Sửa đổi Luật Đấu thầu khắc phục hạn chế, vướng mắc tiêu cực trong thực tế

Sáng 24/5, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận Luật Đấu thầu (sửa đổi). Với đa số ý kiến tán thành, việc sửa đổi Luật nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tiêu cực phát sinh trong thực tiễn thi hành vừa qua.

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan

Báo cáo giải trình, tiếp thu. chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ tiếp thu ý kiến của ĐBQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng: Rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan.

Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua.

Quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.

Giải trình về ý kiến ĐBQH nêu thực tế trong hoạt động đấu thầu đã xảy ra một số vụ việc sai phạm, tiêu cực, một số tổ chức, cá nhân đã có các hành vi cố tình thông thầu, vi phạm điều cấm của Luật Đấu thầu, dẫn đến thất thoát, thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã nỗ lực rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên, các hành vi bị cấm và biện pháp xử lý… để tăng cường quản lý, bảo đảm tính chặt chẽ trong các quy định của Luật, góp phần hạn chế những hành vi sai phạm, trục lợi, gây thiệt hại đến tài sản công.

Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng dự thảo Luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp, cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23 Dự thảo Luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu.

Cụ thể: Bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư vì đây là công việc không phức tạp và nhiều nhà thầu có thể thực hiện được; đối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án.

Chỉnh lý quy định về chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn theo hướng áp dụng đối với một số gói thầu có tính đặc thù, liên quan đến bản quyền tác giả hoặc phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ.
Chỉnh lý quy định chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để bao quát các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế; luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu đã được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP; bổ sung một số trường hợp chỉ định thầu đang được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính có đủ điều kiện để áp dụng chỉ định thầu để bảo đảm rõ ràng, minh bạch.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy: tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật dẫn đến hủy thầu phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật - Ảnh: VGP/LS

Đại biểu Nguyễn Văn Huy: tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật dẫn đến hủy thầu phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật - Ảnh: VGP/LS

Tham gia thảo luận về các quy định về hủy thầu, đại biểu Nguyễn Văn Huy (tỉnh Thái Bình) cho biết dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật dẫn đến hủy thầu phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đại biểu, dự thảo Luật cần quy định tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu của pháp luật có liên quan, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hạitheo quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (tỉnh Thái Bình) kiến nghị cần tăng tính chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ. Theo đại biểu cho biết, với các đơn vị sự nghiệp công lập, tất cả nguồn vốn, nguồn thu đều phải quản lý theo quy định của các luật, quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, với những đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ, đại biểu đề nghị có những quy định cụ thể hơn để tăng tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ này.

Cụ thể, đối với vốn vay để đầu tư cho hoạt động của đơn vị, hay vốn góp của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của đơn vị thực hiện tự chủ, cần có quy định cho đơn vị đó có quyền chủ động. Đại biểu cho rằng nếu giữ nguyên quy định như hiện tại thì sẽ làm tăng thời gian đầu tư của đơn vị cũng như giá trong hoạt động đấu thầu.

Đối với đấu thầu đào tạo, đại biểu cho rằng đây là hoạt động đặc thù, nếu áp dụng quy định theo luật Đấu thầu thì sẽ dẫn đến bất cập trong thực tế thực hiện, khi các cơ sở đào tạo công lập không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của luật.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, về đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn Nhà nước, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy đây là nội dung có thay đổi so với Luật hiện hành cũng như dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp thứ 4, cũng là nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, cần quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu để lựa chọn thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước trên 50% vốn điều lệ...

Đại biểu cho biết trong thực tế, nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã sử dụng vốn của mình để thành lập các công ty con nhằm phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Với quan điểm ở nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách Nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, với những doanh nghiệp mà ở đó có quyền chi phối thuộc về doanh nghiệp Nhà nước thì vẫn phải áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Qua đó sẽ quản lý được chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp Nhà nước nắm quyền chi phối và sẽ giữ được vai trò điều tiết trụ cột cho nền kinh tế.

Không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp Nhà nước

Tham gia thảo luận về vấn đề này, đại biểu Phan Đức Hiếu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế) đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp Nhà nước. Bởinếu mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp Nhà nước thì đồng nghĩa với việc mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu. Đây là phạm vi rất rộng.

Đại biểu Phan Đức Hiếu: không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước - Ảnh: VGP/LS

Đại biểu Phan Đức Hiếu: không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước - Ảnh: VGP/LS

Đồng thời, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý doanh nghiệp Nhà nước mà còn có các cơ chế giám sát khác, do đó không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đại biểu, nếu áp dụng cứng nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp Nhà nước thì có thể làm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của Nhà nước. Đại biểu bày tỏ lo ngại sự tác động việc áp dụng Luật đấu thầu cho công ty con của doanh nghiệp Nhà nước đến cả thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Đề cập đến quy định chặt chẽ phù hợp với thực tiễn về hành vi chuyển nhượng thầu trong Luật, đại biểu Trần Quang Minh (tỉnh Quảng Bình)nêu rõ trong giải thích từ ngữ của dự thảo Luật quy định nhà thầu phụ là "nhà thầu tham gia thực hiện công việc xây lắp, tư vấn phí tư vấn và dịch vụ liên quan đến gói thầu công việc thuộc gói thầu hỗn hợp theo hợp đồng được ký với nhà thầu".

Theo đại biểu, khái niệm "dịch vụ liên quan đến gói thầu" có phạm vi rộng vào nội hàm chưa rõ có thể phù hợp với các ngành nghề và nhiều lĩnh vực, nhưng đối với lĩnh vực xây dựng giao thông thì theo cách giải thích này dẫn đến cách hiểu là các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến cung cấp vật tư vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm, cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng cũng là nhà thầu phụ, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc quản lý, thực hiện hợp đồng và gặp vướng mắc.

Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định sửa đổi theo hướng các tổ chức cung cấp vật tư vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm, cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng công trình không phải là nhà thầu phụ.

Về hành vi chuyển nhượng thầu, đại biểu Trần Quang Minh nêu rõ theo dự thảo Luật quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó quy định rất chặt vì hành vi chuyển nhượng thầu. Tuy nhiên theo đại biểu, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện.

Do vậy, để việc thực hiện pháp luật đấu thầu được chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị xem xét nghiên cứu sửa đổi về hành vi chuyển nhượng thầu trong dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu, và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, cụ thể, trong một số trường hợp đặc biệt hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận thì không được coi là hành vi chuyển nhượng thầu.

Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều). Trong đó: Bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Chính phủ đã có văn bản về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/sua-doi-luat-dau-thau-khac-phuc-han-che-vuong-mac-tieu-cuc-trong-thuc-te-102230524142518343.htm