Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Thiết kế chính sách theo hướng linh hoạt

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với nhiều điểm mới. Việc sửa đổi Luật này là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu, khách quan, nhằm tạo điều kiện cho nhiều người dân được tiếp cận, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).

Chính sách BHXH được đề xuất điều chỉnh theo hướng linh hoạt, nhằm bổ sung quyền lợi cho người lao động.

Bộc lộ nhiều bất cập

Luật BHXH được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 20-11-2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 (thay thế Luật BHXH năm 2006, có hiệu lực từ năm 2007). Trong quá trình triển khai, Luật BHXH năm 2014 có nhiều nội dung đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Nhờ đó, chính sách ngày càng hấp dẫn, số người tham gia BHXH ngày càng tăng. Theo BHXH Việt Nam, số thu BHXH từ nguồn đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động trong năm 2020 là gần 260.000 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 2007 (năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH). Đến hết quý I-2021, cả nước có hơn 16 triệu người tham gia BHXH, bằng gần 33% lực lượng lao động trong độ tuổi, gần 87 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 89% dân số.

Tuy nhiên, việc triển khai Luật BHXH năm 2014 dần bộc lộ những hạn chế. Dễ nhận thấy là các quy định hiện hành còn nhiều rào cản, khiến các cơ quan chức năng khó thực hiện mục tiêu mở rộng diện phủ BHXH. Chính sách BHXH được thiết kế tập trung ở khu vực kinh tế chính thức (người lao động có hợp đồng lao động), nên chưa thu hút đông đảo lực lượng lao động tham gia. Điều này lý giải vì sao, đến nay, nước ta còn hơn 32 triệu người trong độ tuổi lao động, bằng hơn 67% lực lượng lao động trong độ tuổi chưa tham gia BHXH.

Chính sách BHXH hiện hành thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng, trong đó, chính sách hưu trí nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, thiếu sự chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động.

Điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu quá chặt chẽ, dẫn đến số người đang tham gia rời khỏi hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn; còn điều kiện để hưởng BHXH một lần khá dễ dàng, nên không ít người lao động mong muốn được nhận BHXH một lần để đáp ứng những nhu cầu trước mắt.

Bằng chứng là giai đoạn 2016-2020, cả nước có hơn 3,7 triệu người hưởng BHXH một lần. Như vậy, trung bình cứ có thêm 2 người mới tham gia vào hệ thống BHXH, lại có một người rời khỏi hệ thống và tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Trong 3 tháng đầu năm 2021, cả nước có hơn 226.000 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020, làm ảnh hưởng đến nhiều phía, rõ nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi lâu dài của người lao động”, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) thông tin.

Thiết kế chính sách theo hướng linh hoạt

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai Luật BHXH năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi Luật BHXH theo hướng linh hoạt.

Về đối tượng tham gia, dự thảo đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; đồng thời, quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian.

Về thiết kế chính sách, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm theo quy định hiện hành, xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Điều kiện hưởng BHXH một lần được điều chỉnh có lộ trình, tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp (trừ một số trường hợp đặc biệt). Chính sách BHXH tự nguyện được nghiên cứu bổ sung các quyền lợi ngắn hạn, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Hiện nay, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện. Đa số ý kiến đồng tình với đề xuất bổ sung, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách cho người tham gia BHXH tự nguyện. Còn đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu cần được nghiên cứu, phân tích thấu đáo.

Theo PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí tạo sự linh hoạt cho chính sách, giúp nhiều người có thể tham gia.

Tuy nhiên, người lao động có thời gian đóng BHXH ngắn, thì mức hưởng lương hưu sẽ thấp, khó bảo đảm mức sống tối thiểu. Do đó, các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ lưỡng mức đóng - hưởng cho phù hợp, để vừa bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, vừa không tạo gánh nặng cho ngân sách khi phải hỗ trợ người có thời gian đóng BHXH ngắn để họ đạt mức sống tối thiểu.

Đại diện cho người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương là hợp lý, giúp giảm tình trạng người lao động rời khỏi hệ thống BHXH trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, chính sách này cần được thiết kế, điều chỉnh đồng bộ với các chính sách khác liên quan, để tăng tính khả thi…

Trên thực tế, các chính sách về an sinh xã hội đều hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền lợi cho người dân, để mọi người đều được bảo vệ bởi lưới an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, các bên liên quan cần cân nhắc kỹ lưỡng để chính sách BHXH theo kịp sự phát triển của thực tiễn, góp phần tạo giá đỡ an sinh xã hội cho nhân dân.

Vũ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/997313/sua-doi-luat-bao-hiem-xa-hoi%C2%A0thiet-ke-chinh-sach-theo-huong-linh-hoat