Sửa đổi Thông tư 01 để hỗ trợ vốn 'an toàn' hơn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Văn bản số 3339/NHNN-CQTTGS ngày 8/5/2020 hướng dẫn chi tiết hơn đối với việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tuy nhiên, vẫn còn những lấn cấn…
Những kiến nghị sửa đổi Thông tư 01
Số liệu thống kê được Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2020 về kết quả thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khá ấn tượng.
Theo đó, tính đến 8/5/2020, toàn ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt khoảng 630.000 tỷ đồng cho khoảng 182.000 khách hàng; lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước dịch; miễn, giảm phí thanh toán khoảng 1.004 tỷ đồng.
Thừa nhận sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng đã giúp doanh nghiệp đi qua giai đoạn khó khăn vừa qua, nhưng ông Bùi Xuân Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Xây dựng Long Quân (Vĩnh Phúc) bày tỏ: “Công ty đã làm đơn đến VietinBank và VDB và được hỗ trợ lãi suất với mức 0,5%/năm và thời hạn hết tháng 6. Tuy nhiên, Công ty mong muốn các ngân hàng xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ doanh nghiệp hết năm nay”.
Ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang cho biết, việc giảm lãi suất cho vay và gia hạn nợ của ngân hàng trên địa bàn thời gian qua còn chậm do các chi nhánh ngân hàng thương mại phải xin ý kiến Hội sở. Để chính sách giảm lãi và gia hạn nợ được triển khai kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, ông Việt đề xuất NHNN cần hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc phân loại doanh nghiệp, khoản vay, ngành nghề đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng thương mại triển khai đối với từng đối tượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Còn ông Trần Hữu Đại, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã và doanh nghiệp TP. Hải Phòng đề xuất: “Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đề nghị cấp có thẩm quyền nên xem xét đến đặc thù từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cho phép kéo dài thời hạn để các đơn vị có điều kiện để tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế”.
Cùng chung băn khoăn của doanh nghiệp, ông Hồ Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giao dịch Vietcombank cho biết, việc triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn đang gặp phải một số khó khăn vướng mắc về chính sách.
“Đề nghị NHNN bổ sung thêm việc đánh giá dòng tiền khó khăn, suy giảm cũng được cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN. Bên cạnh đó, đề nghị NHNN cho phép được cơ cấu nợ đối với các khoản vay sau ngày 23/1 nhưng đến hạn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19”, ông Tuấn nói.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nêu quan điểm: “NHNN nên cho phép các tổ chức tín dụng chủ động xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với toàn bộ khoản vay vì hiện tại chưa rõ khi nào sẽ thực sự chấm dứt dịch”.
Thời hạn cơ cấu nợ mới dự kiến là 31/12/2020
Trên thực tế, Thống đốc NHNN cho biết, theo kiến nghị của tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, NHNN đã có Văn bản 3339/NHNN-CQTTGS ngày 8/5/2020 hướng dẫn chi tiết hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng: các khoản vay bằng ngoại tệ và VNĐ, áp dụng cho tất cả các khoản nợ không phân biệt nhóm nợ, không phân biệt loại hình kinh tế (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình), ngành nghề; thời hạn ngắn, trung và dài hạn để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng thực hiện.
“Kể cả thời gian cơ cấu lại nợ, NHNN cũng sẽ xem xét chủ trương kéo dài hơn thời gian cơ cấu lại nợ nếu cần thiết”, Thống đốc nói.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, cơ quan này đang tiến hành nghiên cứu sửa đổi một số nội dung của Thông tư 01. Trong đó, sửa đổi lần này đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và ngân hàng khi cho phép cơ cấu lại các khoản nợ sau 23/1 và điểm đáng chú ý, thời hạn cơ cấu được ấn định cụ thể, dự kiến là 31/12/2020.
“Đây là điểm sửa đổi mới so với Thông tư 01 quy định các tổ chức tín dụng quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19”, vị lãnh đạo NHNN nói.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc cho phép các ngân hàng thương mại chủ động xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với toàn bộ khoản vay trong thời gian diễn ra dịch bệnh để tránh phải cơ cấu lại nhiều lần, tăng thủ tục hành chính, vị lãnh đạo NHNN nêu quan điểm: “Do đại dịch Covid-19 là không có tiền lệ nên việc sửa đổi Thông tư cho phù hợp với tình hình thực tế là việc bình thường. Trước đây lấy mốc 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 nên không xác định thời gian, còn hiện tại đã ấn định cụ thể đến cuối tháng 12 sẽ xem xét sửa đổi tiếp nếu cần thiết”.
Vị lãnh đạo NHNN cho biết thêm, thực tế NHNN đã dự định sửa Thông tư 01 từ ngày 31/3/2020, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Bởi bối cảnh đã có những thay đổi như trước Chỉ thị 16 không ai nghĩ cả thế giới sẽ đóng cửa hay tại Việt Nam, trước trường hợp bệnh nhân số 17 không ai nghĩ đến việc giãn cách xã hội.
“Thông tư 01 được nghiên cứu triển khai, ban hành trong bối cảnh lạc quan hơn thực tế trên cơ sở là kịch bản hai của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với giả định dịch bệnh sẽ kéo dài ít nhất hai tháng (kể từ khi tuyên bố phong tỏa Italy ngày 9/3) nghĩa là sẽ kéo dài đến tháng 5 - 6 và chậm nhất tháng 7 tuyên bố hết dịch”, vị lãnh đạo NHNN nói.
Cũng theo vị lãnh đạo NHNN, cơ quan này sẽ ban hành sửa đổi Thông tư 01 trong thời gian sớm nhất có thể.