Sửa đổi quy định về room ngoại: Phù hợp với chủ trương thu hút vốn nước ngoài
Dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán không còn quy định cho phép công ty đại chúng được quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài của doanh nghiệp.
Quy định này nhằm đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp phù hợp với quy định về sở hữu nước ngoài tại các điều ước quốc tế, pháp luật chuyên ngành và chủ trương thu hút dòng vốn nước ngoài của Chính phủ. Đây là chia sẻ của bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.
PV: Tại dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán 2019, quy định về sở hữu nước ngoài (SHNN) đã có sửa đổi, bổ sung mới đang nhận được sự quan tâm lớn của thị trường chứng khoán (TTCK). Bà có thể cho biết cụ thể hơn về điểm mới trong quy định SHNN tại dự thảo?
Bà Tạ Thanh Bình: Quy định về SHNN tại dự thảo nghị định đã kế thừa các quy định hiện tại của Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán 2010, đồng thời cập nhật những nội dung mới tại Luật Đầu tư 2020.
Theo đó, tỷ lệ SHNN được tính trên vốn điều lệ nhằm thống nhất với Luật Đầu tư, pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế. Dự thảo nghị định quy định, các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK được xác định căn cứ vào tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong ít nhất 180 ngày trong vòng 1 năm dương lịch.
Bà Tạ Thanh Bình
Cũng tại dự thảo, đối với các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài mà điều ước quốc tế, pháp luật chuyên ngành, pháp luật đầu tư có quy định cụ thể về SHNN thì áp dụng theo điều ước quốc tế, pháp luật đó. Trường hợp ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài mà không quy định về SHNN, thì tỷ lệ SHNN tối đa là 49%. Ngoài các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư ngước ngoài, tỷ lệ SHNN là không hạn chế.
PV: Vậy, đâu là lý do mà ban soạn thảo lại có sự đổi mới như vậy, thưa bà?
Bà Tạ Thanh Bình: Trước đây Nghị định 60 có điều khoản quy định về tỷ lệ SHNN đối với công ty đại chúng.
Quy định về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã đảm bảo nguyên tắc xác định tỷ lệ SHNN theo cam kết quốc tế và pháp luật chuyên ngành. Đồng thời, Nghị định 60 cho phép công ty đại chúng quyết định tỷ lệ SHNN thấp hơn mức quy định tại điều ước quốc tế hoặc pháp luật chuyên ngành và phải được cụ thể hóa tại điều lệ công ty. Quan điểm trên xuất phát từ thực tiễn là có rất nhiều luật chuyên ngành không có quy định cụ thể về tỷ lệ SHNN, do đó việc trao quyền cho doanh nghiệp tự quyết tỷ lệ SHNN để đảm bảo nguyên tắc cẩn trọng trong lộ trình mở đối với từng lĩnh vực ngành, nghề đặc thù liên quan đến an ninh an toàn quốc gia.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 60, một số công ty đại chúng đã thực hiện thông báo tỷ lệ SHNN thấp hơn mức quy định (thậm chí có trường hợp nghị quyết đại hội cổ đông đã thống nhất giảm tỷ lệ SHNN về mức 0%). Điều này ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, làm giảm tính minh bạch của thị trường, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, đã và đang có ý định đầu tư vào TTCK Việt Nam, cản trở tiến trình nâng hạng của thị trường.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc trên, tại dự thảo nghị định lần này không còn quy định cho phép công ty đại chúng được quyết định tỷ lệ SHNN của doanh nghiệp. Quy định này nhằm đảm bảo tỷ lệ SHNN tại doanh nghiệp phù hợp với quy định về SHNN tại các điều ước quốc tế, pháp luật chuyên ngành và chủ trương thu hút dòng vốn nước ngoài của Chính phủ.
PV: Mặc dù có nhiều tiến triển, tuy nhiên việc mở room ngoại hướng tới nâng hạng của TTCK Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng, dù pháp luật chứng khoán đã mở hơn và cơ quan quản lý rất nỗ lực quan tâm. Theo bà, với quy định lần này, liệu chúng ta sẽ tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng thị trường hay không?
