SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: CẦN QUY ĐỊNH TRƯỜNG HỢP THU HỒI ĐẤT CHO PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Điều 79 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, nhưng lại thiếu các trường hợp thu hồi đất cho phát triển du lịch. Theo nhiều đại biểu, cần hoàn thiện hơn quy định về thu hồi đất để Luật Đất đai (sửa đổi)thực sự tạo cơ chế chính sách mở đường cho hạ tầng du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch.

Mở đường cho dự án du lịch

Thực tế, Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch 2017 cũng không điều chỉnh việc khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng du lịch.

Thêm vào đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo hướng không phân nhóm mà quy định trực tiếp các trường hợp thu hồi đất, liệt kê đến 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79). Bao gồm: Xây dựng công trình giao thông; Xây dựng cơ sở y tế; Xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo; Thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang trừ trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất; nhà ở công vụ; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… Dù vậy, dự thảo luật vẫn “bỏ qua” các dự án hạ tầng du lịch, tổ hợp vui chơi giải trí – lưu trú – nghỉ dưỡng, vốn được coi là nền tảng của ngành công nghiệp không khói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội

Theo đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc, ĐBQH thành phố Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhấn mạnh trong các trường hợp nhà nước thực hiện thu hồi đất đã được nêu trong Dự thảo nên xem xét, bổ sung loại hình khu đô thị mới kết hợp kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng… Đối với nhiều địa phương, việc xây dựng khu đô thị mới, dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, hiện đại là cần thiết trong quá trình thúc đẩy Kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của người dân, tạo điều kiện để thu hút khách du lịch trong nước cũng như quốc tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương…

Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, đã có nhiều dự án “bất động” rất nhiều năm thậm chí cả thập kỷ, do bị vướng ở khâu thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người dân. Vì vậy, đối với một số dự án cụ thể, nếu có sự chủ động vào cuộc từ Nhà nước để thực hiện công tác GPMB, việc triển khai các dự án nhóm này sẽ nhanh hơn, đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển, sớm hiện thực hóa các ý tưởng quy hoạch và đồng bộ hệ thống hạ tầng, tiện ích của địa phương, để đảm bảo lợi ích của các bên tham gia.

Đồng quan điểm, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% vào GDP quốc gia và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50% thì cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và phân tích sâu sắc hơn nữa về các loại hình sản phẩm du lịch Việt Nam đối với từng khu vực, địa phương. Trong đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch là một lẽ tất yếu.

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phân tích cụ thể, TS. Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ ngành du lịch của nước ta phát triển chậm hơn các nước Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia… nhưng lại có lợi thế là có thể bắt đầu đầu tư mới. Nếu không nắm bắt được yếu tố này để đầu tư kiến thiết hạ tầng đồng bộ thì Việt Nam sẽ lỡ nhịp phát triển, trong khi đây là một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đề ra tại Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần có những chính sách cởi mở hơn về tiếp cận đất đai để phát triển hạ tầng du lịch trong Luật Đất đai nhằm tạo sức hút đầu tư và tăng tính cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung hiện nay.

Luật Đất đai năm 2013 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện chưa có quy định để doanh nghiệp tiếp cận đất đai thực hiện các dự án du lịch, đô thị phức hợp, quy mô. Đặc biệt, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ chỉ có thể tiếp cận quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án du lịch thông qua hình thức nhận chuyển nhượng hoặc đấu giá quyền sử dụng đất; không được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất. Trong khi đó, đối với hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì phụ thuộc phần lớn vào quỹ đất do địa phương nắm giữ và phụ thuộc vào ngân sách của địa phương, chưa biết có đủ để giải phóng mặt bằng thực hiện hay không. Chưa kể, đối với hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nếu chỉ đạt được thỏa thuận với 80% số hộ dân và 80% diện tích đất, thậm chí cao hơn nhưng không đạt được thỏa thuận với số còn lại thì dự án cũng không triển khai được. Do vậy, cần có cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất và thực hiện đấu thầu các dự án du lịch hoặc các dự án nhà ở/khu đô thị kết hợp với du lịch, thương mại dịch vụ để tạo điều kiện cho nhà đầu tư.

Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định các trường hợp thu hồi đất cho phát triển du lịch (Ảnh minh họa)

Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định các trường hợp thu hồi đất cho phát triển du lịch (Ảnh minh họa)

Thu hồi đất các dự án du lịch quy mô lớn

Du lịch là một pham trù kinh tế rộng, liên quan đến đa ngành, đa lĩnh vực và phức hợp, có tính chất bao trùm lên toàn xã hội. Do đó, cần có chính sách riêng biệt, chiến lược phát triển đột phá và một kế hoạch thực hiện cụ thể, phân công bố trí nguồn lực hợp lý, huy động sự hưởng ứng tham gia của các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực này nhằm thực hiện Nghị quyết của TƯ đã đặt ra.

Để giải quyết được vấn đề đang đặt ra, theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, nên điều chỉnh Điều 79 theo 2 hình thức. Một là, quy định chi tiết đối với các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như dự thảo. Hai là, dựa trên các quy định đã có, nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc đối với các dự án quan trọng cấp quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội; các dự án quan trọng cấp “nhà nước” thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng; các dự án quan trọng “cấp tỉnh” thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Nhân dân, trong đó có thể cho phép kết hợp giữa dự án nhà ở hoặc khu đô thị mới với thương mại, dịch vụ, khu vui chơi giải trí hoặc thu hồi đất có quy mô trên 300ha để phát triển khu đô thị mới.

Ngoài ra, các khái niệm về “dự án quan trọng cấp quốc gia, cấp nhà nước, cấp tỉnh” đã được quy định về phân cấp dự án nhưng chưa làm rõ điều kiện, tiêu chí. Do đó đề nghị nghiên cứu và bổ sung tiêu chí về quy mô diện tích; tổng mức đầu tư; tác động dân số (di dân tái định cư) và tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương… Ví dụ đối với dự án quan trọng quốc gia thì quy mô diện tích là 1000ha, dự án quan trọng nhà nước quy mô diện tích là 500ha, còn dự án quan trọng cấp tỉnh là 300 ha, có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ trở lên… như vậy sẽ giải quyết được cụ thể đối với từng trường hợp.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm cần bổ sung trường hợp thu hồi đất đối tổ hợp đa năng cũng như khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị và các khu chức năng khác trong khu kinh tế bên cạnh dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ. Bởi quy định pháp luật hiện hành đã cho phép đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án thương mại dịch vụ. Tuy vậy, hiện còn thiếu cơ chế thu hồi đất đối với các loại dự án này nên dẫn đến những ách tắc trong việc phát triển các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí và tổ hợp giải trí đa năng.

Cụ thể, một trong những điều kiện để thực hiện đấu thầu đó là dự án phải thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. Trong khi đó, (Điều 62) không có quy định về thu hồi đất để phát triển các dự án du lịch. Đây là vướng mắc chính trong việc phát triển dự án du lịch. Do vậy, cần bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng bên cạnh kinh doanh thương mại, dịch vụ tại khoản 27 điều 79 dự thảo luật. Ngoài ra, cần bổ sung các dự án khu đô thị mới quy mô trên 300ha vào diện Nhà nước đứng ra thu hồi đất, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, bởi, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư cũng có các chế định, quy định về phát triển các khu đô thị mới. Những dự án đô thị quy mô lớn đồng bộ cũng góp phần tăng sức hấp dẫn của điểm đến, nâng cao đời sống người dân, tạo dư địa phát triển lớn cho kinh tế, xã hội.

Thực tiễn cho thấy, các cường quốc du lịch trên thế giới đều coi việc đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch bài bản là chiến lược hàng đầu trong phát triển lĩnh vực này. Theo các chuyên gia, trên thế giới, hầu hết các nước hỗ trợ du lịch bằng chính sách, quy hoạch. Đồng thời, nhà nước có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường, giảm thuế, giá thuê đất… Đây là cách mà Thái Lan, Singapore… hình thành những "bom tấn" du lịch thu hút hàng triệu khách cả trong và ngoài nước.

Những bất cập từ Luật Đất đai cũng chỉ ra một thực trạng rằng ngành du lịch đang bị o ép bởi rất nhiều quy định liên quan tới nhiều bộ luật từ nhiều ngành. Muốn phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì không thể chỉ hô khẩu hiệu, mà phải đi vào từng giải pháp cụ thể. Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai lần này, cần nghiên cứu thấu đáo, toàn diện hơn để thúc đẩy du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW đã đề ra.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80906