Sửa đổi Luật Thanh tra, kỳ vọng khắc phục chồng chéo giữa các loại hình thanh tra
Sáng 30/3, tại Nhà Quốc hội, Viện nghiên cứu Lập pháp phối hợp với thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật thanh tra (sửa đổi). Các ý kiến cho rằng việc đổi mới hoạt động thanh tra phải bảo đảm tính khả thi, thuận lợi, hiệu quả, dễ thực hiện, phù hợp với yêu cầu của hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành.
Tán thành với những sửa đổi của Luật Thanh tra nhằm đổi mới hoạt động thanh tra, khắc phục những hạn chế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định về hoạt động thanh tra được điều chỉnh tại các văn bản pháp luật có liên quan, phù hợp với tính chất, đặc điểm của các loại hình thanh tra, tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Kim, nguyên Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng việc đổi mới hoạt động thanh tra phải bảo đảm tính khả thi, thuận lợi, hiệu quả, dễ thực hiện, phù hợp với yêu cầu của hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Trong đó, phân biệt rạch ròi hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành với việc xác định rõ mục tiêu, yêu cầu đổi mới, cải cách với thanh tra chuyên ngành.
TS. NGUYỄN VĂN KIM, Nguyên Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: “Tôi cho rằng hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành có những đặc điểm khác nhau nếu cuộc thanh lớn thì có nét giống nhau, nhưng mà cuộc nhỏ lẻ thì khác nhau cơ bản. Vì vậy phải thống nhất nhận thức là có sự khác nhau để thiết kế quy trình khác nhau. Thanh tra hành chính phải nề nếp, chính quy, bài bản nhưng thanh tra chuyên ngành phải đa dạng, linh hoạt, nhanh nhạy kịp thời, phù hợp với tính chất đặc điểm.”
Lý giải về việc có hay không sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra của các cơ quan nhà nước, Phó Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Văn Thanh cho rằng hoạt động thanh tra của Thanh tra chính phủ, thanh tra các bộ ngành về cơ bản là không chồng chéo, bởi khi xây dựng kế hoạch các bộ ngành đều có trao đổi, rà soát, thanh tra chính phủ cũng chủ trì các cuộc làm việc với thanh tra các Bộ ngành. Tuy nhiên, đại diện thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận thực tế hoạt động thanh tra và kiểm toán trùng lặp về nội dung và đối tượng.
Ông ĐÀO VĂN THANH, Phó Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Kiểm toán nhà nước ban hành kế hoạch thì kế hoạch thì thậm chí chưa có đối tượng chi tiết thì thành ra thì chúng tôi không biết là có trùng vào đối tượng của chúng tôi hay không, cho nên rất khó. Thậm chí cơ quan nào vào trước thì làm, nhưng về cơ bản là thanh tra lùi.”
Về mô hình tổ chức thanh tra hành chính và thanh tra cấp huyện, một số ý kiến cho rằng, vẫn cần thiết giữ thanh tra cấp huyện và thanh tra chuyên ngành như thanh tra xây dựng, giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm trong bối cảnh tình hình hiện nay và đưa Ban thanh tra nhân dân ra khỏi Luật Thanh tra sửa đổi lần này.
Thực hiện : Thùy Linh Ninh Tùng