Sửa đổi Luật Quốc tịch: Ý nghĩa bước ngoặt về pháp lý và công tác người Việt Nam ở nước ngoài
Những chính sách mới về quốc tịch sẽ thu hút đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, tăng cường mối liên hệ gắn bó giữa kiều bào với đất nước.
Ngày 1/7/2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam chính thức có hiệu lực.
Cũng như ở các nước khác trên thế giới, quốc tịch Việt Nam là quy chế pháp lý căn bản thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa công dân với Nhà nước Việt Nam, từ đó làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước cũng như quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân.

Đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu phụ sản phẩm và phát triển các kênh hàng Việt Nam ở nước ngoài". (Ảnh: Chu Văn)
Sợi dây liên kết là quốc tịch
Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) hết sức quan tâm và mong đợi các chính sách mới về quốc tịch được đưa ra tại lần sửa đổi Luật này.
Cộng đồng NVNONN hiện có khoảng 6 triệu người, sinh sống tại khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều bà con có quốc tịch nước ngoài, trong đó nhiều người có hai quốc tịch do cư trú tại các nước theo chế độ đa quốc tịch.
Theo số liệu được công bố, tính đến tháng 3/2025 có 229.336 người đã được cho thôi quốc tịch Việt Nam, đa phần là để nhập quốc tịch nước ngoài. Số người được cho trở lại quốc tịch Việt Nam chỉ là 311 trường hợp, trong đó chỉ có 20 trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.
Đối với thủ tục nhập quốc tịch, tổng cộng chỉ có 60 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời được giữ quốc tịch nước ngoài. Có thể thấy, số người được giải quyết trở lại quốc tịch, nhập quốc tịch Việt Nam mà được giữ quốc tịch nước ngoài rất ít.
Ngày 19/1, trong buổi làm việc với cộng đồng người Việt Nam tại Czech, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu: "Thời gian trước đây khi xây dựng Luật Quốc tịch thì chúng ta ở trong một điều kiện, hoàn cảnh khác. Bây giờ tình hình nước ta, tình hình các nước cũng có sự thay đổi. Chính phủ sẽ nỗ lực, tổng kết, sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch để giải quyết những vướng mắc của cộng đồng về quốc tịch".
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 31/3, Thủ tướng, Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi Luật Quốc tịch theo tinh thần tạo thuận lợi một cách tổng thể, trong đó chú trọng NVNONN thế hệ thứ hai, thứ ba, những người có dòng máu, huyết thống Việt Nam.
Chỉ trong vòng ba tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2025, Chính phủ mà cơ quan chủ trì là Bộ Tư pháp đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các chính sách mới về quốc tịch, đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật. Quốc hội đã xem xét, chính thức thông qua Luật vào ngày 24/6/2025.
Ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 191/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.
Theo Luật và Nghị định này, nhiều chính sách, thủ tục về quốc tịch đã được điều chỉnh rất mạnh mẽ. Trước hết, Luật mở rộng các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Điều 23 Luật Quốc tịch năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) chỉ cho phép trở lại quốc tịch Việt Nam trong một số trường hợp nhất định, trong khi đó, Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2025 cho phép tất cả các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam đều có thể nộp hồ sơ xin trở lại quốc tịch.
Các điều kiện, thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam được “nới lỏng”. Theo đó, người gốc Việt, người có thân nhân là công dân Việt Nam khi xin nhập quốc tịch có thể được miễn giảm những điều kiện như: Phải có thẻ thường trú ở Việt Nam, thời gian thường trú ở Việt Nam đủ 5 năm trở lên và một số điều kiện khác.
Ví dụ, một cầu thủ bóng đá gốc Việt, có tiềm năng cống hiến cho đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam sẽ không phải về nước thường trú mà có thể vẫn sinh sống, tập luyện, thi đấu trong môi trường cạnh tranh cao ở nước ngoài, đồng thời nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch tại cơ quan đại diện Việt Nam nơi người đó cư trú.
Điều chỉnh đặc biệt quan trọng của Luật là cho phép các trường hợp xin nhập quốc tịch hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam được giữ quốc tịch nước ngoài, với điều kiện việc người đó giữ quốc tịch nước ngoài là phù hợp với pháp luật nước đó và không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác và Nhà nước Việt Nam.
Những chính sách trên được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho bà con người gốc Việt, người có thân nhân là công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, làm việc, định cư ở nước ngoài, trong số đó nhiều người có nguyện vọng được mang quốc tịch Việt Nam nhưng còn ngần ngại vì theo Luật cũ, họ phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài.
Ngoài ra, người được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và trẻ em có đồng thời hai quốc tịch có thể lấy tên ghép giữa tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2025 cũng đề ra các giải pháp nhằm cải tiến công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, quy định rõ hơn việc xác định quốc tịch cho trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài, cùng một số điều chỉnh khác nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục, thực hiện giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử.
Với những sửa đổi nêu trên, các văn bản pháp luật về quốc tịch vừa được ban hành thực sự có ý nghĩa bước ngoặt. Trong đó đặc biệt chú trọng tạo thuận lợi một cách tổng thể việc nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam cho NVNONN, những người có dòng máu, huyết thống Việt Nam, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, coi cộng đồng NVNONN là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị.
Những chính sách mới về quốc tịch sẽ thu hút đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương thông qua sợi dây liên kết là quốc tịch, tăng cường mối liên hệ gắn bó giữa kiều bào với đất nước.
Bên cạnh đó, những chính sách nói trên cũng nhằm thu hút những người có tài năng, trí tuệ hoặc có lợi cho đất nước, bao gồm người gốc Việt và người nước ngoài để góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ khi đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Bên cạnh những sửa đổi mang tính “nới lỏng” nêu trên, Luật cũng bổ sung một số quy định đảm bảo công tác quản lý nhà nước như: tất cả các hồ sơ xin nhập tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam đều cần qua thủ tục xác minh nhân thân, giới hạn một số chức vụ, chức danh, vị trí việc làm không cho phép người mang hai quốc tịch được đảm nhiệm.
Đảm bảo “gần dân, sát dân” hơn
Để chuẩn bị cho quá trình xây dựng Luật sửa đổi Luật Quốc tịch, từ nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đóng vai trò là cầu nối lắng nghe, tổng hợp những nguyện vọng, vướng mắc về quốc tịch của người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi quy định cho phù hợp.

Các kiều bào trẻ về nước tham dự chương trình Trại hè Việt Nam 2025. (Ảnh: Thành Long)
Thời gian tới, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ xin nhập quốc tịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con NVNONN và đảm bảo tính “gần dân, sát dân” của cơ quan nhà nước.
Trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về quốc tịch, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến, nguyện vọng của bà con cũng như theo dõi, cập nhật thường xuyên pháp luật nước ngoài về quốc tịch để kiến nghị các chính sách quốc tịch phù hợp với tình hình thực tiễn.
Như hồ sơ thuyết minh dự thảo Luật đã nêu, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự hội nhập quốc tế trong mọi lĩnh vực của đời sống con người đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng, nhiều quốc gia trên thế giới đang có xu hướng cởi mở và linh hoạt hơn trong chính sách quốc tịch. Pháp luật về quốc tịch Việt Nam có lẽ cũng không đứng yên trong xu thế đó.