tế phát triển. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí sẽ giúp hệ thống pháp lý theo kịp thực tiễn. Những quy định mới có thể giúp đảm bảo sự minh bạch, trách nhiệm trong việc phát tán thông tin cũng như bảo vệ quyền lợi của người làm báo và người tiếp nhận thông tin.

Nhà báo Nguyễn Anh Tú cũng quan tâm đến "Điều 5. Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân," thể hiện nguyên tắc cơ bản về quyền tự do ngôn luận trên báo chí, đảm bảo công dân có thể tham gia vào các vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện ý kiến và đóng góp cho xã hội. Những nội dung này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự minh bạch, dân chủ và trách nhiệm giải trình.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn phát triển, nhà báo Nguyễn Anh Tú cho rằng có thể cần bổ sung hoặc điều chỉnh một số nội dung như: Làm rõ quyền và trách nhiệm khi phát biểu ý kiến, xác định ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm pháp lý, nhất là khi thông tin sai lệch hoặc mang tính kích động có thể gây ảnh hưởng tiêu cực.

Đồng thời, Luật Báo chí (sửa đổi) quy định cụ thể về báo chí số và mạng xã hội. Hiện nay, việc bày tỏ ý kiến trên các nền tảng trực tuyến đang ngày càng phổ biến, do đó cần có quy định rõ ràng hơn để đảm bảo tính chính xác, khách quan của thông tin.

Theo nhà báo Nguyễn Anh Tú, bảo vệ quyền lợi người phát ngôn cũng là yếu tố quan trọng, đảm bảo quyền tự do ngôn luận; đồng thời góp phần xây dựng một xã hội công bằng. Một môi trường pháp lý minh bạch và linh hoạt sẽ giúp công dân mạnh dạn bày tỏ quan điểm, thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/sua-doi-luat-bao-chi-doi-moi-de-song-hanh-cung-su-phat-trien-cua-cong-nghe-post1039424.vnp