Sửa đổi Luật BHYT đảm bảo sự bền vững của chính sách
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sau 5 năm triển khai đã góp phần mở rộng đối tượng được chăm sóc sức khỏe với tỷ lệ bao phủ đạt 90%. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng phát sinh nhiều bất cập cần sớm sửa đổi.
Tăng số người tham gia BHYT
Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Luật BHYT 2014, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Luật BHYT 2014 với nhiều điểm mới mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua BHYT toàn dân, thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Thực hiện Luật BHYT 5 năm qua, số người tham gia BHYT ở nước ta đã không ngừng tăng lên nhanh chóng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt 90% dân số.
Tính từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia BHYT. Chất lượng khám chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 37%, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Y tế, 5 năm qua, việc thực hiện chính sách BHYT có sự vào cuộc, phối hợp của cả hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực BHYT được đẩy mạnh, người dân ngày càng thuận lợi do số cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT tăng hàng năm cùng với việc nâng cao chất lượng. Người tham gia cũng được tạo điều kiện trong KCB BHYT ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế tuyến xã trong phạm vi tỉnh và tuyến huyện trong phạm vi toàn quốc. BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đã chủ động và tích cực cải cách hành chính trong lĩnh vực BHYT như ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khai báo, lập danh sách, tổ chức đại lý, thanh toán trực tiếp chi phí, phản hồi, cung cấp thông tin… đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Những năm qua, công tác tuyên truyền BHYT với nhiều hoạt động và nội dung phong phú đem lại hiệu quả tích cực. Tổ chức hệ thống và đội ngũ cán bộ làm công tác BHYT được củng cố và phát triển. Đặc biệt, chính sách BHYT đã góp phần củng cố và phát triển hệ thống y tế (nhất là y tế cơ sở), nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ngoài ra, BHYT còn giúp khôi phục và phát triển hệ thống y tế trường học, góp phần ổn định hệ thống an sinh xã hội…
Cần cân bằng nguồn lực với quyền lợi
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn nhiều bất cập. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục sửa đổi Luật BHYT 2014 và đã được Quốc hội đưa vào danh sách các Luật cần sửa đổi, dự kiến sẽ đưa ra bàn thảo trong năm 2021.
Làm rõ hơn đánh giá này, ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) chỉ ra 8 nhóm vấn đề bất cập chủ yếu khi triển khai Luật BHYT 2014 gồm: Còn tình trạng các văn bản ban hành thiếu đồng bộ với các văn bản khác, một số văn bản hướng dẫn về BHYT còn chưa rõ ràng, dẫn tới những cách hiểu và vận dụng không thống nhất; tỉ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao; chất lượng KCB chưa đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân, nhất là ở tuyến cơ sở; một số vấn đề phát sinh khi các quy định liên quan chưa đồng bộ (tình trạng BV tuyến dưới “giữ” bệnh nhân khi thực hiện tự chủ tài chính, giá dịch vụ y tế (DVYT) chưa tính đúng, đủ; còn tình trạng bệnh nhân phải bỏ tiền mua thuốc, VTYT thuộc phạm vi quyền lợi được hưởng...); Chính sách “thông tuyến” bị một số cơ sở KCB lạm dụng để thu hút người có thẻ BHYT đến KCB, kể cả trong trường hợp chưa cần thiết. Một số bất cập trong công tác giám định, phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT chưa tối ưu; tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách BHYT còn xảy ra...
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Luật BHYT nhằm đạt được các mục tiêu chung như: Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về phát triển BHYT toàn dân; khắc phục các tồn tại, bất hợp lý; đổi mới chính sách, pháp luật về BHYT đảm bảo phù hợp với các quy định tại các luật có liên quan (Luật KCB, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Bộ luật Lao động...).
Trong đề xuất nội dung sửa đổi Luật BHYT, Bộ Y tế cũng đặt vấn đề đổi mới tổ chức Hệ thống giám định BHYT và Hội đồng Tư vấn quốc gia. Tuy nhiên, theo TS.Nguyễn Khánh Phương- Viện Chiến lược và Chính sách y tế, trước khi đề xuất thành lập mô hình này cần có nghiên cứu, đánh giá kinh nghiệm các nước đã thực hiện thành công BHYT…
Trong khi đó, một số ý kiến còn bày tỏ băn khoăn về cơ chế đồng chi trả đang “bỏ trống” với một số nhóm đối tượng, dẫn tới việc người bệnh thiếu trách nhiệm kiểm soát chi phí KCB BHYT. Đơn cử, tại một số cơ sở KCB y học cổ truyền và phục hồi chức năng cho thấy, có nơi gần như chỉ định 100% người có thẻ BHYT đến khám bệnh vào điều trị nội trú...