Sữa giả, thực phẩm chức năng giả nhắm vào người già, trẻ nhỏ

Mới đây, Bộ Công an cho biết Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) tiếp tục phát hiện và điều tra đường dây sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em, trong đó có trẻ sơ sinh...

Cơ quan công an xác định, công ty Herbitech đã gia công, sản xuất hơn 200 sản phẩm thiếu sự kiểm soát về chất lượng.

Cơ quan công an xác định, công ty Herbitech đã gia công, sản xuất hơn 200 sản phẩm thiếu sự kiểm soát về chất lượng.

Đường dây này còn có dấu hiệu sử dụng phiếu kết quả thử nghiệm giả mạo nhằm hợp thức hóa sản phẩm, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đơn vị điều tra cáo buộc, hai thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Herbitech làm giả là Baby Shark và Medi Kid Calcium K2. Các sản phẩm được quảng cáo rầm rộ là "nhập khẩu từ Pháp, Đức, Mỹ", song theo điều tra, chất lượng và giá thành thực tế lại thấp hơn rất nhiều so với cam kết.

Vụ việc xảy ra ngay sau khi đường dây sản xuất sữa giả và sữa kém chất lượng lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây vừa bị công an phát hiện, gây chú ý đặc biệt của dư luận. Đáng chú ý, giá bán các sản phẩm này khi đến tay người tiêu dùng thường cao gấp cả chục lần so với giá thành, còn sự thật về chất lượng loại thực còn đáng sợ hơn.

Baby Shark là sản phẩm bảo vệ sức khỏe được Herbitech sản xuất và quảng cáo là có công dụng bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh bị gầy yếu, đề kháng kém, biếng ăn. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Baby Shark và Medi Kid Calcium K2 cho đến khi có kết luận cuối cùng của Cơ quan Công an.

TS.BS Thái Thiên Nam, Phó Trưởng khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: Việc cha mẹ tự ý cho trẻ sử dụng vitamin D, K2 hay calcium quá liều có thể gây ngộ độc nhưng triệu chứng ngộ độc sẽ không xảy ra ngay mà khoảng một vài tháng hay thậm chí là một vài năm sau. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên tự ý mua các thực phẩm chức năng, các loại vitamin dạng thuốc cho trẻ uống khi chưa có chỉ định hoặc tư vấn của bác sĩ.

Khi cần dùng thuốc cho trẻ phải được bác sĩ kê đơn, không lấy thuốc của người lớn hoặc thuốc của trẻ khác cho trẻ dùng. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần phải nắm rõ công dụng, liều lượng, đối tượng sử dụng của từng loại thuốc, vitamin và dùng đúng theo chỉ định, hướng dẫn của bác sỹ.

Trong quá trình sử dụng, nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ quá liều, tác dụng phụ… cần báo ngay cho bác sĩ điều trị, hoặc đến ngay bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám.

Thực tế, với các sản phẩm như sữa hay thực phẩm bổ sung, hiện người tiêu dùng chỉ biết trông chờ vào khâu hậu kiểm của cơ quan chức năng bởi theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được tự công bố chỉ tiêu chất lượng và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm là thực phẩm.

Tuy nhiên, các sản phẩm dạng này đang lưu hành trên thị trường hiện nay rất khó để kiểm tra được chất lượng, thành phần có đúng như công bố hay không, bởi đang có một khoảng trống rất lớn về hành lang pháp lý trong vấn đề này.

Liên quan đến các vụ việc vừa qua, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: Một số doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ kinh doanh theo quy định pháp luật để che đậy các vi phạm của sản phẩm mà chỉ có thể phát hiện khi đem đi kiểm nghiệm. Tuy nhiên, sản phẩm, hàng hóa chưa có phản ánh hay dấu hiệu vi phạm để có thể thực hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm.

Vừa qua, Bộ Công an đã công bố tên 12 loại sữa bột giả do Rance Pharma, Hacofood sản xuất, 72 loại khác đang được xác minh.

Vừa qua, Bộ Công an đã công bố tên 12 loại sữa bột giả do Rance Pharma, Hacofood sản xuất, 72 loại khác đang được xác minh.

"Các đối tượng này thường gian lận bằng những cách như với tên gọi của sản phẩm là “sữa”, “thuốc” nhưng thực chất tên gọi theo công bố và ghi nhãn sản phẩm là “thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, “thực phẩm bổ sung”, “sản phẩm dinh dưỡng công thức”, “thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt”...

Nhóm đối tượng vi phạm về thuốc giả vừa qua cũng sử dụng thủ đoạn phạm tội mới. Chúng không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở "ảo" ở nước ngoài như Malaysia, Singapore…", ông Trần Hữu Linh cho biết.

Theo đó, sau khi sản xuất, dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu là "hàng xách tay". Để tạo niềm tin, ban đầu chúng trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Để quản lý các mặt hàng liên quan đến sức khỏe như thuốc, sữa, thực phẩm chức năng, Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước đã đề nghị các bộ ngành hiện đang có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chất lượng, tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm cũng như đối với sữa nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp cung cấp, chia sẻ hoặc thông báo thường xuyên thông tin về các doanh nghiệp đã thực hiện công bố các sản phẩm.

Theo ông Trần Hữu Linh, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quản lý Nhà nước và kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chế biến nói chung, thuốc, dược phẩm, sữa nói riêng.

Đồng thời các lực lượng chuyên ngành, bộ, ngành và địa phương cần thiết phải xây dựng ngay cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm nói riêng.

Thời gian gần đây, lực lượng điều tra đã triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn.

Thời gian gần đây, lực lượng điều tra đã triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn.

Bên cạnh đó, ông Trần Hữu Linh khuyến cáo, người tiêu dùng cần chủ động nâng cao ý thức trong việc mua bán, tiêu dùng hàng hóa theo đúng các quy định của pháp luật. Người dân khi mua hàng cần lựa chọn những địa chỉ, nhãn hàng uy tín được nhiều người tiêu dùng tin dùng, bình chọn. Nhất là khi mua hàng online; không mua những sản phẩm, hàng hóa có màu sắc, hình dáng, màu sắc, mùi vị, giá rẻ bất thường...

Sản phẩm, hàng hóa phải có nhãn mác sắc nét, rõ ràng với đầy đủ thông tin về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ. Người tiêu dùng cũng cần chủ động áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Thực hiện kiểm tra nhanh sản phẩm thông qua hotline của nhà sản xuất trên vỏ hộp hàng hóa, thông tin trên website của doanh nghiệp, số điện thoại đường dây nóng, tra cứu thông tin doanh nghiệp trên trang công khai của cơ quan thuế, quản lý thị trường hay Cục Sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, khi mua bán hàng hóa, nếu phát hiện thấy có những dấu hiệu bất thường hay nghi ngờ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần chủ động thông tin, tố giác các hành vi có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kịp thời xác minh, xử lý.

Tuệ Mỹ

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/sua-gia-thuc-pham-chuc-nang-gia-nham-vao-nguoi-gia-tre-nho.htm