SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU THẦU: CHỈ ÁP DỤNG CHỈ ĐỊNH THẦU TRONG TRƯỜNG HỢP THẬT SỰ CẦN THIẾT, CẤP BÁCH

Đấu thầu rộng rãi sẽ tạo ra sự canh tranh lành mạnh, công bằng, minh bạch của thị trường, hạn chế tiêu cực có thể xảy ra nếu áp dụng hình thức chỉ định thầu. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng khi sửa đổi Luật Đầu thầu chỉ nên áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách; làm rõ như thế nào là 'trường hợp cấp bách' để áp dụng chỉ định thầu.

ĐỀ XUẤT CHỈ ĐỊNH THẦU RÚT GỌN TRONG TRƯỜNG HỢP CẤP BÁCH, THIÊN TAI VÀ DỊCH BỆNH

ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, MINH BẠCH, TRÁNH ƯU ÁI TRONG CHỈ ĐỊNH THẦU

Để khắc phục những bất cập, vướng mắc, gây ách tắc trong thực hiện mua sắm công, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến. Luật sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để áp dụng trong các trường hợp cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, như: gói thầu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; gói thầu thuộc các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội; gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn; gói thầu thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư…. Trong đó, phân định cụ thể các trường hợp, điều kiện áp dụng chỉ định thầu và điều kiện áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; đẩy mạnh phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Luật Đấu thầu hiện hành quy định 6 trường hợp chỉ định thầu nhưng dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tăng lên 10 trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Với đề xuất sửa đổi này của ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến băn khoăn từ phía đại biểu Quốc hội, chuyên gia, cử tri và Nhân dân. Liệu việc mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu có phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”.

Thẩm tra về nội dung này do Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thể hiện quan điểm chưa đồng tình với đề xuất này và cho rằng cần đánh giá tác động của các trường hợp áp dụng chỉ định thầu, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu. Việc áp dụng chỉ định thầu chỉ nên giới hạn với các trường hợp đặc thù, gồm: Dự án cấp bách; Đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; Đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; Các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Khuất Việt Dũng – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội .

Đại biểu Khuất Việt Dũng – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội .

Quan tâm đến quy định này, đại biểu Khuất Việt Dũng – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu quan điểm, việc mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu là không phù hợp, về lâu dài sẽ không tạo ra tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch của thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ xảy ra tiêu cực, do vậy cần quy định chặt chẽ hơn về việc áp dụng chỉ định thầu. Trong quá trình sửa luật cần phân tích rõ tại sao mở rộng đối tượng áp dụng chỉ định thầu thay vì đấu thầu rộng rãi. Đại biểu cho rằng, trừ một số trường hợp đặc biệt, đấu thầu rộng rãi là hình thức hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, Chính phủ giải trình rõ hơn như thế nào là cấp bách để áp dụng hình thức chỉ định thầu. Việc sửa đổi luật cần quy định hết sức chặt chẽ, thu hẹp phạm vi các trường hợp chỉ định thầu, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách. Bên cạnh đó, để tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu nên có quy định nhằm khuyến khích đấu thầu qua mạng; giảm bớt thủ tục rườm ra, phức tạp gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Việc mở rộng trường hợp áp dụng chỉ định thầu với dự án quan trọng quốc gia là chưa phù hợp, acanf làm rõ điều kiện chỉ định thầu đối với dự án này; chỉ được áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp cần triển khai nhanh, hoàn thành sớm và phải được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận trong quyết định chủ trương đầu tư; trường hợp áp dụng chung thì cần phải quy định cụ thể tiêu chí để tránh lạm dụng.

Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu thực tế, một số trường hợp chỉ định thầu chưa được quy định rõ ràng theo quy mô, tính chất của gói thầu. Ban soạn thảo cần làm rõ hơn nội dung này để có cơ sở áp dụng; làm rõ về chỉ định thầu thuộc lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, bí mật an ninh để làm cơ sở cho việc áp dụng chỉ định thầu.

Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Chỉ định thầu thường áp dụng đối với những trường hợp để giải quyết những yêu cầu cấp bách hoặc phục vụ cho những mục tiêu đặc biệt hoặc những trường hợp đặc biệt khác. Ngoài những trường hợp nêu trên, các trường hợp khác cần được đấu thầu rộng rãi, công khai để đảm bảo tính hiệu quả kinh tế, chọn được nhà thầu đủ năng lực, tài chính và kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện gói thầu/Dự án hiệu quả nhất. Trong các trường hợp mở rộng thêm, cần xem xét lại một số trường hợp như gói thầu tái định cư, gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn. Các gói thầu này đều có thể đấu thầu công khai để lựa chọn được nhà thầu đáp ứng được các tiêu chí thực hiện gói thầu tốt nhất, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Chỉ định thầu có thể làm giảm tính hiệu quả khi không lựa chọn được nhà thầu tốt nhất.

Trong khi đó, Luật sư Phạm Thanh Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, điều này chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”. Cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù, như: Dự án cấp bách; Đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; Đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; Các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra cần rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu.

Ngoài ra, để đảm bảo tính chặt chẽ trong các trường hợp áp dụng chỉ định thầu cũng cần làm rõ trong trường hợp nào thì gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu hay áp dụng trong mọi trường hợp; nghiên cứu điều chỉnh hạn mức chỉ định thầu ở mức phù hợp; thẩm quyền quyết định các trường hợp chỉ định thầu; giao Chính phủ quy định rõ thẩm quyền xác định giá gói thầu để giao thầu trong trường hợp cấp bách; đồng thời có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ đối với chỉ định thầu và chế tài xử lý nghiêm khắc trong trường hợp cố tình chỉ định thầu gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước./.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73033