Sửa đổi Thuế TNCN: Luật phải theo sát với biến động thực tế đời sống
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cần phải đề cập và tính toán luôn các khoản giảm trừ làm cơ sở tính khoản thu nhập chịu thuế của người lao động; chính sách phải bao quát và linh hoạt trong từng thời điểm thay đổi của nền kinh tế.
Đây là chia sẻ của Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) luật sư Nguyễn Văn Tuấn với Báo Kinh tế & Đô thị.
Phải sửa đổi càng nhanh càng tốt
Hiện mức giảm trừ gia cảnh trong cách tính thuế TNCN không còn phù hợp với sự biến động của mặt bằng giá, gây khó cho những người làm công ăn lương. Trong khi dự kiến năm 2026 mới sửa luật Thuế TNCN liệu có quá muộn không thưa ông?
- Qua kết quả nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế TNCN (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026). Cụ thể, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 của Chính phủ.
Như vậy đồng nghĩa với việc người dân phải chờ đợi sự điều chỉnh tỷ lệ nộp thuế TNCN, tỷ lệ giảm trừ gia cảnh thêm gần 4 năm nữa. Trong khi hiện tại cách tính thuế TNCN không còn phù hợp với sự biến động của mặt bằng giá cả hàng hóa tăng cao, đời sống cua nhiều người làm công ăn lương khá chật vật. Từ đó tạo ra sự thiếu công bằng, làm giảm động lực phấn đấu của lớp lao động làm công ăn lương thuộc đối tượng phải nộp thuế. Vì vậy, nếu phải chờ đến 2026 mới sửa luật là quá muộn và thiếu hợp lý.
Khi chính sách đã ban hành ra không phù hợp với thực tiễn bắt buộc phải sửa đổi và sửa đổi càng nhanh càng tốt. Nhà nước cần nhanh chóng nghe theo nguyện vọng chính đáng hợp lý của người dân đẩy nhanh quá trình điều chỉnh chính sách thuế TNCN. Trong quy định mới của luật nên cho phép Chính phủ được điều chỉnh mức chịu Thuế TNCN khi CPI tăng ở một mức nào đó. Từ đó giúp luật theo sát với biến động thực tế cuộc sống, vì nếu chờ Quốc hội sửa luật sẽ rất lâu.
Trong Dự thảo chưa đề cập đến việc phải tăng mức giảm trừ gia cảnh ngay mà chỉ khi thực tế thay đổi mới cân nhắc. Ý kiến của ông thế nào?
- Việc các chính sách thuế nói chung, thuế TNCN nói riêng đều cần phải có tính linh hoạt, tính hướng trước khi áp dụng trong thực tế. Và việc “chỉ khi thực tế thay đổi mới cân nhắc” đến việc điều chỉnh các quy phạm theo kịp xu hướng là mang tính chủ quan, không có tầm nhìn xa trong quá trình làm luật.
Thực tế cho thấy, quy định mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế hiện hành là 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng được cho là không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khi họ vừa nuôi con ăn học, vừa thuê nhà, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày từ ăn uống, tiền điện, tiền nước, các khoản chi phí phụng dưỡng cha mẹ khi hết tuổi lao động, khám chữa bệnh, thuốc men khi ốm đau, bệnh tật… Thêm nữa, 2 năm vừa qua, trong khi tình hình dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người dân giảm sút, rất nhiều người lao động bị ảnh hưởng, việc duy trì mức thuế TNCN hiện tại đã và đang trở thành gánh nặng với người nộp thuế.
Không chỉ có vậy, trong 10 năm tính từ khi áp dụng Luật Thuế TNCN (sửa đổi năm 2012), lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng, từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020. Chính vì vậy, khi thay đổi thuế TNCN, cần phải đề cập và tính toán luôn các khoản giảm trừ làm cơ sở tính khoản thu nhập chịu thuế của người lao động.
Chính sách phải bao quát, linh hoạt
Để chính sách thuế TNCN phù hợp với thực tế phát triển, việc sửa luật làm sao để không sớm lạc hậu, thưa ông?
- Theo Luật thuế TNCN hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%. Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương tiền công là chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm. Điều này làm số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.
Vì thế, dự thảo chương trình xây dựng luật lần này đề cập phương án nghiên cứu cắt giảm số bậc thuế từ 7 xuống 5. Bên cạnh đó, cơ quan thuế có thể xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn với những người có thu nhập cao. Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế. Dự thảo cũng đề cập việc xem xét điều chỉnh độ giãn cách giữa các bậc thuế phù hợp hơn với mức sống dân cư, đồng thời khuyến khích nỗ lực lao động, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong việc thu hút những chuyên gia, lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.
Theo thông lệ quốc tế, quy định này được thực hiện ra sao thưa ông? Làm sao để vừa thu đúng, thu đủ thuế mà vẫn khoan sức dân?
- Trên thế giới pháp luật về thuế TNCN ở các nước có nền kinh tế phát triển như Đức, Mỹ, Thụy Sĩ… cho phép người nộp thuế được khấu trừ thuế từ các chi phí phát sinh theo định mức để tồn tại và phát triển bản thân, bao gồm: Chi phí ăn, ở, học hành, chữa bệnh, đào tạo nâng cao kiến thức… Bởi đây được xem là thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng về thuế.
Việc nộp thuế TNCN cũng được điều chỉnh cách tính thuế TNCN theo lạm phát cũng diễn ra khá phổ biến ở các nước phát triển. Điển hình như ở Mỹ, tháng 11/2021, Sở Thuế của nước này (IRS) công bố hơn 60 thay đổi với khung thuế liên bang cho năm 2022. Theo đó, các ngưỡng thu nhập trong bậc thuế được nâng lên 3% so với năm trước đó để phản ánh lạm phát tháng 10/2021 (6,2%) cao nhất hơn 30 năm.
Để theo kịp xu thế chung của thế giới, đảm bảo thu đúng, thu đủ các khoản thuế cần thu mà vẫn khoan sức dân thì các chính sách về thuế phải bao quát được các yếu tố như điều kiện sống theo vùng miền; yếu tố kinh tế phát triển theo từng giai đoạn… đảm bảo thu thuế đúng đối tượng, không bỏ lọt và linh hoạt trong từng thời điểm thay đổi của nền kinh tế.