Sửa đổi Luật Điện ảnh tạo ra hàng lang pháp lý và chính sách đột phá

Sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Một trong những vấn đề lớn được cơ quan soạn thảo xin ý kiến đại biểu Quốc hội là quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước và phổ biến phim trên không gian mạng.

Luật Điện ảnh sửa đổi phải có tầm nhìn dài hạn, tạo sự phát triển cho điện ảnh Việt Nam. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Luật Điện ảnh sửa đổi phải có tầm nhìn dài hạn, tạo sự phát triển cho điện ảnh Việt Nam. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Đây là nội dung lớn của Luật Điện ảnh sửa đổi được Quốc hội thảo luận chiều 28/10.

Chưa thể thực hiện đấu thầu sản xuất phim

Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.

Theo cơ quan soạn thảo, phim là tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, sản xuất phim mang đặc thù riêng, không thể chia cắt đứt đoạn, không thể đấu thầu kịch bản. Trình tự, thủ tục theo cơ chế đấu thầu qua nhiều khâu, tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, chất lượng phim. Bên cạnh đó, quan hệ giữa tác giả kịch bản, đạo diễn và nhà sản xuất khó có được thỏa thuận để thực hiện hình thức đấu thầu nhằm lựa chọn nhà sản xuất khác, không sở hữu kịch bản để thực hiện bộ phim. Đối với các nhà thầu thực hiện dự án sản xuất phim, đồng thời là đơn vị sở hữu bản quyền đối với kịch bản được lựa chọn đưa vào sản xuất, các quy trình thẩm định và phê duyệt ngân sách theo hình thức đấu thầu kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, hạn chế chủ động, sáng tạo, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, phương án 1 hiện còn những vấn đề chưa phù hợp với các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vốn ngân sách và các quy định về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công.

Phương án 2: Giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim).

Từ khi Luật Điện ảnh ra đời, chưa thể thực hiện việc đấu thầu sản xuất phim do gặp nhiều khó khăn, bởi những quy định hiện hành.

Đại biểu Trần Văn Thức (Thanh Hóa) cho hay, tại Khoản 4 Điều 15 dự thảo Luật quy định việc sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước được thực hiện theo hình thức: Phương án 1 giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Phương án 2 giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đối với phim có nội dung đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc đấu thầu đối với phim có các nội dung khác. Đại biểu tán thành phương án 2 tức là việc sản xuất phim từ nguồn ngân sách Nhà nước nên bằng 3 hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, hoặc đấu thầu với những lý do đây là quy định trong luật hiện hành và đã được Chính phủ có văn bản quy định chi tiết trong trường hợp đấu thầu sản xuất phim và trên thực tế không có vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo Đại biểu, việc quy định cả 3 hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu như trên sẽ rất linh hoạt trong quá trình áp dụng, đặc biệt sẽ đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật như đồng bộ với Luật Đấu thầu. Mặt khác tác phẩm điện ảnh cũng cần được đấu thầu để lựa chọn được tác phẩm tốt có giá trị như những công việc khác khi sử dụng vốn ngân sách Nhà nước là rất cần thiết.

Hậu kiểm phim phổ biến trên không gian mạng

Về hậu kiểm phim phổ biến trên không gian mạng, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.

Theo đó, nhà phát hành, phổ biến phim thực hiện theo các quy định về nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh và phân loại phim để tự phân loại và hiển thị kết quả phân loại, cảnh báo cần thiết về nội dung phim cho người xem.

Đây được xem là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển không ngừng của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý điện ảnh, tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới.

Về vấn đề này, báo cáo thẩm tra Luật Điện ảnh sửa đổi của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.

Đồng thời, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị nghiên cứu: Xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại phim; quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường, kiểm duyệt tự động; hiển thị cảnh báo cho người xem, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu, cung cấp công cụ để người xem phản ánh nội dung vi phạm; quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý; tăng cường năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra, giám sát; nghiên cứu cơ chế huy động các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, kiểm soát phổ biến phim.

Đề cập đến 3 hình thức phổ biến phim, nhất là hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Kiên Giang) cho rằng việc phổ biến phim trên không gian mạng dù đã có quy định tại Điều 22 nhưng vẫn có một khoảng trống rất khó kiểm soát bởi khối lượng phổ biến trên không gian mạng là quá lớn. Vì thế rất khó cho công tác tiền kiểm nhưng nếu chỉ hậu kiểm thì không thể kiểm soát được những bộ phim có nội dung độc hại, không thu hồi được phim có nội dung xấu. Theo đại biểu Tuấn, phương án hậu kiểm có vẻ khả thi, phù hợp hơn. Tuy nhiên cần phải rà soát lại các quy định sao cho có sự thống nhất giữa Luật Điện ảnh với Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An ninh mạng.

Cũng đề cập đến việc phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) cho biết bà đồng tình với quy định trong dự án Luật, tức là tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm các quy định tại Luật, tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phin theo quy định 33 của Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hàng năm hoặc đột xuất nội dung phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với cơ quan quản lý về thông tin và truyền thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. “Nếu thực hiện tiền kiểm rồi mới tiến hành cấp phép phát hành phim, tôi cho rằng không phù hợp với xu thế hiện nay”, đại biểu Khang Thị Mào nhấn mạnh.

Sửa đổi Luật Điện ảnh tạo ra hàng lang pháp lý và chính sách đột phá

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có phát biểu báo cáo, tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, điện ảnh Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau đã hoàn thiện được trách nhiệm, sứ mệnh cao cả của mình. Ngày nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế rất sâu rộng, điện ảnh nước nhà cũng phải vươn lên để thực hiện trách nhiệm của mình.

Theo Bộ trưởng, quá trình chuẩn bị, cơ quan soạn thảo đã cố gắng nghiên cứu, tham khảo và tiếp thu có chọn lọc các vấn đề đưa vào dự thảo Luật. Tuy nhiên đây là một vấn đề khó, quá trình thảo luận, các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, trách nhiệm, trên tinh thần xây dựng, có những vấn đề chung, có những vấn đề cụ thể xuất phát từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Kết luận phiên thảo luận, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV với yêu cầu, việc sửa đổi Luật Điện ảnh phải tạo ra hàng lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để tạo ra sự phát triển cho điện ảnh Việt Nam, vừa là một ngành văn hóa, vừa là một ngành kinh tế hội nhập quốc tế.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/sua-doi-luat-dien-anh-tao-ra-hang-lang-phap-ly-va-chinh-sach-dot-pha/451182.vgp