Sửa đổi quy định về trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân: Cần nghiên cứu thêm
Chiều 19.1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về quy định về việc thực hiện trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân (HTND).
Thể hiện rõ vai trò của cơ chế nhân dân tham gia hoạt động xét xử
Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 ngày 13.6.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân; giấy chứng minh Thẩm phán, giấy chứng minh Hội thẩm do Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Trí Tuệ trình bày cho biết, việc sửa đổi nhằm thể hiện rõ hơn vị trí, vai trò của cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án của Tòa án; đề cao sự tôn vinh của xã hội đối với Hội thẩm tham gia công tác xét xử; nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thẩm trong việc tham gia xét xử tại Tòa án.
Dự thảo Nghị quyết có 2 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, giấy chứng minh Thẩm phán, giấy chứng minh Hội thẩm. Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết có phạm vi sửa đổi bổ sung 4 điều của Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 gồm các Điều 2, 4, 5 và 10. Nội dung sửa đổi, bổ sung là sửa đổi thay thế trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân từ comple thành áo choàng và bổ sung phù hiệu Hội thẩm nhân dân.
Theo Phó Chánh án TANDTC, về cơ bản, các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn sử dụng nguồn nhân lực hiện hành để tổ chức triển khai Nghị quyết mà không phát sinh nhân lực, hay phải tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nguồn lực.
Cân nhắc cấp trang phục xét xử là áo choàng cho hội thẩm nhân dân
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày. Theo đó, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp thống nhất đề nghị của Chánh án TANDTC về việc cấp trang phục xét xử là áo choàng cho HTND để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về trang phục trong Hội đồng xét xử. Qua đó, góp phần làm tăng tính tôn nghiêm của phiên tòa; tôn vinh, nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm của HTND trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì Thẩm phán là cán bộ, công chức Tòa án, được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ chính là xét xử các loại vụ án; còn HTND được Hội đồng Nhân dân bầu ra để tham gia xét xử các vụ án theo quy định của pháp luật. HTND đại diện nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án, nên trang phục của HTND phải phù hợp và gần gũi với nhân dân, mang “tính nhân dân”.
Về trang phục làm việc và niên hạn sử dụng trang phục của HTND (các Khoản 1,2, Điều 1 dự thảo Nghị quyết), Ủy ban Tư pháp thống nhất dự thảo Nghị quyết quy định về trang phục làm việc của HTND gồm quần âu, áo sơ mi dài tay. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất của Chánh án TANDTC về niên hạn sử dụng trang phục xét xử của HTND là 5 năm. Đối với trang phục làm việc, dự thảo Nghị quyết mới chỉ sửa Điểm a, Khoản 2, Điều 4 Nghị quyết số 1214, chưa sửa Điểm b, Khoản 2, Điều 4 Nghị quyết số 1214 để quy định niên hạn sử dụng trang phục làm việc của HTND. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị sửa Điểm b, Khoản 2, Điều 4 Nghị quyết số 1214, thay thế “trang phục xuân - hè” thành “trang phục làm việc” để bảo đảm thống nhất.
Về phù hiệu HTND (Khoản 3, Điều 1 dự thảo Nghị quyết), Ủy ban Tư pháp nhất trí với đề nghị của TANDTC về bổ sung phù hiệu cho HTND. Tuy nhiên, về kích thước và biểu tượng in trên phù hiệu HTND, Ủy ban Tư pháp thấy rằng: hiện nay, biểu tượng Tòa án in trên phù hiệu của Thẩm phán, trong khi theo dự thảo Nghị quyết thì biểu tượng Quốc huy lại được in trên phù hiệu của HTND. Do đó, cần cân nhắc kỹ việc lựa chọn biểu tượng in trên phù hiệu của HTND. Bên cạnh đó, đề nghị TANDTC lựa chọn kích thước phù hiệu của Thẩm phán và HTND cho phù hợp.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc TANDTC trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết là đúng với thẩm quyền. Tuy nhiên, qua xem xét cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tiếp tục nghiên cứu, có thể tổng kết thêm thực tiễn để trình lại dự thảo Nghị quyết này.
Cũng trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong và biên chế của Văn phòng Quốc hội.