Sửa đổi toàn diện dự án Luật Cư trú để đáp ứng yêu cầu quản lý dân cư

Sáng 17-4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Thường trực Ủy ban Pháp luật hẩm tra sơ bộ dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Thường trực Ủy ban Pháp luật hẩm tra sơ bộ dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú

Dự họp có Thứ trưởng Công an, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng các Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại phiên họp, Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Tự do cư trú là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp của Nhà nước ta và được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú với những quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục đăng ký cư trú; qua đó, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công dân được thực hiện quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú.

Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc.

Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc.

Luật Cư trú năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 được ban hành đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, góp phần từng bước hoàn thiện quy định của pháp luật về cư trú, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc sửa đổi Luật Cư trú nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Đồng thời, thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư; bảo đảm tốt hơn nữa tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú.

Việc sửa đổi Luật cũng nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã thể chế hóa hai nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại đề nghị xây dựng vào dự thảo Luật.

Thứ nhất, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, Số tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cở sở dữ liệu về cư trú. Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân.

Thứ hai, quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Tại phiên họp thẩm tra, các đại biểu đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú, ủng hộ các chính sách lớn của dự án Luật nhất là việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cở sở dữ liệu về cư trú

Hướng đến phương thức quản lý cư trú hiện đại

Các đại biểu cho rằng, phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý công dân chặt chẽ, thực chất, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư ở nước ta hiện nay. Đây là phương thức quản lý cư trú hiện đại dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế phát triển được một số quốc gia trên thế giới áp dụng.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của quy định bởi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện và đã chậm về tiến độ so với yêu cầu của Luật Căn cước công dân. Tờ trình của Chính phủ cũng đã nêu, đến nay mới có 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân.

Có cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng, việc triển khai thi hành Luật phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo kế hoạch là năm 2021) cũng như việc cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân Việt Nam. Mặt khác, hồ sơ dự án Luật gửi chậm so với quy định, việc đánh giá tác động các chính sách và tổng kết thực tiễn chưa đầy đủ nhất là đánh giá các nội dung đề xuất sửa đổi.

Đặt câu hỏi có nhất thiết phải trình ngay dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9 để Quốc hội cho ý kiến hay không, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền đề nghị cân nhắc thời điểm trình dự án Luật này, có thể lùi thời gian trình sang Kỳ họp thứ 10 để bảo đảm xem xét kỹ lưỡng các nội dung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay việc tham vấn, lấy ý kiến, khảo sát thực tiễn bị hạn chế nên khó có thể đánh giá được một cách đầy đủ, Kỳ họp thứ 9 tới Quốc hội không họp tập trung được nhiều thời gian.

Qua thảo luận, một số ý kiến cho rằng đây là dự án Luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến quyền tự do cư trú của công dân đồng thời ảnh hưởng nhiều quyền khác như học tập, lao động, khám chữa bệnh… do đó cần sớm được ban hành như Tờ trình của Chính phủ.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến vào nhiều nội dung cụ thể của dự án Luật như việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đăng ký, quản lý cư trú; bày tỏ ủng hộ việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; đề nghị rà soát, cân nhắc các trường hợp xóa đăng ký thường trú…

Cùng với đó, các đại biểu lưu ý nội dung của dự thảo Luật cũng liên quan tới quy định tại nhiều luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Thủ đô, Luật Xây dựng, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Hộ tịch,... do đó đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất.

Đối với quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong các văn bản dưới luật, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất lộ trình sửa đổi để bảo đảm kịp có hiệu lực đồng thời với Luật Cư trú khi được Quốc hội thông qua.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, đa số các ý kiến đều nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú, kịp thời ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

“Do dự án Luật tác động lớn đến người dân, các cơ quan tổ chức nên cần rà soát đánh giá kỹ các nội dung sửa đổi, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động để khi Luật ban hành đi vào cuộc sống, không làm phát sinh vướng mắc trong việc thực hiện quyền của người dân cũng như việc cung cấp các dịch vụ công”...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định nhất là báo cáo tổng kết, đánh giá tác động, bảo đảm tính thuyết phục của những đề xuất sửa đổi, vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới.

Việc bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi Luật này có hiệu lực (năm 2021) trong khi còn một khối lượng lớn công việc cần phải thực hiện để hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hàng chục triệu công dân cần được cấp số định danh cá nhân là vấn đề cần cân nhắc thận trọng.

(Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung)

VĂN CHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44120102-sua-doi-toan-dien-du-an-luat-cu-tru-de-dap-ung-yeu-cau-quan-ly-dan-cu.html