Bà Tạ Thanh Bình: Theo đánh giá định tính của các tổ chức xếp hạng thì TTCK Việt Nam hiện còn một số điểm hạn chế, cần cải thiện, trong đó có nội dung về giới hạn sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mức độ mở cửa thị trường phụ thuộc vào đặc điểm chính trị - kinh tế, trình độ và định hướng phát triển của từng quốc gia.
Bên cạnh đó, việc nới lỏng khả năng tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài cần có lộ trình cụ thể và phù hợp với lộ trình phát triển kinh tế của quốc gia. Ở các quốc gia khác (kể cả các quốc gia phát triển) thì các ngành chiến lược và ngành ảnh hưởng tới an ninh quốc gia vẫn chịu hạn chế về tỷ lệ sở hữu. Vì vậy, cần xem xét đến các yếu tố khác để thu hút thêm dòng vốn nước ngoài mà không nên đặt trọng tâm vào việc mở cửa thị trường.
Dự thảo nghị định lần này vẫn tiếp tục kế thừa các quy định tại Nghị định 60 về nguyên tắc xác định tỷ lệ SHNN tại công ty đại chúng theo cam kết quốc tế và pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, điểm mới là việc bỏ quy định cho phép đại hội cổ đông quy định tỷ lệ SHNN như trước đây. Quy định này được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao vì đảm bảo được quyền của các cổ đông nước ngoài; đồng thời tăng tính minh bạch của thông tin về tỷ lệ SHNN của công ty đại chúng, giúp các nhà đầu tư nước ngoài chủ động chiến lược đầu tư, do đó ảnh hưởng tích cực đến tiến trình nâng hạng TTCK.
PV: Xin cảm ơn bà!
* Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam:
Nên tiệm cận hơn với sân chơi quốc tế để hút vốn ngoại
Ông Đỗ Bảo Ngọc
Tôi cho rằng, đối với công tác xây dựng khung pháp lý, đặc biệt là với TTCK, việc tạo ra được các quy định pháp lý hướng tới sự công bằng giữa các đối tượng khác nhau trên thị trường là rất quan trọng. Cá nhân tôi đồng thuận với việc bỏ quy định “đại hội cổ đông được quyết định tỷ lệ SHNN” tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực phải giới hạn room ngoại theo pháp luật chuyên ngành, hay điều ước quốc tế đã ký kết. Để có một sân chơi công bằng, chuyên nghiệp, tiệm cận tới thông lệ quốc tế, thì chúng ta nên hạn chế “tự chơi một mình”. Thực tế cũng đã cho thấy không ít hệ lụy về tính minh bạch tại doanh nghiệp khi chúng ta để cho doanh nghiệp tự quyết room ngoại. Nếu chúng ta không nghĩ cho chặng đường dài, thì việc thu hút vốn ngoại hay nâng hạng thị trường sẽ gặp cản trở.
* Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT:
Nới room ngoại là cần thiết
Ông Đinh Quang Hinh
Tôi cho rằng việc nới room ngoại là việc làm cần thiết, không chỉ giúp gỡ nút thắt trong quá trình nâng hạng thị trường mà còn giúp thị trường Việt Nam tiến sát hơn đến các chuẩn mực của quốc tế, từ đó thu hút thêm dòng vốn ngoại đổ vào thị trường. Tất nhiên, trong quá trình nới room ngoại, chúng ta cần xem xét đến tác động đối với các ngành nhạy cảm, có ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia, an toàn tài chính và an sinh xã hội để có những điều chỉnh cho phù hợp. Những ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể không được mở ngay lập tức mà cần có lộ trình dần dần, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Theo tôi, cách làm của chúng ta hiện nay là tương đối phù hợp và sẽ hạn chế bớt những tác động tiêu cực đối với những lĩnh vực nhạy cảm.