Sửa đổi Luật Đất đai phải khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, tham nhũng, tiêu cực trong chính sách đất đai thời gian qua diễn ra nhiều. Kỳ này sửa đổi Luật Đất đai phải hướng tới mục tiêu khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất bất hợp lý, lãng phí.
70% cuộc khiếu kiện, khiếu nạn liên quan đến đất đai
Chiều 27/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. Dự và phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trả lời, thông tin những vấn đề mà cử tri Đà Nẵng đặc biệt quan tâm.
Liên quan đến Luật Đất đai, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội để xem xét sửa đổi. Khi sửa đổi bổ sung Luật Đất đai bao giờ cũng dựa trên đánh giá tổng kết quá trình thực thi pháp luật thời gian qua.
“Luật đất đai vô cùng quan trọng, đối với người dân thì đặc biệt quan trọng. Trong quá trình thực hiện chính sách đất đai nhiều năm vừa qua, thành tựu và kết quả đạt được rất to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, làm thay đổi bộ mặt từ thành thị đến nông thôn, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, thậm chí là sai phạm. Hiện nay trong những cuộc khiếu kiện khiếu nại, nhất là cuộc đông người thì có đến 70% liên quan đến khiếu kiện về đất đai” - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói.
Cũng theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, vừa qua khi chúng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, thì tỷ lệ cán bộ vi phạm về đất đai cũng khá lớn. Cho nên trong Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương lần thứ V khóa XIII về tiếp tục đổi mới hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý sử dụng đất để đưa đất nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao có nêu nhiều quan điểm, trong đó nhấn mạnh làm sao phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.
“Tham nhũng, tiêu cực trong chính sách đất đai thời gian qua diễn ra nhiều như thế. Kỳ này sửa đổi Luật Đất đai phải hướng tới mục tiêu khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất bất hợp lý, lãng phí. Hay là xác định hoàn thiện về quy trình, quy định bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia” – Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Về công tác phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Thời gian tới, Đảng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
“Chúng ta xử lý tham nhũng lớn nhưng cũng xử lý cả tham nhũng vặt. Trước đây cứ nói đi đăng kiểm mất vài trăm, nhưng tích góp lại thấy khối lượng rất lớn. Như vậy nên phải kiên trì xử lý. Làm thất thoát lớn thì phải xử, nhưng tham nhũng vặt ở cơ sở cũng phải xử nghiêm. Chúng ta xử ở cấp địa phương và cả cấp trung ương. Xử lý cả đương chức, về hưu cũng không hạ cánh an toàn” – Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói.
Cũng theo Chủ tịch nước, bên cạnh xử lý cá nhân trực tiếp dính đến tham nhũng tiêu cực, sai phạm cũng xem xét xử lý cả những cán bộ tuy chưa phát hiện ra tham nhũng, sai phạm nhưng không làm hết trách nhiệm, lãnh đạo chưa sát để nhiều cán bộ thuộc quyền quản lý của mình có vi phạm khuyết điểm hoặc tham nhũng tiêu cực.
“Cũng còn nhiều vụ việc đang tiếp tục làm, sẽ sớm có thông báo công khai hoặc sớm đưa ra xét xử” – Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết thêm.
Tại hội nghị, cử tri Đà Nẵng bày tỏ sự quan tâm đến nhiều vấn đề lớn của đất nước như phục hồi kinh tế, phòng chống tham nhũng, sửa đổi luật đất đai, cải cách giáo dục, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế.
Về vấn đề nóng đang được cử tri cả nước quan tâm hiện nay là dự thảo Luật Đất đai, cử tri Lê Quang Toàn (quận Hải Châu) đề nghị lãnh đạo các cấp, ngành cần có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện luật này để rút ra kinh nghiệm cho việc ban hành luật mới.
Trong khi đó, cử tri Trần Văn Chức (quận Thanh Khê) nêu thực trạng các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình phục hồi nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động. Qua đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, giải quyết khó khăn, phục hồi nền kinh tế.
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, cử tri Lê Thị Bích Hòa (quận Hải Châu) kiến nghị, thời gian tới Trung ương cần tiếp tục xử lý các vụ việc, vụ án và có thông tin chính thức để tránh gây xôn xao dư luận, mất ổn định. Trong khi một số ý kiến khác đặt vấn đề việc xử lý, thu hồi tài sản do tham nhũng tại các vụ án vẫn còn thấp so với thực tế.
Về giáo dục, cử tri Nguyễn Văn Quỳnh (quận Hải Châu) đề nghị bỏ thi tuyển vào lớp 10. Bởi theo ông Quỳnh, bỏ thi tuyển lớp 10 sẽ giảm áp lực học thêm cho học sinh, giảm chi phí cho xã hội; đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho học sinh, giảm lượng công việc cho cán bộ, giáo viên. Được biết hiện nay Đồng Tháp và Vĩnh Long đã tiên phong bỏ thi tuyển lớp 10.
Đối với các vấn đề của Đà Nẵng, cử tri Lê Thị Bích Hòa (quận Hải Châu) mong muốn thời gian tới Trung ương tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện để địa phương xử lý dứt điểm dự án khu đô thị Đa Phước liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm). Bởi theo cử tri Hòa, đây là dự án rất lớn, vướng mắc nhiều năm nay không thể tiếp tục triển khai nên gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng môi trường đô thị.