Sửa đổi luật cần cân nhắc, có đánh giá tác động
Đánh giá kỹ các tác động tới kinh tế - xã hội để chủ động ứng phó Khai mạc phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
(HNMO) - Sáng 16-10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với quy định của luật khác mới ban hành. Do vậy, Chính phủ đề nghị sửa đổi 66 điều; bãi bỏ 2 điều; bổ sung 1 chương và 8 điều (bổ sung chương VIIa về hộ kinh doanh) trong Luật Doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp…
Đóng góp ý kiến, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí việc sửa đổi luật. Góp ý cụ thể, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tờ trình chưa nêu rõ hiện nay có những nội dung nào của Luật Doanh nghiệp không tương thích với những luật mới ban hành gần đây và đề nghị phải nêu cụ thể vấn đề này.
Đối với việc bãi bỏ 2 thủ tục không còn cần thiết (thủ tục thông báo mẫu dấu (Điều 44) và thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (Điều 12), các đại biểu cũng cho rằng cần cân nhắc và rà soát kỹ để việc sửa đổi luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư, kinh doanh nhưng vẫn phải bảo đảm công tác quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc bổ sung chương VIIa về Hộ kinh doanh. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, khi đưa tất cả hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp cần phải có đánh giá tác động.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: "Những nội dung nào rõ, có đánh giá tác động thì bổ sung, còn nếu không thì chỉ sửa những bất cập trong luật để tạo điều kiện, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp".
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ sự thiếu thống nhất của luật hiện hành với hệ thống văn bản pháp luật. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát dự thảo luật nhằm tránh xung đột, chồng chéo giữa các văn bản luật, đồng thời, cần đánh giá sâu về tác động, tính khả thi của dự án luật trên tất cả các khía cạnh...
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014 với những nội dung chủ yếu gồm: Nhóm quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các khái niệm và chính sách đầu tư kinh doanh; nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện; nhóm các quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài...
Cho ý kiến tại phiên họp, nhìn chung thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi luật.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát lại nhằm bảo đảm những vấn đề, nội dung được bổ sung hay bãi bỏ sẽ không tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư hiện nay, tránh làm phức tạp hay tạo xung đột mới, nhất là với những dự án đang triển khai.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm đến những điều khoản liên quan đến nghĩa vụ của người dân, đầu tư nước ngoài, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài... Những nội dung này cần phải được quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật.