Sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sát, phù hợp với thực tế đời sống

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) (sửa đổi) và Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông hiện có nhiều luồng ý kiến còn băn khoăn, trái chiều, khác nhau… Song, để thống nhất, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông, việc sửa đổi Luật sát, phù hợp với thực tế đời sống hiện nay là cấp thiết.

Cấp thiết

Qua thời gian gần 14 năm thực hiện Luật GTĐB 2008 (2008 – 2022), Luật đã đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của giao thông đường bộ về kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ và trật tự an toàn giao thông (ATGT); phục vụ tốt cho dân sinh, phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng; góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ trong bối cảnh số phương tiện tham gia giao thông gia tăng cao, nhất là những năm gần đây khi cả nước đã có khoảng 70 triệu phương tiện cơ giới.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện Luật GTĐB 2008 phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế không hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển thực tế. Trước sức ép từ sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta, hạ tầng giao thông đường bộ đang phát triển mạnh mẽ (có đường bộ cao tốc), số phượng tiện tham gia giao thông đường bộ tăng cao (đặc biệt là xe máy tăng quá nhiều), việc chấp hành Luật GTĐB của người tham gia giao thông của cả nước đã chuyển biến, nhưng vẫn hạn chế, dẫn đến tình hình TNGT và ATGT đường bộ trở thành "điểm nóng" nhất trong 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không.

Nội dung sửa đổi, giao trách nhiệm quản lý sát hạch, đào tạo, cấp giấy phép lái xe đang được dư luận quan tâm.

Nội dung sửa đổi, giao trách nhiệm quản lý sát hạch, đào tạo, cấp giấy phép lái xe đang được dư luận quan tâm.

Do vậy, việc sửa đổi Luật GTĐB 2008 là cấp thiết, nhằm khắc phục, hoàn thiện các quy định của pháp luật về GTĐB, tạo đà cho nền kinh tế nước ta đang phát triển mạnh, tiến kịp với sự phát triển chung của khu vực và quốc tế. Trong đó, việc cụ thể hóa (thành các điều, khoản) trong Luật GTĐB 2008 sửa đổi cần khắc phục triệt để các tồn tại phát sinh, đảm bảo có sự ổn định từ 15 - 20 năm tới.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia giao thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, Luật GTĐB đang được lấy ý kiến các nhà khoa học, các địa phương sửa đổi theo hướng tách thành 2 luật mới là Luật Đường bộ do Bộ GTVT soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộdo Bộ Công an soạn thảo. Như vậy, để thực hiện một quy định thì người tham gia giao thông phải tham khảo cả hai luật. Việc tách luật có thể phá vỡ sự đồng bộ về pháp luật GTVT, chưa phù hợp thông lệ quốc tế. Vấn đề này cần tiếp tục tham khảo ý kiến của các coư quan liên quan trước khi thống nhất trình Quốc hội.

Còn TS. Đào Huy Hoàng (Viện Khoa học và Công nghệ GTVT - Bộ GTVT) cho biết, dự thảo Luật GTĐB sửa đổi gồm 3 chính sách: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ và vận tải đường bộ. Quy tắc giao thông đường bộ và quản lý người điều khiển phương tiện được quy định tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đa số các chuyên gia đồng thuận cho rằng, GTĐB là một thể thống nhất và là một lĩnh vực của kinh tế xã hội, trong có các mắt xích gắn kết chặt chẽ và tác động ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Vì vậy, Luật GTĐB cũng phải có tính thống nhất tương ứng và phù hợp với tính chất chung của hệ thống. Xét tổng thể, Luật GTĐB 2008 đã có đầy đủ các nội dung chế tài cần thiết và thống nhất với hệ thống giao thông GTVT đường bộ và các nội dung trong luật cơ bản là có liên hệ chặt chẽ, logic. Vấn đề thời sự, được dư luận quan tâm là bổ sung và hoàn thiện các nội dung còn bất cập của Luật GTĐB trong đời sống, không cần thiết tách thành 2 luật riêng.

Tách luật có "phá vỡ" sự đồng bộ về hệ thống pháp luật giao thông?

Ông Nguyễn Văn Thanh nêu thực tế, nếu tách luật hiện nay, để thực hiện một quy định về GTĐB, người tham gia giao thông sẽ phải tham khảo 2 luật, từ đó phát sinh nhiều bất cập và có khả năng tranh chấp trách nhiệm và quyền hạn giữa Bộ GTVT và Bộ Công an trong quản lý GTĐB.

Đơn cử, về hệ thống báo hiệu đường bộ và công tác quản lý, đào tạo cấp giấy phép lái xe, Luật GTĐB năm 2008 tới nay đều quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành, quản lý, nhưng tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT lại do Bộ Công an quản lý. Mặt khác, việc xây dựng và thực thi 2 luật sẽ gây phức tạp và tốn kém.

Tiến sỹ Dương Tất Sinh, Học viện Kỹ thuật Quân sự (Đại học Công nghệ GTVT) nhận định, Luật GTĐB năm 2008 là tập hợp tổng thể các chế tài có liên quan đến GTĐB, quản lý Nhà nước về GTĐB, điều khoản thi hành. Qua thời gian phát triển kinh tế xã hội và để theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ, việc tách thành 2 luật riêng làm mất quan hệ tương hỗ và mất tính thống nhất giữa các nội dung cấu thành lĩnh vực GTĐB.

Qua tìm hiểu, yêu cầu quản lý về trật tự ATGT không chỉ được quy định trong Luật Trật tự ATGT đường bộ, mà còn cần được quy định trong xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông. Nếu tách Luật GTĐB hiện hành thành 2 luật, dư luận xã hội đề nghị cần có rà soát kỹ dự thảo của cả 2 luật để có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong luật và không phát sinh chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình áp dụng.

Về vấn đề này, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nêu nhiều lý do cần tách các nội dung về ATGT khỏi Luật GTĐB hiện hành. Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ xoay quanh mục tiêu đảm bảo cho người tham gia giao thông được an toàn, chuyên sâu hóa các yếu tố ATGT như người, phương tiện và quy tắc giao thông, giải quyết các bất cập thực tế về an toàn, an ninh trật tự trên đường.

Do đó, việc tách luật riêng để giao cụ thể cơ quan nào chịu trách nhiệm khi xảy ra mất ATGT. TNGT xảy ra do người thì cơ quan cấp bằng lái chịu trách nhiệm, còn do đường, biển báo thì cơ quan quản lý hạ tầng chịu trách nhiệm...

Dưới góc độ địa phương, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng kiến nghị, khi chưa chứng minh được hiệu quả việc tách luật, nên giữ nguyên như cũ và sửa đổi, bổ sung một số điều phù hợp với thực tế. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, hiệp hội vận tải ô tô địa phương cũng đồng tình không tách luật...

Trước thực tế trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến các địa phương, cơ quan soạn thảo luật của Bộ Công an và Bộ GTVT để tổng hợp báo cáo, trình Chính phủ xem xét 2 dự thảo Luật trước ngày 20/2.

Vân Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/sua-doi-luat-giao-thong-duong-bo-sat-phu-hop-voi-thuc-te-doi-song-20220215104815185.htm